|
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (phải) và Ngoại trưởng Mỹ, John Kerry.
|
Cuối tuần qua, Nga-Mỹ nỗ lực hợp tác với mục đích buộc Syria phải từ bỏ các kho vũ khí hóa học. Muốn tránh nguy cơ bị Mỹ can thiệp quân sự và hạ nhiệt căng thẳng sau vụ tấn công hóa học ngày 21/8 ở ngoại ô thủ đô Damascus khiến hàng nghìn người thiệt mạng, Syria tuyên bố hoan nghênh kế hoạch giải trừ vũ khí hóa học do Nga khởi xướng.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu chính phủ Syria có thực sự bàn giao toàn bộ kho vũ khí hóa học được cho vào loại lớn nhất thế giới hay không? Hay đây chỉ là chiến thuật trì hoãn của Syria để tạm thời giảm căng thẳng và tránh nguy cơ bị Mỹ tấn công. Nếu đây chỉ là một chiến thuật trì hoãn, điều gì sẽ xảy ra khi Tổng thống Bashar al-Assad không tuân thủ thỏa thuận?
Những câu hỏi này sẽ được trả lời trong những ngày tới. Syria có thời hạn từ nay cho đến tuần sau để cung cấp danh sách đầy đủ toàn bộ các loại vũ khí hóa học và nơi chúng được lưu trữ. Dưới đây là nội dung cơ bản của thỏa thuận vũ khí hóa học và những gì có thể xảy ra tiếp theo.
Nội dung cơ bản
"Thỏa thuận khung về Giải trừ vũ khí hóa học Syria” về cơ bản quy định:
• Trong vòng một tuần, Syria phải nộp danh sách đầy đủ các kho dự trữ vũ khí hóa học của nước này.
• Đến tháng 11, các thanh tra viên quốc tế phải được tạo điều kiện thanh sát toàn bộ lãnh thổ Syria.
• Trước khi kết thúc tháng 11, các thanh tra viên phải hoàn tất khảo sát ban đầu về các kho vũ khí hóa học.
• Ngoài ra, trước khi kết thúc tháng 11, tất cả các dây chuyền sản xuất cũng như thiết bị pha trộn đều phải bị tiêu huỷ.
• Tính đến giữa năm 2014, tất cả các nguyên liệu vũ khí hóa học phải được tiêu huỷ.
Điều này được cho là quá tham vọng. Do đó, nhiều người nghi ngờ vào khả năng hiện thực hóa của thỏa thuận. Đó là chưa kể khả năng Syria cố tình trì hoãn, không tuân thủ thỏa thuận.
Không có tin gì mới hơn về vụ tấn công hóa học
|
Một người đàn ông Syria nhìn mặt con - nạn nhân của vụ tấn công hóa học hôm 21/8 lần cuối.
|
Báo cáo của các thanh tra vũ khí của Liên Hợp Quốc vốn được chờ đợi từ lâu dù được công bố cũng không làm thay đổi bất cứ tin gì mới về vụ tấn công hóa học ngày 21/8. Trước đó, Liên Hợp Quốc đã tuyên bố, các thanh tra vũ khí chỉ xác nhận vũ khí hóa học đã bị sử dụng trong vụ tấn công khiến hàng nghìn người chết ở ngoại ô Damascus chứ không xác định thủ phạm là ai.
Bất chấp các cáo buộc trái chiều của các bên - chế độ Assad, phiến quân Syria hay Nga và Mỹ - cho đến nay câu hỏi về thủ phạm đã sử dụng vũ khí hóa học vẫn chưa có lời giải đáp chính xác.
Kho vũ khí hóa học của Syria lớn cỡ nào?
Tình báo Mỹ tin, Syria có khoảng 1.000 tấn vũ khí hóa học trong đó, hầu hết là khí sarin và VX được lưu trữ ở dạng thành phần không pha trộn, ông Kerry cho biết tuần trước. Sarin và VX là khí độc thần kinh có thể gây co giật, nôn mửa, liệt, suy hô hấp và dẫn đến tử vong. Số lượng khí độc này có thể được dự trữ ở khoảng 50 địa điểm khác nhau, Viện Quốc tế chống khủng bố ở Israel nhấn mạnh. Với kho vũ khí hóa học đồ sộ như vậy, dù hiệp ước giải trừ quân bị Syria không xác định chính xác số lượng nhân lực cần thiết, nhưng theo David Kay (một cựu thanh tra vũ khí Liên Hợp Quốc và Mỹ) cho rằng có thể cần đến 500 đến 1.000 người chỉ để bảo vệ các kho vũ khí.
Những thách thức chủ yếu?
Đầu tiên, do cuộc nội chiến ở Syria vẫn đang diễn ra. Do đó, việc bảo vệ an toàn cho các thanh tra viên khi thực hiện nhiệm vụ sẽ là một thách thức lớn. Sau đó sẽ đến các vấn đề nơi mà vũ khí hóa học sẽ bị tiêu hủy và các biện pháp tiêu hủy.
Kế hoạch giải trừ vũ khí hóa học Nga-Mỹ đề cập đến khả năng thu thập và phá hủy vũ khí hóa học tại các khu vực ven biển dưới sự kiểm soát của chính phủ Syria. Nhưng vấn đề đặt ra là, ai sẽ bảo vệ số vũ khí hóa học khi người ta vận chuyển chúng tới đây. Và liệu chính phủ Syria có hợp tác triệt để hoặc phe nổi dậy liệu có chấp thuận một thỏa thuận ngừng bắn trong quá trình vận chuyển vũ khí hóa học tới đó?
Đó là chưa kể khả năng chính phủ Syria di chuyển các kho vũ khí hóa học cản trở quá trình tiếp cận. Nhiều thông tin nổi lên cho rằng, chính phủ Syria đang chuyển các kho dự trữ sang Lebanon và Iraq. Tuy nhiên, Iraq đã bác bỏ thông tin này.
Nga và Mỹ cho biết hai bên đang thảo luận vấn đề chi tiết và sẽ đưa ra các thông tin trong vài ngày tới. Hội đồng Bảo an LHQ cũng đang nỗ lực hoàn thiện dự thảo, trong đó có khả năng cho phép can thiệp quân sự nếu Syria bất hợp tác. Nhưng Nga, đồng minh ruột của Damascus, vẫn có quyền phủ quyết và luôn khẳng định, họ không bao giờ ủng hộ can thiệp quân sự vào Syria.
Từ những thách thức khổng lồ như vậy, việc tiêu hủy toàn bộ kho vũ khí Syria vào giữa năm 2014 vẫn còn là câu hỏi lớn chưa có câu trả lời.