Thế giới lên án bạo lực đẫm máu tại Ai Cập

Google News

(Kiến Thức) - Cộng đồng thế giới lên án bạo lực đẫm máu ngày 14/8, khiến cho 149 người thiệt mạng và 1.403 người bị thương trên cả nước Ai Cập.

 
Theo Bộ Y tế Ai Cập, có tới 149 người đã thiệt mạng và 1.403 người bị thương trong các cuộc đụng độ diễn ra trên khắp Ai Cập ngày 14/8, sau cuộc trấn áp nhằm vào các lán trại của những người biểu tình ủng hộ ông Mursi.
Ngoài Cairo, còn có biểu tình tại các thành phố Alexandria, Minya, Assiut và Suez.
Bộ trưởng Nội vụ Ai Cập Mohamed Ibrahim tuyên bố lực lượng an ninh nước này sẽ không cho phép có thêm bất cứ cuộc biểu tình ngồi ở bất kỳ địa điểm nào, sau khi cảnh sát giải tán 2 lán trại biểu tình tại thủ đô Cairo của những người ủng hộ Tổng thống bị phế truất Mohamed Mursi. Ông cũng cho biết 43 cảnh sát đã thiệt mạng trong các vụ bạo lực trên toàn Ai Cập trong ngày 14/8, ngoài 278 người ủng hộ ông Mursi chết trong các vụ đụng độ. Trong số các cảnh sát thiệt mạng có 18 sĩ quan cảnh sát (có 2 tướng và 2 đại tá).
Phó tổng thống Mohamed ElBaradei quyết định từ chức
Phó Tổng thống Ai Cập Mohamed ElBaradei, người từng đoạt giải Nobel Hòa bình, ngày 14/8 đã thông báo quyết định từ chức trong bức thư gửi Tổng thống lâm thời Ai Cập Adly Mansour.
Phó Tổng thống Ai Cập Mohamed ElBaradei quyết định từ chức.
Trong thư, ông ElBaradei, nguyên Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), nhấn mạnh: “Thật khó để tiếp tục chịu trách nhiệm về những quyết định mà tôi không tán thành và những hậu quả mà tôi lo ngại sẽ xảy ra”. Ông cho rằng lương tâm mình bị cắn rứt vì những mất mát về người, đặc biệt bởi ông tin rằng những mất mát đó có thể tránh được.
Động thái trên diễn ra sau khi hàng chục người thiệt mạng trong cuộc trấn áp của lực lượng an ninh nhằm vào những người trung thành với Tổng thống bị phế truất Mohamed Mursi.
Phản ứng trên thế giới
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry gọi việc chính phủ Ai Cập sử dụng vũ lực nhắm vào những người biểu tình là “đáng chê trách” và là một đòn nặng giáng vào cố gắng hòa giải.
Tại Bộ Ngoại giao ngày 14/8, ông Kerry nói với các nhà báo rằng bạo lực không phải là giải pháp và chỉ làm chia rẽ thêm nhân dân Ai Cập. Ông yêu cầu chính phủ Ai Cập tôn trọng các quyền căn bản của con người và kêu gọi người biểu tình tránh bạo động. Nhà Trắng cũng phản đối chính phủ Ai Cập tuyên bố tình trạng khẩn cấp và yêu cầu lực lượng an ninh Ai Cập kiềm chế.
 Các nước Châu Âu cũng kêu gọi chính phủ Ai Cập và phe Hồi giáo đối lập tránh bạo động leo thang...
Các nước Châu Âu cũng kêu gọi chính phủ Ai Cập và phe Hồi giáo đối lập tránh bạo động leo thang và quay lại đối thoại. Tại Brussels, phát ngôn viên Liên minh Châu Âu Peter Stano nói các tin tức từ Cairo là “cực kỳ lo ngại.” Ông nói bạo lực không dẫn tới bất kỳ giải pháp nào và kêu gọi tất cả các bên kiềm chế tối đa.
Cứng rắn hơn, Ngoại trưởng Anh William Hague lên án việc chính phủ Ai Cập sử dụng vũ lực để giải tán người biểu tình.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon lên án cuộc bạo động tại Ai Cập bằng lời lẽ mạnh nhất, và nói rằng ông rất tiếc là nhà chức trách Ai Cập chọn sử dụng vũ lực nhắm vào các cuộc biểu tình của người Hồi giáo.
Tổ chức Ân xá Quốc tế kêu gọi quân đội Ai Cập ngưng tấn công người biểu tình.
Trong khi đó, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã mô tả vụ trấn áp hôm Thứ Tư (14/8) là một cuộc “thảm sát.” Ông hối thúc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Arập hành động ngay lập tức để chặn đứng tình trạng đó.
Iran cũng gọi đó là một cuộc thảm sát và cảnh cáo Ai Cập rằng nếu họ không thay đổi chiều hướng, Israel và các cường quốc “ngạo mạn” trên thế giới sẽ khiến cuộc cách mạng của nhân dân Ai Cập đi chệch hướng.
Văn Bình

Bình luận(0)