Phát biểu với các phóng viên tại Paris Air Show tuần này, chủ tịch United Aircraft Corp của Nga, ông Yuri Slyusar, cho biết công ty của ông đang hướng tới một thỏa thuận bán 24 máy bay chiến đấu tiên tiến Su-35S.
|
Nga có thể bán 24 máy bay chiến đấu tiên tiến Su-35S thế hệ 4++ cho Trung Quốc ngay trong năm nay.
|
Ông Yuri Slyusar nói: "Chúng tôi vẫn tin tưởng sẽ ký hợp đồng bán 24 máy bay (Su-35S cho Trung Quốc) trong năm nay”. Tuy nhiên, quyết định này sẽ phải được sự chấp thuận của các "cơ quan liên bang về hợp tác quân sự”.
Với tính năng chiến đấu vượt trội và tầm bay đáng nể 3.600 km (chưa tiếp nhiên liệu trên không), việc mua được Su-35S sẽ chắp cánh cho Trung Quốc thống trị Biển Đông.
Trung Quốc và Nga đã đàm phán nhiều năm qua việc bán máy bay chiến đấu Su-35S, mà Moscow nói là máy bay chiến đấu thế hệ 4 ++ đa năng. Các cuộc đàm phán đã bị sa lầy vì lo ngại của Nga rằng Trung Quốc sẽ “sao chép” loại máy bay chiến đấu tiên tiến nhất của Nga để chế tạo một phiên bản trong nước, điều mà Trung Quốc đã làm với loại máy bay Su-27 trước đây của Nga. Cũng tin nói rằng Trung Quốc chỉ muốn mua một số lượng nhỏ Su-35S để “sao chép” radar mang pha điện tử thụ động Irbis-E và động cơ phản lực 117S để sau đó có thể sử dụng vào việc sản xuất máy bay trong nước.
Su-35S vượt mặt tất cả máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư
|
Sukhoi Su-35 máy bay tiêm kích đa năng hạng nặng tầm xa, thế hệ 4++. |
Su-35 được trang bị 2 động cơ AL-41F1S (117S) có khả năng đẩy vector với lực đẩy mỗi động cơ là 142,2 KN cao hơn 16% so với Su-27. Tuổi thọ sử dụng động cơ 117S là 4.000 giờ, hơn gấp đôi động cơ cùng loại. Dự trữ nhiên liệu của Su-35 là 11,5 tấn, nhiều hơn 22% so với ở Su-27.
Radar mảng pha quét điện tử bị động Irbis-E của Su-35 có thể phát hiện máy bay thông thường ở cự ly lên tới 350 km, tàu chiến cỡ lớn ở cự ly 400 km. Đặc biệt nó có khả năng phát hiện các loại máy bay tàng hình (có bề mặt tán xạ radar cỡ 0,01m2) ở khoảng cách xa 120 km. Radar Irbis-E có thể khóa đến 30 mục tiêu khác nhau, trong đó có 8 mục tiêu có thể khóa gần như liên tục với độ chính xác đủ để đồng thời tiêu diệt bằng các tên lửa không đối không tầm trung với đầu dò chủ động.
Chuyên gia Trung Quốc đánh giá rằng tính năng của máy bay chiến đấu Su-35S vượt tất cả máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư, bao gồm máy bay chiến đấu Rafale Pháp và máy bay chiến đấu Eurofighter Typhoon của châu Âuvà có thể đối đầu hiệu quả với máy bay chiến đấu tàng hình F-22A Raptor của Không quân Mỹ.
Từ lâu, phía Nga cho rằng Trung Quốc phải mua một lô lớn máy bay chiến đấu Su-35 để có thể nhận đủ “bồi thường tài chính”, ngay cả khi Trung Quốc đánh cắp mẫu và công nghệ máy bay chiến đấu phản lực tiên tiến này. Việc Bắc Kinh đề nghị mua Su-35 gây nghi ngờ là để sao chép động cơ 117S và lắp vào máy bay chiến đấu tàng hình J-20.
