Tổng thống Mỹ Barack Obama gần đây cảnh báo rằng Nga có thể bị sa lầy ở Syria. Tuy có pha chút cay cú ghen tị về những gì mà các cuộc không kích của Nga đạt được ở Syrya, nhưng xem ra ông Obama có lý.
|
Đằng sau cái bắt tay là cuộc đấu không khoan nhượng giữa hai "đối thủ truyền kiếp Nga và Ả-rập Xê-út ở Trung Đông.
|
Các chiến binh thánh chiến ở Syria – cả cực đoan lẫn ôn hòa – đều phẫn nộ trước những nỗ lực của Nga nhằm củng cố chế độ Assad. Là nước tài trợ chính cho quân nổi dậy lật đổ chế độ Assad, Ả-rập Xê-út cũng đã công khai kêu gọi Nga chấm dứt các cuộc không kích ở Syria.
Nhìn bề ngoài, quan hệ Moscow-Riyadh dường như đang được cải thiện. Hồi tháng 7/2015, Ả-rập Xê-út tuyên bố sẽ đầu tư đến 10 tỷ USD vào các dự án về nông nghiệp, y tế , dịch vụ hậu cần, bất động và bán lẻ ở Nga. Trong mùa hè vừa qua, hai nước đã ký thỏa thuận hợp tác năng lượng hạt nhân, kèm theo các hợp đồng vũ khí tiềm năng.
Ả-rập Xê-út sử dụng “vũ khí dầu lửa” chống Nga
Thế nhưng, Ả-rập Xê-út lại tiến hành một cuộc chiến kinh tế chống Nga. Trong khi Iran là mục tiêu chính của Ả-rập Xê-út, người Nga lại cảm thấy gánh nặng của “cuộc chiến không tiếng súng” này. Trong năm 2014, khi Nga và Iran cam kết vực dậy chế độ Assad tại Syria, Ả-rập Xê-út đã từ chối giảm thiểu tình trạng thừa cung trên thị trường dầu mỏ. Điều này đã đụng chạm đến cả Nga lẫn Iran, khi dự toán ngân sách của hai nước này dựa vào giá dầu 80-90 USD mỗi thùng. Hiện nay, giá dầu tụt xuống mức 45 USD/thùng.
Một trong những nhà ngoại giao Ả-rập Xê-út nói: "Nếu giá dầu có thể mang lại hòa bình ở Syria, Riyadh sẽ không lùi bước trong cố gắng gây sức ép để đạt được một thỏa thuận (về cuộc nội chiến Syria)”. Không chỉ chật vật bởi giá dầu “xuống dốc chóng mặt”, nước Nga còn bị khốn đốn bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây vốn cáo buộc Moscow can thiệp vào cuộc khủng hoảng Ukraine.
“Vũ khí dầu lửa” luôn là một thứ vũ khí ưa thích của Ả-rập Xê-út trong quá khứ.
Nuôi dưỡng các thế hệ thánh chiến Hồi giáo
Trong những năm 1970, Ả-rập Xê-út đã sẵn sàng chi ra những khoản tiền khổng lồ để chống lại các chính quyền và phong trào chính trị được Liên Xô hậu thuẫn.
Riyadh đã viện trợ 10 tỷ USD (viện trợ nước ngoài và viện trợ quân sự) cho các nước như Ai Cập, Bắc Yemen, Pakistan và Sudan. Ả-rập Xê-út cũng tài trợ cho quân nổi dậy chống các chính phủ được Liên Xô ủng hộ ở Angola, Chad, Eritrea và Somalia.
Chưa hết, Ả-rập Xê-út còn nuôi dưỡng các thế hệ thánh chiến Hồi giáo. Riyadh đã tổ chức và tài trợ cho 250.000 chiến binh thánh chiến Mujahedin, sau khi Liên Xô đổ quân vào Afghanistan hồi tháng 12/1979. Nhờ sự khuyến khích và tiền bạc của Ả-rập Xê-út, hỗ trợ hậu cần của Pakistan và sự hỗ trợ bổ sung của Mỹ, đám chiến binh thánh chiến Mujahideen người Ả-rập đã ồ ạt đổ vào Afghanistan.
