Yêu sách chủ quyền trái ngược nhau trong nhiều thập kỷ qua đã kích động căng thẳng trong khu vực và trên Biển Đông, nơi được cho là có trữ lượng dầu khí phong phú và từ lâu đã được coi là một trong những điểm nóng quân sự tiềm tàng ở Châu Á.
Tại Bangkok, các vị Bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN đã nhất trí có “tiếng nói chung” trong việc “sớm đạt được bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC)", một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Thái Lan nói với AFP nhưng không đưa ra một khung thời gian cụ thể. Các vị Bộ trưởng các nước ASEAN đã nhóm họp không chính thức kéo dài hai ngày ở thị trấn nghỉ dưỡng Hua Hin của Thái Lan.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Thái Lan nói: “ASEAN cần phải thương lượng với Trung Quốc bằng một lập trường thống nhất. Điều này không có nghĩa là chống lại bất kỳ nước nào... Một ASEAN thống nhất khiến cho người ta có thể dễ dàng thảo luận với tổ chức khu vực này. Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) cần phải nhằm tăng cường lòng tin giữa ASEAN và Trung Quốc ... và ngăn ngừa mọi sự cố bất lợi xảy ra ở Biển Đông”.
Trong hơn một thập kỷ qua, ASEAN cố gắng đạt được sự chấp nhận của Trung Quốc về một Bộ qui tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông có tính chất ràng buộc.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, thậm chí cả những vùng biển sát bờ biển của các nước láng giềng. Từ lâu, Bắc Kinh luôn chống lại việc sớm thảo luận và đi đến ký kết COC vì e rằng bộ qui tắc ứng xử có tính ràng buộc này có thể làm suy yếu tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông của Trung Quốc.
Một diễn đàn an ninh khu vực hồi tháng Sáu ở Brunei cho thấy ASEAN đã khắc phục được tình trạng chia rẽ nội bộ về COC. Năm ngoái, Campuhcia - chủ tịch luân phiên ASEAN Campuchia và là một đồng minh trung thành của Trung Quốc - đã từ chối yêu cầu của Philippines về một lập trường cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh. Tại cuộc họp không chính thức của các vị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Hua Hin, Campuchia đồng ý với lập trường thống nhất của ASEAN về COC, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Thái Lan cho biết.
Trung Quốc vốn từ chối nâng cấp Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002 thành một Bộ Qui tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), mà muốn đàm phán riêng rẽ với từng nước hữu quan.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, người đến thăm Bangkok để tham dự diễn đàn song phương kỷ niệm 10 năm ngày thiết lập quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc vào ngày 2/8, đã thẳng thừng tuyên bố rằng tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông cần được giải quyết thông qua đàm phán song phương. Ba ngày sau (5/8), ông Vương Nghị lại nói rằng thái độ nôn nóng của một số nước ASEAN trong việc tìm kiếm một thỏa thuận về COC là “thiếu thực tế và thiếu nghiêm túc”. Ông Vương nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiến hành các cuộc thảo luận chi tiết để đạt được sự đồng thuận giữa các nước có liên quan.