Liệu NATO có dám khai trừ Thổ Nhĩ Kỳ?

Google News

(Kiến Thức) - Tổng thống Erdogan cứ thẳng tay đàn áp và phương Tây cứ luôn miệng chỉ trích Ankara vi phạm nhân quyền, nhưng liệu NATO có dám khai trừ Thổ Nhĩ Kỳ?

Theo nhà phân tích chính trị cao cấp Marwan Bishara của kênh truyền hình Al Jazeera, nếu Thổ Nhĩ Kỳ rời khỏi Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO), nguy cơ đối với an ninh của nước này là tối thiểu nhưng NATO lại bị “thiệt đơn, thiệt kép”: hở sườn phía nam và khó có thể thành công trong cuộc chiến chống khủng bố Hồi giáo.
Kể từ Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) năm 1952, Ankara luôn coi đây là hành động “đôi bên cùng có lợi”: NATO giúp tăng cường an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ và giúp nước này hội nhập với Châu Âu, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ chịu trách nhiệm bảo vệ lợi ích của liên minh quân sự này, đặc biệt ở sườn phía nam.
Nhưng tình hình trong mấy năm qua đã khiến cho quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-NATO trở nên căng thẳng. NATO không thể hoặc không sẵn sàng ngăn chặn làn sóng bất ổn trong khu vực do các nhóm thánh chiến Hồi giáo gây ra - trong bối cảnh nội chiến ở Iraq và Syria xảy ra trước ngưỡng cửa Thổ Nhĩ Kỳ.
Cuộc đảo quân sự chính thất bại tuần trước dường như khoét sâu thêm sự ngờ vực vốn có giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh NATO.
Lieu NATO co dam khai tru Tho Nhi Ky?
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ mất qui chế thành viên NATO, nếu tiếp tục đàn áp hàng loạt những người bất đồng chính kiến. Ảnh The Independent. 
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cảnh báo rằng việc Ankara lợi dụng cuộc đảo chính quân sự bất thành để đàn áp những người bất đồng chính kiến và phá hoại nền dân chủ... có thể khiến cho Thổ Nhĩ Kỳ mất đi qui chế thành viên NATO.
Nhưng bất chấp sự chỉ trích của phương Tây, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn sẽ tiếp tục là một phần của NATO, ngay cả khi nỗ lực của Ankara gia nhập Liên minh Châu Âu xem ra đã thất bại.
Tài sản chiến lược hay gánh nặng?
Từ lâu, Mỹ vốn coi Thổ Nhĩ Kỳ là một tài sản chiến lược, bất kể chính quyền nước này vi phạm nhân quyền và các nguyên tắc cơ bản của một nền dân chủ.
Trong nhiều thập kỷ qua, Washington luôn duy trì quan hệ chiến lược chặt chẽ với Ankara, bất chấp bốn cuộc đảo chính quân sự (1960, 1971, 1980, 1997) và sau khi Thổ Nhĩ Kỳ xâm lược đảo Síp trong năm 1974.
Qua các phương tiện truyền thông phương Tây, người ta có ấn tượng rằng Thổ Nhĩ Kỳ dưới thời chính quyền Erdogan đã trở nên thù địch với lợi ích của phương Tây: một "của nợ về chiến lược", một nước "vô trách nhiệm” trong việc sử dụng vũ lực, một đồng minh "thiếu thận trọng và hiếu chiến” và là một "đội quân thứ năm".
Thế nhưng, theo cựu Tư lệnh tối cao Các lực lượng NATO, Đô đốc Mỹ James Stavridis, Thổ Nhĩ Kỳ đã tham gia "hầu như mọi hoạt động của NATO với đóng góp đáng kể: đào tạo lực lượng an ninh Afghanistan, cử tàu chiến và máy bay tham gia chiến dịch ở Libya, tham gia các chiến dịch chống cướp biển và duy trì sự hiện diện ổn định trong lực lượng gìn giữ hòa bình ở khu vực Balkan".
Trái với những lời chỉ trích của Washington và Paris, kinh nghiệm Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy rằng một nước thành viên NATO nó có thể làm bất cứ điều gì trong lĩnh vực đối nội, miễn là nước này có ích đối với Mỹ và NATO trong lĩnh vực đối ngoại.
Lieu NATO co dam khai tru Tho Nhi Ky?-Hinh-2
Tư lệnh tối cao Các lực lượng NATO Đô đốc Mỹ James Stavridis thăm Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ.  Ảnh shape.smugmug.com
Hơn nữa, theo Đô đốc về hưu Stavridis - người được coi là một trong những sự lựa chọn phó tổng thống trong liên danh tranh cử của ứng viên, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016, Thổ Nhĩ Kỳ có "khả năng rất lớn" trong việc tác động đến các sự kiện quan trọng: "từ Nhà nước Hồi giáo ở Syria và Iraq, các mỏ dầu khí của Israel ở đông Địa Trung Hải đến ứng phó với vấn nạn Hồi giáo cực đoan gây bất ổn ở Ai Cập ".
Các thực tế nêu trên cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ dưới thời chính quyền Erdogan vốn là một tài sản chiến lược lớn của NATO và trên thực tế, Ankara đã “cho nhiều hơn nhận” trong quan hệ với liên minh quân sự này.
Kể từ khi NATO phát động chiến dịch quân sự ở Afghanistan vào năm 2001, Thổ Nhĩ Kỳ đã tích cực đóng góp vào chiến dịch can thiệp nói trên, khi xét đến nguy cơ bất ổn ở khu vực Trung Đông.
