Ngày 24/11, Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi chiến đấu cơ Nga. Chiếc cường kích Su-24 của Không quân Nga đang tiễu trừ khủng bố tại Syria đã bị tiêm kích F-16 không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ bằng tên lửa. Sự vụ này được Tổng thống Nga Vladimir Putin xem như "cú đánh từ sau lưng của những kẻ đồng lõa với khủng bố".
|
Khoảnh khắc cường kích Su-24 bốc cháy sau khi trúng tên lửa của Thổ Nhĩ Kỳ. |
Theo chuyên gia quân sự và địa chính trị, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông và Trung Á Semen Bagdasarov, vụ cường kích Su-24 của Nga bị tiêm kích F-16 Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ không thể coi là điều bất ngờ.
Ông Bagdasarov cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần tuyên bố ý định thành lập các vùng đệm ở khu vực Tây Bắc Syria, giáp biên giới nước này và sau đó thực tế tiếp tục ý tưởng đó. Theo quân đội Syria, lực lượng phiến quân đang kiểm soát 500 km biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực trên, sâu vào đất Syria từ 3-10km.
Ông Bagdasarov cho rằng một lý do cho hành động quyết liệt của Ankara là bảo vệ vùng đệm, cho phép những kẻ Hồi giáo vận chuyển dầu khai thác từ Syria đến Thổ Nhĩ Kỳ. Được biết hàng tháng tổ chức khủng bố IS thu 50 triệu USD từ việc bán dầu khai thác bất hợp pháp tại Syria và Iraq. Dầu thô được bán với giá 35 USD/thùng, và đôi khi giá giảm chỉ còn 10 USD/thùng. Trong phát biểu của mình Tổng thống Putin cũng nói Nga biết một lượng lớn dầu phiến quân IS khai thác được đưa sang Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu IS có tiền nhờ bán dầu, đồng thời được một nước bảo vệ, thì cũng dễ hiểu nguyên nhân chúng tiến hành khủng bố trên toàn thế giới, kể cả trái tim của châu Âu.
|
Hai phi công lái máy bay Su-24 của Nga nhảy dù sau khi cường kích này bị bắn rơi. |
Lý do thứ hai là Ankara đang nỗ lực trở thành một nhân tố lớn trong khu vực, kể cả bảo trợ các nhóm Hồi giáo tham chiến tại Syria và thậm chí ở Nga. Thông tin về việc chiến binh Bắc Caucasus (Kavkaz) thuộc LB Nga đi nghỉ hay điều trị ở Thổ Nhĩ Kỳ đã không ít lần xuất hiện trên báo chí Nga và phương Tây. Theo Nga tại khu vực xung quanh nơi chiếc Su-24 rơi ở Syria tập trung khoảng 1000 tay súng đến từ Bắc Caucasus.
Cũng theo ông Bagdasarov, trong khu vực này dưới vỏ bọc chiến đấu chống IS, Thổ Nhĩ Kỳ thành lập nhóm chiến binh người Turkmen địa phương lên tới 7.000 người gọi là nhóm Turkuman. Không chỉ là lực lượng lớn, nhóm này còn được các chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ huấn luyện và trong hàng ngũ Turkuman có sự hiện diện của sĩ quan quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngoài ra, ông Bagdasarov lưu ý tới sự hiện diện trong khu vực căn cứ không quân Incirlik của Mỹ. Đây là căn cứ được cả không quân Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng và là căn cứ cực Đông dưới sự chỉ huy của Bộ Tư lệnh Không quân Mỹ ở châu Âu. Mới đây, Mỹ đã điều tới đây một nhóm máy bay, trong đó có tiêm kích đánh chặn F-15 trang bị tên lửa không đối không. Ông đặt câu hỏi các tên lửa này được sử dụng làm gì khi IS không có không quân và cho rằng đó chỉ có thể nhằm tấn công máy bay của Syria hoặc Nga.
Một luồng ý kiến khác gắn sự vụ trên với bối cảnh trong thời gian gần đây, Nga đã tăng mạnh chiến dịch không kích tại Syria, sử dụng cả máy bay ném bom chiến lược cũng như tên lửa có cánh Kh-101 hiện đại, lực lượng khủng bố phải hứng chịu nhiều tổn thất to lớn trong khi quân đội Syria, dưới sự yểm trợ của không quân Nga, liên tiếp giành thắng lợi trên chiến trường và đặt câu hỏi liệu đây có phải hành động nhằm giảm "nhuệ khí" của quân đội Nga.
Ngoài ra cũng có những ý kiến khác đề cập tới nhân tố phá hoại - "một bàn tay vô hình" muốn gây tổn hại cho quan hệ giữa Nga với Thổ Nhĩ Kỳ, vốn đang nồng ấm trong lĩnh vực thương mại với các dự án năng lượng đầy tiềm năng như hệ thống dường ống dẫn khí "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ", dự án Nga xây dựng nhà máy điện hạt nhân của Thổ Nhĩ Kỳ hay một thị trường Nga to lớn mà hàng hóa Thổ Nhĩ Kỳ được hưởng lợi trong bối cảnh phương Tây đánh mất thị trường Nga do các biện pháp trả đũa trừng phạt.