Thổ Nhĩ Kỳ phân hóa sâu sắc sau vụ đánh bom Ankara

Google News

(Kiến Thức) - Thổ Nhĩ Kỳ bị phân hóa sâu sắc sau vụ đánh bom ở Ankara, một vụ đánh bom đẫm máu mà chính quyền Tổng thống Erdogan phải chịu một phần trách nhiệm.

Đó là nhận định của nhà báo Hasnain Kazim, phóng viên thường trú của tạp chí Spiegel của Đức ở Istanbul.
Tho Nhi Ky phan hoa sau sac sau vu danh bom Ankara
Nhà báo Hasnain Kazim: Thổ Nhĩ Kỳ bị phân hóa sâu sắc sau vụ đánh bom ở thủ đô Ankara.
Theo nhà báo Hasnain Kazim, có vẻ ngớ ngẩn về chính trị, khi cho rằng một chính khách có thể thâu tóm quyền lực bằng cách đánh bom các đối thủ chính trị của ông ta. Điều này có thể xảy ra ở Iraq hoặc Afghanistan, nhưng khó có thể xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ - một quốc gia đang tự hoàn thiện để gia nhập Liên minh Châu Âu.
Kể từ vụ đánh bom ở Ankara làm gần 100 người thiệt mạng, các bên đã dổ lỗi lẫn nhau và người ta cũng không loại trừ động cơ chính trị đằng sau vụ đánh bom đẫm máu này. Thực tế cho thấy đây đã là vụ đánh bom lần thứ ba kể từ tháng 6/2015 nhắm vào người Kurd, cánh tả và phe đối lập ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Đó là vụ nổ bom trong cuộc mít tinh của đảng HDP ủng hộ người Kurd ngày 5/6 làm 3 người thiệt mạng; vụ đánh bom liều chết ở thị trấn Suruc nhắm vào thanh niên cánh tả muốn giúp người Kurd xây dựng lại thị trấn Kobane bị phiến quân IS tàn phá và làm chết 32 người; vụ đánh bom đẫm máu ở trung tâm thủ đô Ankara ngày 10/10 làm gần 100 người chết, trước một cuộc tuần hành do các nghiệp đoàn, các nhóm cánh tả và HDP kêu gọi tiến hành.  
Cho đến nay, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ vẫn nói nghi can hàng đầu là các phần tử khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS, nhưng không chịu đưa ra các bằng chứng mang tính thuyết phục.
Chính sự mập mờ này đã khiến cho người ta đặt câu hỏi: Thế còn các phân tử dân tộc chủ nghĩa, những phần tử cứng rắn mang tên “Sói xám” trong đảng AKP cầm quyền thì sao? Tại sao các nhà điều tra không đi theo hướng này? Tại sao cảnh sát lại vắng mặt trong cả ba vụ đánh bom vào các cuộc mít tinh và biểu tình của cánh tả và người Kurd?
Có một nghịch lý là trong khi tuyên bố IS là nghi can hàng đầu, Không quân Thổ Nhĩ Kỳ lại ngay lập tức dội bom vào lực lượng của Đảng Công nhân người Kurd (PKK), chứ không phải phiến quân IS ở miền bắc Syria. Trước đó, PKK đã tuyên bố tạm thời đơn phương ngừng bắn trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức vào đầu tháng tới.
Giới phân tích cho rằng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đang lo ngại cuộc bầu cử Quốc hội ngày 1/11 vẫn không mang lại cho đảng cầm quyền đa số tuyệt đối để một mình lãnh đạo đất nước. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy AKP sẽ không giành được đa số tuyệt đối trong cuộc bầu cử Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ ngày 1/11 và Tổng thống Erdogan không thể hiện thực hóa giấc mộng có quyền lực bao trùm. Có lẽ vì thế mà ông Erdogan muốn trì hoãn bầu cử Quốc hội và qua đó, duy trì quyền lực lâu hơn nữa.
Nếu đó quả thực là mưu đồ của Tổng thống Erdogan, thì điều này sẽ châm ngòi tình trạng đối đầu giữa người Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd không chỉ ở trong nước mà còn ở nước ngoài. Đất nước Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị phân hóa và đảng HDP khó có thể thuyết phục được thanh niên người Kurd xa lánh các hành động báo thù. Bạo lực có nguy cơ bị đáp trả bằng bạo lực.
Có một thực tế đáng buồn là bất kể thủ phạm vụ đánh bom đẫm máu ở trung tâm thủ đô Ankara thuộc tổ chức nào, thì Thổ Nhĩ Kỳ vẫn bị tụt xuống ngang hàng với các quốc gia vốn sử dụng bạo lực làm phương tiện giải quyết các mâu thuẫn chính trị.
Minh Châu (Theo Spiegel.de)

Bình luận(0)