Đó là nhận định của học giả Zhiqun Zhu,giáo sư khoa học chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Bucknell ở Pennsylvania.
|
Nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un thị sát một vụ phóng tên lửa.
|
Theo giáo sư Zhiqun Zhu, những người thực dụng trong quan hệ quốc tế tin rằng các nước nhỏ ít cơ hội để có tiếng nói trong một thế giới bị chi phối bởi các nước lớn, nhưng trong trường hợp Triều Tiên, xem ra “cái đuôi đã được vẫy con chó” trong nhiều thập kỷ. Cuộc khủng hoảng Triều Tiên gần đây cung cấp một số
bài học để đời về quan hệ giữa các cường quốc và an ninh Đông Á.
Những bài học để đời
Trước hết, với sự suy thoái của môi trường an ninh ở Đông Bắc Á, không bên nào nổi lên trở thành người chiến thắng trong cuộc khủng hoảng Triều Tiên, trong khi Trung Quốc và Mỹ là các bên thua cuộc lớn nhất.
Trong con mắt của nhiều nhà quan sát, Trung Quốc đã không đóng vai trò được chờ đợi là một cường quốc có trách nhiệm, đặt lợi ích riêng của nước này trên lợi ích toàn cầu. Nếu Trung Quốc siết chặt các biện pháp trừng phạt Triều Tiên, chế độ ở Bình Nhưỡng sẽ sụp đổ và gây ra một làn sóng người tị nạn khổng lồ đổ vào Trung Quốc và có thể dẫn tới một Bán đảo Triều Tiên thống chịu ảnh hưởng của Mỹ. Đây là lý do vì sao Trung Quốc không chịu làm tê liệt nền kinh tế của CHDCND Triều Tiên.
Nhưng Bắc Kinh sẽ phải trả giá cho việc tiếp tục dung dưỡng cho Bình Nhưỡng. Nếu hệ thống chống tên lửa THAAD được triển khai tại Hàn Quốc, tuần trăng mật Trung Quốc-Hàn Quốc sẽ vĩnh viễn đi vào dĩ vãng. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ nắm lấy cơ hội để thúc đẩy thay đổi hiến pháp và theo đuổi chính sách quốc phòng quyết đoán hơn, với việc Trung Quốc có thể là mục tiêu thực sự. Trong một khoảng thời gian ngắn, Trung Quốc đã và đang phải đương đầu với những thách thức về đạo đức, ngoại giao và chiến lược.
Tiến bộ hạt nhân của CHDCND Triều Tiên cũng đánh dấu sự thất bại của chính sách đối ngoại Mỹ. Chính quyền Obama đã đặt nhiều hy vọng vào Trung Quốc để phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Tin rằng Trung Quốc đang nắm giữ chìa khóa giải quyết vấn đề CHDCND Triều Tiên, Washington chuyển tất cả trách nhiệm cho Trung Quốc trong khi chờ đợi cho Triều Tiên sụp đổ hoặc thay đổi lập trường. Trên cương vị nước lãnh đạo toàn cầu, Mỹ đã tỏ ra vô trách nhiệm khi trông đợi Trung Quốc giải quyết vấn đề Triều Tiên. Các phân tử diêu hâu ở Mỹ sẽ lợi dụng cuộc khủng hoảng Triều Tiên để chỉ trích chính sách “xoay trục” sang Châu Á của chính quyền Obama. Nhưng bất cứ điều gì mà Mỹ có thể đạt được từ cuộc khủng hoảng tên lửa-hạt nhân Triều Tiên đều không thể bù đắp những tổn thất bởi sự nghi ngờ và căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Thứ hai, Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên không phải là đồng minh như các nhà quan sát và báo chí phương Tây thường mô tả. Trên thực tế, CDHCD Triều Tiên không phải là chư hầu của Trung Quốc và cũng không hề quan tâm đến thái độ của Trung Quốc. Thái độ khinh thường CHDCND Triều Tiên cũng đang gia tăng ở Trung Quốc. Nhiều người Trung Quốc coi Triều Tiên là một gánh nặng và là một hàng xóm khó chịu thay vì một người bạn cũ. Nỗ lực vào phút cuối cùng của nhà ngoại giao kỳ cựu Ngô Đại Vĩ nhằm ngăn chặn Bình Nhưỡng phóng vệ tinh thất bại. CHDCND Triều Tiên không thích để cho Trung Quốc lên lớp. Bình Nhưỡng bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Trung Quốc, và phóng vệ tinh vào đêm giao thừa năm mới của. Cái hố rạn nứt Trung-Triều đang ngày càng trở nên sâu rộng hơn.