Trong cuộc chiến Afghanistan (1979-1989), Liên Xô đã bị tổn thất khoảng 14.500 binh sĩ và hàng chục nghìn binh sĩ bị thương.
Trong quá trình này, một thế hệ thánh chiến đã được sinh ra ở Afghanistan và gieo mầm cho Taliban và al-Qaeda sau này. Đến nay, sau ba thập kỷ đám chiến binh thánh chiến này vẫn còn cầm súng và con cháu của họ - đặc biệt là Nhà nước Hồi giáo (IS) – còn cực đoan hơn thế hệ ông cha.
Cung cấp tiền bạc-vũ khí cho phiến quân Syria
Từ lâu, đám chiến binh thánh chiến đã tấn công người Nga ở Syria. Trong mấy tháng qua, đã xảy ra một loạt các vụ pháo kích vào Đại sứ quán Nga ở thủ đô Damascus cũng như một số vụ tấn công bằng rocket vào căn cứ không quân của Nga ở phía nam Latakia.
Ảrập Xêút đã cung cấp vũ khí tối tân cho phe đối lập Syria từ năm 2012, thông qua các bộ lạc đồng minh người Sunni ở Iraq và Lebanon.
Trong số các nhóm chiến đấu chống chính phủ Syria được Ả-rập Xê-út hậu thuẫn có Jaish al-Islam và Jaish al-Fatah.
Nhóm Jaish al-Islam đã tiến hành nhiều vụ tấn công đẫm máu chống lại hàng ngũ quan chức cao cấp của chính phủ Syria – trong đó có vụ tấn công Cơ quan An ninh Quốc gia giết chết Bộ trưởng Quốc phòng, Thứ trưởng Quốc phòng và Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Assad. Nhóm này gần đây cũng tuyến chiến với quân đội Nga tại Syria. Trong khi đó, lãnh đạo nhóm Jaish al-Fatah, cũng không chịu thua kém và cảnh báo sẽ “tàn sát” binh sĩ Nga.
Để thành công, các nhóm này phải bắn hạ máy bay chiến đấu của Nga và Syria. Phiến quân do Mỹ hậu thuẫn đã yêu cầu cung cấp vũ khí chống máy bay. Hiện chưa rõ yêu cầu này có được đáp ứng hay chưa, nhưng nên nhớ rằng chính những loại vũ khí phòng không của Mỹ đã bắn hạ nhiều khi máy bay trực thăng của Liên Xô trong cuộc chiến Afghanistan. Các chính phủ Ả-rập có thể ít quan tâm đến sự phản đối của Mỹ, khi gửi vũ khí phòng không tiên tiến cho các nhóm thánh chiến ở Syria.
Trong khi đó, 52 giáo sĩ Ả-rập đã ra tuyên bố lên án sự can thiệp của Nga. Abdullah al-Muhaysini, một giáo sĩ Ả-rập ở Syria có quan hệ với Mặt trận al-Nusra cảnh báo rằng Syria sẽ là một "nghĩa địa" và “một Afghanistan thứ hai” đối với quân Nga.
Một số nhà truyền giáo Ả-rập Xê-út coi cuộc chiến Syria hiện nay là một cuộc chiến tranh tôn giáo. Họ gọi đây là một “cuộc chiến thần thánh” và tố cáo cái gọi là “làn sóng Thập Tự chinh mới” của những người Cơ đốc giáo ở Trung Đông.
Nếu Riyadh muốn phát động một làn sóng tiếp theo của cuộc thánh chiến nhắm vào Moscow, Ả-rập Xê-út sẽ vũ trang cho các nhóm chống Nga. Bất kể hình thái của cuộc thánh chiến mới chống Nga như thế nào, thế hệ thánh chiến mới sẽ noi theo cha ông ở Afghanistan bằng cách làm cho thế giới này trở nên nguy hiểm hơn rất nhiều.