|
Thứ trưởng ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho rằng hành động của Mỹ-Anh-Pháp là áp đặt và một chiều. |
Washington, Paris và London đã chuẩn bị dự thảo nghị quyết này. Đó là nghị quyết cho phép sử dụng vũ lực chống Damascus nếu Syria không chấp hành ít nhất một điểm trong kế hoạch Nga-Mỹ về đặt vũ khí hóa học dưới sự kiểm soát quốc tế. Dự thảo nghị quyết này dự kiến sẽ được đệ trình Hội đồng Bảo an vào cuối tuần này.
Nỗ lực của các đối tác phương Tây nhằm thao túng kết luận báo cáo mới nhất của các thanh tra viên Liên Hợp Quốc về việc sử dụng vũ khí hóa học ở ngoại ô Damascus hôm 21/8 đã trở quá rõ ràng, cho nên Moscow đã phải đưa ra một loạt tuyên bố cứng rắn về vấn đề Syria.
Nga coi mọi mưu toan đổ lỗi cho chế độ Syria sử dụng chất độc mà không có bằng chứng xác đáng là không nghiêm túc. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich tuyên bố điều đó được thực hiện để “phe đối lập khỏi phải chịu trách nhiệm”.
Thứ trưởng ngoại giao Nga Sergei Ryabkov, hiện đang ở Damascus, cho rằng hành động của Mỹ-Anh-Pháp là áp đặt và một chiều. Ông cho biết chính quyền Syria đã chuyển cho Moscow bằng chứng mới về việc sử dụng vũ khí hóa học của quân nổi dậy.
Tại New York, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vitaly Churkin đã yêu cầu nhóm các thanh sát viên LHQ trở lại Syria và điều tra sự cố vũ khí hóa học ở Aleppo hồi tháng Ba năm nay, cũng như ở ngoại ô Damascus vào các ngày 23, 24 và 25 tháng Tám.
Một số chuyên gia Nga tin tưởng rằng "cuộc tấn công hóa học" mới chống Syria tại Hội đồng Bảo an LHQ đang ẩn chứa nỗ lực của Mỹ, Paris và London nhằm quay trở lại với kế hoạch tấn công Syria.
Một trong những chuyên gia hàng đầu của Nga về Trung Đông là ông Simon Baghdasarov bình luận: “Tôi nghĩ rằng, tới đây, Syria có thể phải chịu rất nhiều hành động khiêu khích hơn nữa. Với vũ khí hóa học, cũng như trong các lĩnh vực khác. Phe đối lập Syria liên tục tiến hành các vụ thảm sát người Cơ đốc giáo, người Kurd và Alawite. Mai đây họ có thể sắp xếp một số hành động khiêu khích rồi sau đó buộc tội Damascus. Phương Tây sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội quay trở lại can thiệp quân sự. Bởi vì nếu không có sự can thiệp quân sự của phương Tây, phe đối lập Syria sẽ không thể giải quyết được bất kỳ nhiệm vụ nào đặt ra cho họ.”
Một số chuyên gia lại cho rằng phương Tây không tìm cách can thiệp trực tiếp vào cuộc xung đột Syria, mà bằng cách gây áp lực lên Damascus, phương Tây chỉ cố gắng để kéo dài sự tồn tại của phe đối lập vũ trang Syria. Trả lời phỏng vấn đài Tiếng nói nước Nga, nhà phân tích của Viện Nghiên cứu chiến lược Sergey Demidenko nói: “Phương Tây thực sự không muốn tham gia vào cuộc xung đột ở Syria bằng vũ trang, nhưng rất muốn làm sao cho cuộc xung đột ở Syria kéo dài càng lâu càng tốt. Bởi vì bằng cách đó phương Tây phần nào giải quyết vấn đề chủ nghĩa Hồi giáo ở Châu Âu. Các tín đồ Hồi giáo Châu Âu hiện nay đến Syria để chiến đấu rồi chết ở đó. Và thứ hai, tất cả các chiến binh đối lập hiện lấy vũ khí trong các kho ở Libya, trong đó có cả vũ khí hóa học, đang bị quân đội Bashar al-Assad tiêu diệt gần như trên quy mô công nghiệp. Điều này làm giảm nguy cơ khủng bố đối với toàn bộ phương Tây.”
Kết luận của chuyên gia Nga về nguyện vọng của phương Tây muốn "kéo dài chiến tranh” được Tổng thống Mỹ Barack Obama gián tiếp xác nhận gần đây khi trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Tây Ban Nha Telemundo. Tổng thống Mỹ cho rằng kết quả cuối cùng của thỏa thuận loại bỏ vũ khí hóa học Syria sẽ là thay đổi chế độ ở Syria. Về phần mình, Tổng thống Bashar al-Assad đã nhiều lần nói rằng chỉ có nhân dân Syria mới có quyền quyết định vấn đề này, chứ không phải là phe đối lập được hỗ trợ của nước ngoài và chắc chắn càng không phải là Washington.