Tuy nhiên, khi căng thẳng với phương Tây gia tăng vì vấn đề Ukraine, phía Nga buộc phải hạ thấp yêu cầu. Trong tháng 11/2014, tạp chí quốc phòng IHS Jane’s trích dẫn nguồn tin công nghiệp quốc phòng Nga nói rằng Moscow chỉ yêu cầu Bắc Kinh mua 24 Su-35, chứ không phải 48 chiếc như yêu cầu trước đó.
Một nguồn tin Nga nói với tạp chí quốc phòng IHS Jane’s: ”Tôi nghĩ rằng hợp đồng sẽ được ký kết vào cuối năm 2014 hoặc đầu năm 2015. Không có lý do chính trị hay kỹ thuật rõ ràng nào cản trở việc ký kết hợp đồng. Điều duy nhất cần phải làm là xem xét tỉ mỉ của một số chi tiết và các vấn đề kỹ thuật. Tôi tin rằng nếu tất cả mọi thứ được thực hiện một cách ổn thỏa, các phi công Trung Quốc sẽ lái máy bay Su-35 vào năm 2016”.
Sau đó, các cuộc đàm phán Nga-Trung về Su-35 bị chững lại. Một trong những nguyên nhân là tráng trước, Trung Quốc đã tiến hành các chuyến bay thử nghiệm đầu tiên phiên bản máy bay chiến đấu nâng cấp của J-11B. Mặc dù J-11 là bản sao của Nga Su-27, nhưng phiên bản J-11D được trang bị radar mảng pha điện tử chủ động (AESA) hiện đại hơn.
Tuy nhiên, vào thời điểm đó, tạp chí The National Interest của Mỹ đã viết rằng J-11D không thể ngăn cản Trung Quốc mua Su-35 vì loại máy bay này được cho là có khả năng đánh bại các loại chiến đấu cơ thế hệ thứ tư của Mỹ như F-16 và F-15 Eagle.
Tạp chí Air Force Technology ghi nhận Su-35 "có khả năng cơ động cao và được trang bị các hệ thống vũ khí mạnh… giúp loại máy bay này có khả năng cận chiến vượt trội. Đó là chưa kể, loại máy bay này có tốc độ tối đa là 2.390km/h hoặc Mach 2.25”.
Công cụ răn đe các bên tranh chấp trong khu vực
Nhà phân tích Peter Wood viết trên tạp chí The Diplomat: “Hiện nay, máy bay chiến đấu Không quân Trung Quốc (PLAAF) xuất phát từ đất liền chỉ có thể tiến hành các cuộc tuần tra giới hạn khu vực phía nam Biển Đông. Nhưng nhiên liệu đã hạn chế nghiêm trọng thời gian bay tuần tra. Để thực thi tuyên bố chủ quyền xa đất liền trong thời gian khủng hoảng, Trung Quốc cần có tầm bay và tốc độ mà Su-35 sở hữu. Su-35 có khả năng giúp Trung Quốc thực thi chủ quyền lãnh thổ, tiếp tục răn đe các bên tranh chấp trong khu vực và cung cấp thêm các lớp bảo vệ trong trường hợp xung đột leo thang”.
|
Su-35 có khả năng giúp Trung Quốc thực thi chủ quyền lãnh thổ, tiếp tục răn đe các bên tranh chấp trong khu vực.
|
Nhà phân tích Peter Wood cho rằng "chìa khóa là nhiên liệu" và Su-35 vượt trội hơn Su-27 trong lĩnh vực này. Ông viết tiếp: "Một cải tiến quan trọng của Su-35 so với Su-27/J-11B là khả năng mang thùng nhiên liệu bên ngoài. Su-35 mang nhiều nhiên liệu hơn Su-27 đến 22% (11,5 tấn so với 9 tấn), đó là chưa kể khả năng tiếp nhiên liệu trên không. Khả năng tiếp nhiên liệu trên không cũng là một phần quan trọng của chiến lược tăng thời gian bay và tầm bay của Trung Quốc ".