|
Đâu là lý do đằng sau hành động gây chiến của các cường quốc?
|
Tại sao các cường quốc hay phát động chiến tranh? Giải thích thường gặp nhất là họ muốn chiếm đoạt các nguồn tài nguyên của các quốc gia khác.
Theo nhà phân tích bình luận kiêm nhà báo nhà văn, giáo sư ĐH nổi tiếng Carlos Alberto Montaner ở Havana, điều này gần như không đúng. Giả sử đó là sự thật, các quốc gia phát động chiến tranh sẽ bị cai trị bởi các nhà lãnh đạo bằng các biện pháp đẫm máu và phải trả giá rất đắt chống lại các dân tộc khác.
Điều này có thể đúng khi loài người còn sống ở thời kỳ “ăn lông, ở lỗ” chứ không phải trong một xã hội phát triển, văn minh và hiện đại.
Thật vô lý khi nghĩ rằng, Mỹ đã phát động cuộc chiến ở Iraq vì dầu. Cuộc chiến này đã ngốn của người Mỹ khoảng 784 tỷ USD. Trong khi đó, cái giá của cuộc chiến ở Afghanistan còn cao hơn nhiều: 1.000 tỷ USD.
Mua lại năng lượng từ Iraq, tinh chế và bán sản phẩm là những gì mà các công ty dầu mỏ thường làm. Nhưng để giành được kết quả đó thông qua một cuộc chiến đẫm máu là cái giá quá đắt.
Do đó, can thiệp vào Syria để cướp bóc sẽ là hành động siêu điên rồ, một tội ác. Syria chỉ xuất khẩu chưa đầy 150.000 thùng dầu mỗi ngày và thu nhập bình quân đầu người hàng năm của người dân nước này chỉ là 3.400 USD. Đây là một một nước nghèo.
Từ đó, quan điểm cho rằng động lực khiến Washington hay Paris phát động chiến tranh là để giành lấy một chút tài nguyên của Syria là vô lý. Điều này giống như giết chết một gã ăn xin mù lòa để lấy chiếc bút chì của anh ta.
Trên thực tế, nếu Mỹ muốn xâm lược một quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn, họ có thể nhắm vào Canada. Tuy nhiên, sẽ không ai nghĩ đến một việc điên rồ như vậy.
Sai lầm thứ hai là cho rằng cuộc chiến tranh sẽ có lợi trong việc tiếp thêm sinh lực cho nền kinh tế và nhiều người nổi tiếng, quyền lực tin vào điều đó. May thay, có những người khác như nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Joseph Stiglitz không nghĩ như vậy. Và ông ấy đã đúng.
Ngoài việc giết chết hàng nghìn người, chiến tranh hủy hoại tài sản vật chất, cơ sở hạ tầng, gây lạm phát, ngăn chặn sự tích lũy và hình thành vốn cũng như sử dụng và phân bổ vô tội vạ các nguồn lực có sẵn.
Chiến tranh có thể giúp các nhà sản xuất vũ khí và thương gia trục lợi, làm giàu cho bản thân họ nhưng lại bao gồm cái giá phải trả là sự tổn thất của 99% cơ cấu sản xuất của cả đất nước. Số tiền bỏ ra để xây dựng một tàu sân bay đủ để xây dựng 5.000 doanh nghiệp có khả năng tạo ra của cải vật chất và việc làm.
Cũng thật vô lý khi nghĩ rằng chiến tranh là cách hợp lý để tăng công ăn việc làm. Một xã hội với hàng triệu quân nhân không tạo ra hàng hóa, sản phẩm hoặc các dịch vụ giá trị bằng hàng triệu công nhân sản xuất. Thụy Sĩ đã trở thành quốc gia giàu nhất thế giới vì tránh chiến tranh, không tham chiến.
Như vậy, nếu chiến tranh là điều tồi tệ như vậy, và nếu trong thực tế hoàn toàn không có bất cứ lợi ích nào, tại sao giới lãnh đạo một quốc gia vẫn muốn phát động binh đao? Câu trả lời có lẽ chỉ có thể tìm kiếm ở trong tâm lý phức tạp của con người.
Các nhà lãnh đạo đã phát động chiến tranh vì những lý do mơ hồ che giấu đằng sau các bài phát biểu về đạo đức và lòng yêu nước hùng hồn, quyền lực và vinh quang, tham vọng quyền lực và lãnh đạo, những giấc mộng giữa ban ngày về ý thức hệ hay những diễn giải độc đoán khác. Đó rõ ràng là sự lạ lùng, kỳ bí trong bản chất con người.