Tạp chí Foreign Policy (Mỹ) bình luận, các lực lượng Nga (tại Crimea) đang tìm cách gây nhiễu hệ thống điện thoại di động và cắt đứt đường dây mạng Internet nối giữa bán đảo này với phần còn lại của đất nước. Có thể động thái cô lập thông tin của Moscow chưa mấy thành công. Tuy nhiên, đó lại là dấu hiệu cho thấy, Nga đang tìm cách leo thang các hoạt động quân sự ở Ukraine mà không cần “phải nổ bất cứ phát súng nào”.
Mặc dù cho tới thời điểm này, các nỗ lực của Nga nhằm cắt đứt dòng thông tin liện lạc giữa Crimea với thế giới bên ngoài vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả. Trong khi đó, các chuyên gia quan ngại, hành động phá hoại như vậy có thể là tiền thân của các cuộc tấn công mạng nhằm vào cơ sở hạ tầng trên khắp Ukraine trong bối cảnh căng thẳng leo thang.
|
Binh lính Ukraine đồn trú ở Perevalnoe, Crimea.
|
Việc làm gián đoạn dịch vụ Internet hay khóa các trang điện tử của chính phủ Ukraine sẽ cho phép Nga thể hiện sức mạnh quân sự mà không cần lo lắng trước phản ứng từ Kiev hay các nước phương Tây.
Theo quan sát, các cuộc tấn công dạng này dường như được thực hiện chủ yếu bằng tay chứ không phải là từ các tin tặc. Theo đó, vào hôm 3/3, hãng tin
Reuters đưa tin rằng, các lực lượng vũ trang Nga đã chặn dịch vụ viễn thông di động ở một số khu vực của
Crimea. Cùng với đó, các tàu hải quân Nga liên tục di chuyển xung quanh khu vực cảng Sevastopol. Một số nguồn tin tiết lộ, sở dĩ các tàu này xuất hiện ở đó bởi vì các thiết bị được lắp đặt ở tàu này có khả năng gây nhiễu tín hiệu từ điện thoại di động và đài phát thanh. Chưa kể, hai trang website của chính quyền Crimea đã ngừng hoạt động.
Trong nhiều ngày nay, hoạt động ngăn cản kiểu này diễn ra khá căng thẳng. Hôm 28/2, công ty cung cấp dịch vụ viễn thông nhà nước Ukrtelecom thông báo, một số văn phòng đại diện của họ ở Crimea dã bị các lực lượng chưa xác định rõ danh tính đánh chiếm.
Hai ngày trước đó, các tay lính vũ trang còn cắt đứt đường dây điện tại trụ sở của Hải quân Ukraine đóng ở thành phố cảng Sevastopol. Nhiều giờ sau, hãng thông tấn UNIAN của Ukraine phát đi thông tin rằng, một nhóm vũ trang khác đã đột nhập vào các trạm phát sóng thông tin liên lạc của lực lượng này..
Với những động thái như vậy, khi được hỏi, liệu chính quyền Washington có theo dõi các cuộc tấn công mạng của Nga, Phát ngôn viên Nhà Trắng Caitlin Hayden cho biết: “Mỹ quan tâm tới tất cả các hành động hiếu chiến ở Ukraine và hy vọng tất cả các bên tôn trọng quy phạm quốc tế”.
“Nga muốn làm suy giảm khả năng liên lạc giữa Ukraine và thế giới bên ngoài. Nếu có xung đột quân sự, các cuộc tấn công mạng như vậy có thể làm suy yếu khả năng hoạt động của các lực lượng quân sự thông thường”, Adam Segal – cố vấn cao cấp chuyên về tấn công mạng nói.
|
Xe bọc thép của lực lượng vũ trang Nga chặn phong tỏa căn cứ quân sự Crimea.
|
Tuy nhiên, các cuộc tấn công mạng này đều không thể truy vấn dấu vết trực tiếp tới quân đội hay các nhân viên tình báo Nga. Thực tế, dư luận quốc tế chỉ tìm ra “những tin tặc yêu nước” đứng đằng sau những vụ này.
Trước nghi vấn về việc liệu Nga có khởi động một cuộc tấn công mạng ở Ukraine hay không, dư luận quốc tế chuyển hướng về Ukraine để xem nước này có sự chuẩn bị gì để đối phó với vấn đề này. Từ giữa năm 2002, chính quyền Ukraine bắt đầu xây dựng hệ thống mạng để ứng phó với các loại tội phạm gian lận trực tuyến. Bởi theo học thuyết quân sự hiện tại, chính phủ nước này coi các cuộc tấn công mạng lên các cơ sở hạ tầng là cơ sở của những hoạt động trả đũa bằng vũ trang.
“Ukraine có một hệ thống mạng lưới Internet khá đa dạng và vững chắc. Các sợi cáp quang đã được lắp đặt ở dưới các tuyến đường bộ và đường sắt. Ngoài ra, họ còn có một bộ thu phát tín hiệu Internet khá hiện đại cùng các mạng lưới truyền dẫn trực tiếp với các trạm trung chuyển mạng với Tây Âu. Do vậy, chúng tôi dự đoán rằng, việc đánh sập mạng lưới Internet ở Ukraine là rất thấp”, trích dẫn từ một bản phân tích gần đây của công ty giám sát máy tính Renesys.