Đó là nhận định của nhà báo Salman Rafi Sheikh -nhà phân tích về quan hệ quốc tế, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến Pakistan – trong bài viết đăng trên tờ Asia Times ngày 21/7.
Ngày 20/7, Tổng thống Erdogan tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở Thổ Nhĩ Kỳ, giữa lúc chiến dịch đàn áp chống lại hàng ngàn thành viên của lực lượng an ninh, tư pháp, dịch vụ công và giáo dục sau cuộc đảo chính quân sự bất thành.
Theo nhà báo Salman Rafi Sheikh, các sự kiện đang diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có tác động đáng kể về địa chính trị và đến chính sách đối ngoại của Ankara vốn đã có dấu hiệu thay đổi trước khi xảy ra đảo chính quân sự sáng sớm 16/7. Việc Thổ Nhĩ Kỳ mâu thuẫn với phương Tây và tái lập quan hệ với Nga là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy sự thay đổi này và sự rạn nứt giữa Ankara và Washington đã trở nên ngày càng sâu rộng sau đảo chính.
|
Sự nghi kị giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và Tổng thống Mỹ Barack Obama càng trở nên sâu sắc sau cuộc đảo chính quân sự bất thành ngày 16/7/2016. Ảnh Ảnh Newsweek |
Tổng thống Erdogan đã đổ lỗi cho Mỹ về việc dính líu đến cuộc đảo chính quân sự bất thành, sau khi Washington không chịu dẫn độ giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen - đang tị nạn ở Pennsylvania và bị cáo buộc chủ mưu đảo chính - bất chấp yêu cầu lặp đi lặp lại của Thổ Nhĩ Kỳ.
Đối với Mỹ, việc để Thổ Nhĩ Kỳ xoay trục sang Nga sẽ là một thất bại địa chính trị vô cùng to lớn vì điều này sẽ triệt tiêu sự phong tỏa đường cung khí đốt Nga cho Châu Âu qua Ukraine. Washington đã ra sức cản trở việc xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt Nga qua Thổ Nhĩ Kỳ đến Hy Lạp (còn được gọi là “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ”).
|
Dự án "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ" của Gazprom. Ảnh Subsea World News |
Đối với Nga, đây là một diễn biến quan trọng.
Nga cần Thổ Nhĩ Kỳ để thúc đẩy dòng chảy khí đốt xuất khẩu. Nếu có Thổ Nhĩ Kỳ giữ vai trò "đầu cầu phía nam", Nga sẽ không còn cần đến Ukraine cho việc trung chuyển khí đốt xuất khẩu sang Nam Âu.
Bằng cách sẵn sàng trở thành "đầu cầu phía nam" của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ thỏa mãn được nhu cầu khí đốt của nước này. Việc hòa giải quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ là phù hợp với lợi ích sống còn của hai nước trong khu vực.
Giữa lúc có tin dân quân người Kurd, được hỗ trợ của Mỹ đang chuẩn bị đánh chiếm thành phố Raqqa ở miền bắc Syria, Tổng thống Erdogan cũng hy vọng có được sự giúp đỡ của Nga để ngăn chặn người Kurd tạo ra một quốc gia riêng ở Trung Đông. Đối với Moscow, đây sẽ không phải là vấn đề lớn nếu sự hiện diện của Nga trong khu vực trở nên mạnh mẽ hơn do Thổ Nhĩ Kỳ xa lánh phương Tây và NATO.
Khi nỗi sợ hãi về người Kurd giảm đi, Thổ Nhĩ Kỳ không cần phải hỗ trợ cái gọi là Nhà nước Hồi giáo hoặc bất kỳ mạng lưới khủng bố nào khác ở Syria và Iraq.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho thấy dấu hiệu sẵn sàng làm việc với Iran để “ổn định” khu vực và Tehran đã tích cực hưởng ứng. Ba ngày sau cuộc đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Iran Hassan Rouhani gọi điện cho Tổng thống Erdogan và thảo luận về triển vọnghòa bình trong khu vực. Tổng thống Rouhani cho biết sự ổn định trở lại ở Thổ Nhĩ Kỳ "sẽ góp phần củng cố hòa bình và ổn định trong toàn bộ khu vực”.
Nếu Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ chiến lược thánh chiến Wahhabi và tích cực can dự với các lực lượng chống lại nó, Moscow và Tehran rất quan tâm đến việc duy trì mối quan hệ mạnh mẽ hơn với Ankara.
Cách tiếp cận chính sách mới của Ankara dựa trên sự thịnh vượng kinh tế vốn đã tạo ra sức nặng và ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ ở Trung Đông. Nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đã suy giảm đáng kể trong vài năm qua và còn giảm sút hơn nữa sau khi Ankara can dự trực tiếp vào cuộc chiến ở Syria và Iraq.
Nhưng bước đột phá kinh tế mà Ankara đang hy vọng không thể diễn ra, nếu không có hòa bình trong khu vực vốn đòi hỏi hợp tác với nhà lãnh đạo Syria Bashar al-Assad.
Nhận thức rõ điều này, chính quyền Erdogan đang tìm cách tiếp cận hòa giải với Tổng thống Assad. Nghị sĩ Idris Baluken, trưởng đoàn đại biểu của Đảng Dân chủ Nhân dân trong Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đang đàm phán bí mật với chính phủ Syria và rất có thể một "lá thư xin lỗi" chính thức sẽ được gửi đến Damascus.
Cách tiếp cận mới của Ankara chắc chắn sẽ tạo điều kiện cho Thổ Nhĩ Kỳ dễ dàng hòa nhập mặt trận chiến lược trong khu vực do Nga dẫn đầu và mặt trận kinh tế do Trung Quốc cầm đầu. Nếu kịch bản này xảy ra, đây sẽ là một thất bại vô cùng to lớn đối với chính sách Trung Đông của Mỹ. Mỹ rất cần đến Thổ Nhĩ Kỳ trong mưu đồ kiểm soát dòng chảy dầu khí ở Trung Đông.