Theo tạp chí Mỹ The National Interest, một số người cho rằng xung đột trên Biển Đông là nhằm kiểm soát trữ lượng dầu khí phong phú. Tuy nhiên, điều này dường như không mấy thuyết phục. Trong lịch sử đương đại, các cường quốc hiếm khi đánh nhau chỉ vì lý do kinh tế.
|
Tàu chiến Mỹ đối mặt ba tàu chiến Trung Quốc trên Biển Đông. Ảnh scmp.com |
Vậy có phải là do cái gọi là “đường lưỡi bò” tham lam phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông? Thực ra, cái gọi là “đường lưỡi bò” đó chỉ là phương tiện để Trung Quốc đạt được mục đích địa chính trị to lớn hơn.
Ngược dòng lịch sử
Nhìn lại lịch sử thế kỷ 20, Chiến tranh Thế giới I bắt đầu khi Áo-Hungary tuyên chiến và tấn công Serbia. Thế nhưng, nguyên nhân sâu xa của Chiến tranh Thế giới I lại là do các cường quốc muốn thay đổi trật tự hiện hữu ở Châu Âu.
Tương tự, Chiến tranh Thế giới II cũng bắt đầu bằng một cuộc xâm lược, khi Hitler xua quân đánh chiếm Ba Lan trong năm 1939. Thế nhưng, bản thân Ba Lan không phải là nguyên nhân gây ra Chiến tranh thế giới II mà là do sự leo thang đối đầu Anh/Pháp-Đức. Ba Lan chỉ là một nạn nhân của “trò chơi quyền lực”, khi Anh và Pháp tìm cách “ngăn chặn từ xa” cán cân quyền lực đang có xu hướng nghiêng về phía Đức Quốc xã.
Để hiểu được nguyên nhân của đối đầu Trung-Mỹ, người ta cần ngược dòng lịch sử và xem xét bức tranh chiến lược ở Châu Á. Sau khi Nhật Bản đầu hàng đồng minh trong Chiến tranh Thế giới II, Mỹ trở thành cường quốc duy nhất chi phối toàn bộ khu vực. Kể từ đó, khu vực Châu Á đã phần nào đi theo trật tự khu vực do Mỹ cầm đầu. Tuy nhiên, không phải tất cả các quốc gia trong khu vực đều chấp nhận sự thao túng của Mỹ.
Tham vọng hất cẳng Mỹ khỏi Châu Á
Hiện thời, khi đã đủ mạnh để có thể tranh giành địa vị siêu cường, Trung Quốc muốn có một vai trò lớn hơn trong việc lãnh đạo khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Nói cách khác, Trung Quốc đang có tham vọng hất cẳng Mỹ trong việc quyết định trật tự khu vực.
Có vẻ như Trung Quốc cho rằng trật tự khu vực do Mỹ chi phối được dựa trên liên minh do Mỹ cầm đầu bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Philippines và Thái Lan. Liên minh này cho phép Mỹ tiếp cận các căn cứ quân sự, nhanh chóng triển khai lực lượng trong khu vực, một khi xảy ra khủng hoảng. Do đó, việc giảm bớt khả năng ứng phó khủng hoảng của Mỹ ở Châu Á-Thái Bình Dương đồng nghĩa với việc làm suy giảm ảnh hưởng của Washington đối với trật tự khu vực.
Vấn đề ở chỗ là làm thế nào để Trung Quốc có thể phá vỡ hệ thống liên minh của Mỹ ở Châu Á-Thái Bình Dương?
Trước tiên, Trung Quốc cần làm cho các nước đồng minh truyền thống của Mỹ nhận thấy rằng Washington sẽ không xả thân giúp đỡ họ vào lúc “nguy kịch”. Để làm được điều đó, Trung Quốc phải kích động một cuộc xung đột với các đồng minh của Mỹ, khiến các nước này phải kêu gọi Mỹ hỗ trợ, nhưng Washington lại không thể đáp ứng theo thỏa thuận bảo vệ đồng minh.
Đó sẽ là một canh bạc nguy hiểm, hay nói cách khác, Trung Quốc đang đùa với lửa. Để làm được điều đó, Bắc Kinh phải làm hết sức để Mỹ không chịu hoặc không thể hỗ trợ các đồng minh. Nếu không, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến tranh với Mỹ. Đây sẽ là một cuộc chiến tàn khốc vì cả hai bên đều sở hữu vũ khí hạt nhân.
Bãi đá nhỏ ở Biển Đông có nguy cơ châm ngòi Chiến tranh thế giới
Một nhúm bãi đá “nửa nổi nửa chìm” không có người ở trong Biển Đông lại có nguy cơ châm ngòi chiến tranh thế giới. Đây là vấn đề chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ mà các nước ven Biển Đông không thể nhượng bộ. Trong khi đó xét theo quan điểm của Mỹ, những đảo đá ở Biển Đông vẫn chỉ là những bãi đá ngầm vô tri vô giác. Những bãi đá ngầm đó có đôi chút giá trị chiến lược và do đó, chúng có chút liên quan đến lợi ích quốc gia của Mỹ.
Sự quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông đã bước vào năm thứ tư và có vẻ như chiến lược của Bắc Kinh đã đạt được một số thành công. Tại Biển Đông, phản ứng của Mỹ xem ra khá mờ nhạt và đôi khi lưỡng lự. Ví dụ cụ thể nhất là Mỹ đã thất bại trong việc hỗ trợ Philippines bảo vệ chủ quyền ở bãi cạn Scarborough trước hành động xâm chiếm của Trung Quốc. Tuy nhiên, việc ứng phó với một cuộc khủng hoảng như vậy, Mỹ cần phải quyết tâm hơn và dám chấp nhận rủi ro hơn.
Có một lựa chọn khác chứa đựng nguy cơ thấp hơn là tạo ra một số hình thức lãnh đạo chung ở khu vực Châu Á. Hiện chưa phải là quá muộn để Mỹ đảo ngược xu hướng tiêu cực, nhưng có một điều chắc chắn là Washington còn khá nhiều việc phải làm.