Video: Tàu khu trục Mỹ tuần tra sát đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp trái phép ở Biển Đông (Nguồn Vietnam Plus)
Đô đốc Harry Harris, chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ (PACOM), nói rằng đây là một phần của một kế hoạch “giành quyền bá chủ Đông Á” của Trung Quốc.
Sự phi lý của cái gọi là "chủ quyền lịch sử"
Trung Quốc là một trong 6 bên có yêu sách lãnh thổ tại Biển Đông, một tuyến đường thủy quan trọng mà 5.000 tỷ giá trị thương mại đi qua mỗi năm, cung cấp cá cho khoảng 500 triệu người và được cho là có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền hầu hết diện tích Biển Đông. Tại một hội nghị hải quân gần đây, Phó Đô đốc Yuan Yubai, chỉ huy của Hạm đội Biển Bắc của Hải quân Trung Quốc (PLAN) đã nói toạc ra rằng Biển Đông “thuộc về Trung Quốc”.
Wu Shicun, chủ tịch của Viện nghiên cứu quốc gia về Nam Hải (Biển Đông) lập luận rằng Trung Quốc là quốc gia đầu tiên phát hiện và đặt tên cho các nhóm đảo ở Biển Đông cũng như liên tục thực thi thẩm quyền “hơn 2.000 năm” (!?).
Thế nhưng, các tài liệu có liên quan, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), và tiền lệ pháp lý không hề công nhận cái gọi là “chủ quyền lịch sử” như vậy. Sự phi lý của cái gọi là “chủ quyền lịch sử” này thể hiện qua việc Trung Quốc không dám đối chứng với Philippines tại Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Haye, khi Manila kiện tuyên bố chủ quyền Biển Đông ngang ngược của Bắc Kinh. Việc không chịu ra đối chứng tại một tòa án trọng tài trung lập theo quy định của UNCLOS mà Trung Quốc đã ký kết làm suy yếu tuyên bố của Bắc Kinh về việc “giải quyết hòa bình các vấn đề” Biển Đông.
|
Đô đốc Harry Harris: Trung Quốc mưu đồ "giành quyền bá chủ Đông Á". |
Ngang ngược xây dựng "Vạn lý trường thành bằng cát" ở Biển Đông
Thay vào đó, Trung Quốc tìm cách tạo ra "chứng cứ trên thực địa” bằng cách xây dựng “Vạn lý Trường thành bằng cát” trên Biển Đông. Trong mấy năm qua, Bắc Kinh đã ráo riết thực thi chương trình bồi đắp trái phép, biến các rạn san hô và bãi đá ngầm thành “đảo nhân tạo” ở Biển Đông. Tuy nhiên theo luật pháp quốc tế, hoạt động “hút cát đắp đảo” trái phép này không thể biến đổi qui chế của các "tính năng" vốn có. Ví dụ, nếu một tảng đá nhô lên mặt nước khi triều xuống, nó không được hưởng một vùng biển xung quanh rộng 12 hải lý. Do đó, hành động đắp đảo “thay đổi nguyên trạng” của Trung Quốc không hề củng cố yêu sách chủ quyền về mặt pháp lý của nước này ở Biển Đông.
Thế nhưng điều đó cũng không ngăn được Trung Quốc dùng xây dựng trên các “đảo nhân tạo” các căn cứ, đường băng sân bay, triển khai các loại máy bay quân sự và gần đây nhất là các hệ thống tên lửa đất-đối-không và các trạm radar. Những diễn biến gần đây nhất đã thu hút sự chú ý của Đô đốc Harris và các nhà hoạch định hải quân Mỹ khác vốn lo ngại rằng Trung Quốc đang bắt đầu thiết lập một chiếc ô phòng không để ngăn cản đối phương xâm nhập Biển Đông, trong trường hợp xảy ra xung đột ở khu vực Đông Nam Á. Các chuyên gia dự đoán Trung Quốc sẽ sớm tuyên bố việc thành lập một Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) như nước này đã từng làm ở Biển Hoa Đông hồi tháng 11/2013, một động thái mà Trung Quốc sẽ sử dụng để củng cố tuyên bố chủ quyền lãnh thổ.
Trung Quốc đã bao biện rằng các cơ sở mới sẽ được sử dụng cho nghiên cứu và cho sứ mệnh tìm kiếm cứu hộ. Bắc Kinh cũng chỉ ra rằng việc đưa tên lửa đến đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam không phải là mới. Trước đó, nước này đã hai lần triển khai tên lửa ở đảo này.
Bắc Kinh cũng ngang nhiên tuyên bố rằng Trung Quốc không quân sự hóa các đảo. Do các loại vũ khí khí tài được đưa đến các đảo chỉ nhằm mục đích phòng thủ, nên hành động của Trung Quốc không thể bị gọi là quân sự hóa. Thật nực cười, Trung Quốc lại cực lực lên án việc Hàn Quốc xem xét triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa và bao biện rằng những gì mà Trung Quốc đang làm ở Biển Đông cũng giống như những gì mà Mỹ triển khai ở đảo Hawaii. Hawaii là lãnh thổ không thể tranh cãi của Mỹ và cũng không hề có tranh chấp với các nước láng giềng.
Không dung thứ việc Trung Quốc xâm phạm vùng biển quốc tế
Trung Quốc đã đổ lỗi cho Mỹ gây căng thẳng và hành động vô trách nhiệm, khi cử tàu chiến thực hiện chiến dịch tự do hàng hải ở Biển Đông. Trong thực tế, Mỹ cũng như Nhật Bản và nhiều nước khác có lợi ích trực tiếp trong sự tự do hàng hải ở Biển Đông. Phần lớn hàng hóa đi qua Biển Đông là đến hoặc đi đến Mỹ và các nước đồng minh. Chiến dịch bảo đảm tự do hàng hải là lời nhắc nhở Trung Quốc về lợi ích của nhiều quốc gia đầu tư vào Biển Đông.
Thật vậy, nhiều nước trên thế giới phải cùng nhau gửi thông điệp cho Trung Quốc, trong đó nói rõ rằng các nước này không dung thứ việc Bắc Kinh xâm phạm vùng biển quốc tế và “đơn phương thay đổi nguyên trạng”.
Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakitani tuyên bố: "Việc (Trung Quốc) xây dựng thành trì ở Biển Đông... cho mục đích quân sự và các hành động đơn phương làm gia tăng căng thẳng bằng cách thay đổi hiện trạng là một mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế”. Ông nói thêm lập trường của Nhật Bản là cần phải làm cho Biển Đông trở thành “một vùng biển tự do đi lại, rộng mở và hòa bình”. Thất bại trong việc đạt được mục tiêu này sẽ khuyến khích Trung Quốc tiếp tục gặm nhấm, sáp nhập Biển Đông.