Trong một bài viết vừa được đăng tải trên tạp chí Chính sách Ngoại giao, tác giả Robert A. Manning cho rằng không ai kể cả Tổng thống Mỹ Barack Obama có thể giúp nước Mỹ được chào đón ở Châu Á hơn Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình.
|
Không một ai, kể cả Tổng thống Mỹ Barack Obama, có thể giúp nước Mỹ được chào đón ở Châu Á hơn Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh The Japan Times |
Từ năm 2012, chính sách ngoại giao của ông Tập Cận Bình đã làm sáng tỏ những nỗ lực cẩn trọng nhiều năm của phía Trung Quốc trong việc thuyết phục các nước láng giềng Châu Á rằng Trung Quốc trỗi dậy hòa bình mang lại chiến thắng cho cả hai bên. Nhưng rốt cuộc nó đã phản tác dụng.
Gần đây, Trung Quốc đã thua kiện trong vụ trọng tài Biển Đông, Hàn Quốc đồng ý để Mỹ bố trí Hệ thống Phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), quan hệ Trung-Nhật căng thẳng vì vấn đề Biển Hoa Đông.
Và không chỉ ở Châu Á, Liên minh Châu Âu (EU) cũng bất chấp áp lực của Trung Quốc, từ chối công nhận Trung Quốc là nền kinh tế thị trường.
Làm sao để lý giải điều đó? Tất cả đều có nguyên nhân của nó!
Sau khi nước Mỹ rơi vào khủng hoảng tài chính năm 2008, nhiều nhà phân tích Trung Quốc đã phạm phải sai lầm khi cho rằng Mỹ bắt đầu suy thoái và thời đại của Trung Quốc sắp đến.
Và tất cả các chiến lược của Trung Quốc đều được xây dựng dựa trên giả thiết sai lầm: Sức mạnh kinh tế và quân sự của Trung Quốc đang mạnh lên, nước Mỹ suy thoái cuối cùng sẽ rút khỏi Châu Á-Thái Bình Dương và các quốc gia Châu Á sẽ phải khuất phục Trung Quốc.
Giới phân tích cho rằng sai lầm chiến lược nghiêm trọng này của Trung Quốc vô tình trở thành “đòn bẩy” cho chiến lược tái cân bằng Châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ.
Trong cuộc gặp Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng ngày 25/6/2014, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long bày tỏ hoan nghênh chính sách trở lại Châu Á của Mỹ.
Sau cuộc đối đấu căng thẳng ở bãi cạn Scarborough (Hoàng Nham/Panatag) với Trung Quốc hồi tháng 4/2012, Philippines không chỉ quyết định kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Thường trực (PCA), mà sau đó còn ký một Hiệp ước Hợp tác tăng cường phòng thủ với Mỹ.
Hiệp ước đó cho phép Hải quân Mỹ sử dụng vịnh nước sâu Subic để chuyển khí tài và nhân viên quân sự cho những cuộc tập trận chung hàng năm. Vào tháng 4/2015, 6.000 binh sĩ Mỹ đã đến Vịnh Subic để tập trận. Các chiến hạm Mỹ cũng dùng Vịnh Subic như là một cảng tiếp liệu cho những chuyến tuần tra thường lệ...