|
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
|
Theo nhà bình luận Andrei Lankov - một giáo sư người Nga nhiều năm nay giảng dạy tại Đại học Kongming ở Seoul, bài học đầu tiên mà ban lãnh đạo Triều Tiên rút ra từ kinh nghiệm Syria là sự cần thiết phải duy trì răn đe hạt nhân. Bình Nhưỡng có đủ cơ sở để tin rằng, nếu chính quyền Assad sở hữu số lượng đầy đủ đầu đạn hạt nhân cũng như các phương tiện mang thì không thể nói về sự can thiệp của Mỹ và NATO ở Syria.
Mọi người đều biết những gì đã xảy ra với Đại tá Gaddafi, người đã từ bỏ chương trình hạt nhân đổi lấy gói trợ giúp kinh tế và những ưu đãi trên thị trường phương Tây. Khả năng tiếp cận thị trường phương Tây đã không giúp gì cho ông Gaddafi và vây cánh của ông ta. Các nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên cũng có đủ lý do để cho rằng, nếu vào những năm 2004-2005 Gaddafi không từ bỏ vũ khí hạt nhân, thì sau đó các nước NATO không dám can thiệp vào Libya và những người ủng hộ Đại tá Gaddafi đã có khả năng giành chiến thắng trong cuộc nội chiến.
Syria không có vũ khí hạt nhân, còn vũ khí hóa học thì không thể giúp nhiều trong cuộc xung đột với quân đội phương Tây hiện đại. Điều này làm cho Syria dễ bị xâm lược từ bên ngoài.
Rất có thể, việc CHDCND Triều Tiên tái khởi động lò phản ứng ở Yongbyon trong thời gian cuộc khủng hoảng Syria là một sựu trùng hợp tình cờ. Quyết định tái khởi động lò phản ứng đã được thông qua vào mùa xuân năm nay và các công việc chuẩn bị đã kéo dài vài tháng. Tuy nhiên, việc Triều Tiên bắt đầu gia tăng chương trình hạt nhân vào thời điểm khi chế độ Assad ở Syria đang đối mặt với mối đe dọa rất thực tế về sự can thiệp quy mô của các cường quốc phương Tây đã thu hút được sự chú ý của cộng đồng quốc tế.