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây với tờ New York Times, học giả Yan Xuetong của Đại học Thanh Hoa nói rằng Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên không phải là đồng minh. Ông Yan Xuetong lưu ý rằng kể từ năm 2013, Bắc Kinh đã coi quan hệ Trung Quốc-CHDCND Triều Tiên là mối quan hệ bình thường giữa hai nhà nước. Học giả Yan không phải là người đầu tiên công khai thực tế này. Trong thực tế, không một quan chức hoặc nhà ngoại giao Trung Quốc nào trong thời gian gần đây gọi Triều Tiên là một đồng minh. Điều này cho thấy cái gọi là “đòn bẩy Trung Quốc” hầu như không có mấy tác dụng đối với Bình Nhưỡng.
Thứ ba, đây không còn là một vấn đề của Triều Tiên mà là vấn đề giữa Mỹ và Trung Quốc. Mặc dù chia sẻ mục tiêu một Bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân, nhưng cách tiếp cận của Mỹ và Trung Quốc lại rất khác nhau, trong khi tầm nhìn của hai nước về tương lai của Đông Á cũng không giống nhau. Từ CHDCND Triều Tiên đến Đài Loan, từ Biển Hoa Đông đến Biển Đông, hai cường quốc hàng đầu thế giới này không thể hoặc không muốn thỏa hiệp. Cốt lõi của cuộc khủng hoảng hạt nhân-tên lửa Triều Tiên là sự thiếu tin tưởng chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc. Hai cường quốc này đã mất đi cơ hội đạt được một thỏa thuận lớn để xây dựng lòng tin và thúc đẩy hòa bình ở Đông Nam Á.
Cuối cùng, thế giới bên ngoài đã đánh giá thấp nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un. Nhiều người cho rằng nhà lãnh đạo trẻ thiếu kinh nghiệm này khó có thể duy trì quyền lực lâu dài. Tuy nhiên, trong hơn bốn năm sau khi kế vị người cha, nhà lãnh đạo trẻ họ Kim dường như đã củng cố được vị trí của mình. Nhận thức đầy đủ mâu thuẫn Mỹ-Trung Quốc, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã thúc đẩy chương trình hạt nhân của Triều Tiên một cách có tính toán. Trong khi Tổng thống Mỹ Barack Obama theo đuổi "kiên nhẫn chiến lược" và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được nhấn mạnh "sự ổn định" ở Đông Bắc Á, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã thúc đẩy công nghệ hạt nhân của Triều Tiên và tăng cường vị thế ở trong nước.
Có người hy vọng rằng sau khi thử nghiệm thành công vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa, ông Kim Jong-un ây giờ có thể chuyển sự trọng tâm vào nền kinh tế Triều Tiên. Việc thực hiện các chính sách phát triển kinh tế song song với chương trình hạt nhân có thể sớm được thực hiện trong thời gian tới. Nhưng thế giới bên ngoài không có cách nào biết được những toan tính thực sự của nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un. Điều duy nhất có thể dự báo về CHDCND Triều Tiên là là chính sách không thể nào tiên đoán của nước này.
Cuộc khủng hoảng Triều Tiên cho thấy những vấn đề sâu xa trong khu vực. Khi cộng đồng quốc tế có kế hoạch áp đặt lệnh trừng phạt mới với hiệu quả đáng ngờ, tất cả các bên can dự cần phải dành thời gian để suy nghĩ những vấn đề cơ bản và tăng gấp đôi nỗ lực của mình để tăng cường an ninh khu vực.