Cựu Bộ trưởng Ngoại giao và sau này là cựu Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu đã thúc giục Châu Âu hỗ trợ sự thay đổi ở Trung Đông như đã làm ở Đông Âu và thề rằng: "Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục là một tài sản và một nước thành viên có ảnh hưởng trong NATO nếu NATO tiếp tục can dự ở Trung Đông ".
Nhưng xem ra, Thổ Nhĩ Kỳ không được tôn trọng trong Hội đồng NATO. Thay vì là đồng minh trên cơ sở bình đẳng, các nước phương Tây vẫn tiếp tục chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ dưới thời Erdogan. Gần đây nhất là những lời chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ của Ngoại trưởng Pháp, người đã nói “toạc móng heo” ý nghĩ của ông ta.
Những hậu quả của việc Thổ Nhĩ Kỳ “chia tay” NATO
Tất cả điều đó đặt ra câu hỏi: Điều gì sẽ xảy ra nếu Thổ Nhĩ Kỳ bị đình chỉ qui chế thành viên hoặc bị khai trừ khỏi NATO?
Nếu Thổ Nhĩ Kỳ chia tay với NATO, những nguy cơ đối với an ninh của nước này sẽ là tối thiểu. Thổ Nhĩ Kỳ có ngân sách quốc phòng lớn hơn các nước láng giềng và hầu hết các nước thành viên NATO, ngoại trừ Mỹ.
Trên thực tế, quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các nước láng giềng là không mấy “thuận buồm xuôi gió”, nhưng trong thời gian gần đây Ankara đã cố gắng cải thiện quan hệ, đặc biệt là quan hệ với Israel và Nga. Trước khi xảy ra cuộc đảo chính quân sự sáng sớm 16/7, Thổ Nhĩ Kỳ đã hướng chính sách ngoại giao thực dụng không can thiệp đối với các nước láng giềng.
Nhưng NATO sẽ bị tổn thất nghiêm trọng, nếu Thổ Nhĩ Kỳ rời bỏ liên minh quân sự này.
Thứ nhất, NATO sẽ chỉ còn là một câu lạc bộ quân sự bao gồm các quốc gia theo đạo Cơ đốc và điều này sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với các chiến dịch “bên ngoài tầm ảnh hưởng” của liên minh quân sự này.
Thứ hai, NATO sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc giành chiến thắng cuộc chiến chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).
Thứ ba, nếu Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào bất ổn, hậu quả sẽ nghiêm trọng đối với Châu Âu và có khả năng tăng cường sức mạnh của thánh chiến Hồi giáo, đặc biệt là nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo.
Thứ tư, việc Thổ Nhĩ Kỳ chia tay với NATO sẽ khuyến khích Nga can thiệp mạnh hơn nữa vào các vấn đề trong khu vực.
Và cuối cùng, Mỹ và NATO sẽ mất năm căn cứ quân sự lớn và có ý nghĩa chiến lược ở Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này khiến cho NATO bị hở sườn nghiêm trọng ở phía nam và khó can thiệp vào các khu vực Trung Đông và Trung Á.
Liệu Thổ Nhĩ Kỳ có muốn rời NATO?
Thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ không có nhiều lựa chọn thay thế tốt hơn NATO hay EU. Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) xem ra chỉ là một thứ diễn đàn chứ không phải là một liên minh chặt chẽ và khối BRICS cũng chẳng khác gì.
Tuy nhiên, trên thực tế, chính quyền Erdogan xem ra đã gần như từ bỏ nỗ lực trở thành một thành viên Liên minh Châu Âu (EU) và đang có xu hướng rời xa EU khi từ chối đòi hỏi của Châu Âu về việc sửa đổi Luật chống khủng bố và áp dụng trở lại khung hình phạt tử hình.
Chỉ có điều, Ankara vẫn muốn giữ lại qui chế thành viên NATO, vì mục đích chính trị hơn là lợi ích quân sự. Kinh nghiệm của Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy rằng một nước thành viên NATO có thể làm gì tùy thích trong lĩnh vực đối nội, miễn là nước này phục vụ Mỹ và NATO trong chính sách đối ngoại.
Đánh giá cuộc điện đàm giữa Tổng thống Barack Obama và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tuần này, người ta thấy rõ Mỹ vẫn muốn duy trì quan hệ đồng minh chặt chẽ với Thổ Nhĩ Kỳ. Tương tự, kiến nghị của Đô đốc Starvidis là dấu hiệu cho thấy đường hướng của Ngoại trưởng Hillary Clinton trong quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, nếu bà Clinton giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.
Xét đến những lợi thế nêu trên, Tổng thống Erdogan có thể “yên tâm” đẩy mạnh chiến dịch thanh trừng quân đội và trấn áp hàng loạt những người bất đồng chính kiến sau đảo chính quân sự vì bất kể “thành tích nhân quyền” như thế nào, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục là thành viên NATO miễn là nước này tiếp tục hợp tác trong cuộc chiến chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo.
Minh Châu (Theo Al Jazeera)

Bình luận(0)