Giới phân tích cho rằng thỏa thuận Nga-Mỹ về việc xóa bỏ vũ khí hóa học của Syria có thể là một bước đột phá, song nó chưa mở lối cho việc giải quyết xung đột đẫm máu ở đất nước này.
Khattar Abou Diab, giáo sư quan hệ quốc tế của Trường đại học Paris-Sud, nói: “Thỏa thuận này là bước đầu tiên song không phải là giải pháp cho cuộc khủng hoảng Syria. Chúng ta đang đứng xem thảm kịch này tiếp diễn dưới dạng này hay dạng khác, khi mối quan tâm đang tập trung vào vấn đề vũ khí hóa học”. Thỏa thuận mà ông Abou Diab cho là “mong manh” này đặt ra khuôn khổ để Damas chuyển giao kho vũ khí hóa học của mình, song không nêu cụ thể làm cách nào để các bên tham chiến có thể vượt qua những bất đồng.
Hơn một năm trước, Mỹ và Nga đã thỏa thuận chuẩn bị một hội nghị tại Geneva nhằm đưa các đại diện của quân nổi dậy và chính quyền Syria ngồi vào bàn đàm phán. Tuy nhiên, sáng kiến này gần như đã dừng lại giữa hàng loạt những bất đồng cơ bản, nhất là về việc ai có thể đại diện cho các bên tham chiến tại cuộc hội đàm. Liên minh Dân tộc của phe đối lập chính khăng khăng rằng chế độ của ông Assad không được có đại diện tại Hội nghị Geneva II này, trong khi phía Damas cho rằng ông Assad sẽ vẫn nắm giữ quyền lực cho đến khi các cuộc bầu cử dự kiến vào năm 2014 được tổ chức.
Giáo sư Abou Diab nhận định: “Thiếu sự nhất trí của Liên minh Quốc gia và những người ủng hộ họ trong khu vực và quốc tế thì không thể có giải pháp chính trị cho vấn đề Syria”. Nhà phân tích này cũng cho biết ngay cả khi kho vũ khí hóa học của Damas được chuyển giao đúng thời hạn, thỏa thuận này không phải là cầu nối cho các quan điểm hòa giải của chính quyền Assad, phe đối lập và những nước ủng hộ lực lượng này trong khuôn khổ Hiệp định Geneva II.
Samir Nashar, thành viên của liên minh đối lập, nói rằng thỏa thuận về vũ khí hóa học này về nguyên tắc có thể mở đường cho hòa bình, tuy nhiên còn nhiều câu hỏi đặt ra về vai trò của ông Assad trong một thỏa thuận cuối cùng. Phát biểu với AFP, Nashar cho biết Liên minh “rất hoài nghi và thậm chí từ chối không tham dự Hội nghị Geneva II nếu những kẻ giết hại người dân không bị ra tòa”. Nhân vật đối lập kỳ cựu này cũng cho rằng thỏa thuận Nga - Mỹ chỉ mang lại cho chính quyền của ông Assad “thêm thời gian”.
Trong khi đó, một quan chức cấp cao Syria nói rằng thỏa thuận này chỉ đưa Damas trở lại tiến trình hòa bình nếu nó đi kèm với một hiệp định ngừng cung cấp vũ khí cho phe đối lập được nước ngoài ủng hộ. Phe đối lập không chấp nhận, đồng thời cảnh báo thỏa thuận này sẽ không giúp chấm dứt xung đột.
Các cuộc đối thoại chính trị tại Syria liên tục bị trì hoãn bởi những lộn xộn trong hàng ngũ lãnh đạo của phe đối lập và bởi những bất đồng về việc đại diện nào khác có thể tham dự đối thoại. Nga muốn Iran tham gia đối thoại, nhưng Washington phản đối bởi vì các lực lượng Iran đang sát cánh chiến đấu với các binh sĩ chính phủ Syria.
Tìm cách thu giữ đến 1.000 tấn khí độc giữa một cuộc nội chiến thực sự đang làm xao nhãng nỗ lực xúc tiến hòa đàm, theo như nhận định của quyền giám đốc văn phòng Washington của tổ chức Human Rights Watch, bà Sarah Margon: “Chúng ta đã đặt chú tâm vào vấn đề vũ khí hóa học. Và mặc dù Ngoại trưởng Kerry đã nói về khả năng thương thuyết, một hội nghị Geneva thứ hai sắp tới, song từ những gì chúng ta có thể đoán được, rất tiếc không thấy được sự khẩn trương trong việc xúc tiến việc ấy”.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng có thể đã đến thời điểm “buộc” các thủ lĩnh đối lập ngồi vào bàn hòa đàm. Ông Lavrov quy lỗi trì hoãn cho những ai đã đe dọa Tổng thống Syria Bashar al-Assad: “Nếu một số người cảm thấy cần thiết hơn phải liên tục áp lực và đe dọa, cần phải tìm ra lý do để tấn công, thì có lẽ đó là một cách gợi ý cho những người chống đối chế độ rằng những hành động khiêu khích mới được trông chờ từ phía họ. Ðiều có cũng có thể dẫn tới sự phá vỡ hoàn toàn tiến trình hòa đàm Geneva thứ hai”.