Đó là nhận định của phó giáo sư Lyle J. Goldstein tại Viện Nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc (CMSI) trực thuộc Trường Chiến tranh Hải quân Mỹ ở Newport.
|
Phó giáo sư Lyle J. Goldstein tại Viện Nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc (CMSI) trực thuộc Trường Chiến tranh Hải quân Mỹ ở Newport. |
Những luận cứ trong bài phân tích sau đây có tính chất tham khảo và là của riêng phó giáo sư Goldstein, chứ không phải là quan điểm chính thức của Hải quân Mỹ hoặc của bất kỳ cơ quan khác của Chính phủ Mỹ:
Trong bài phân tích đăng trên tạp chí Mỹ The National Interest, phó giáo sư Goldstein viết: Có ý kiến cho rằng các hành động gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông báo trước tình trạng gây hấn khắp Đông Nam Á, tràn vào Ấn Độ Dương và sau đó qua Trung Đông, Châu Phi và xa hơn nữa. Một số người theo chủ nghĩa tân tự do lại kỳ vọng rằng Bắc Kinh sẽ tuân thủ, hoặc ít nhất là không phản ứng tiêu cực, quyết định của Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) trong vụ kiện của Philippines. Có người còn nói suy thoái kinh tế chắc sẽ khiến cho Trung Quốc mềm mỏng hơn trong cách hành xử ở Biển Đông. Cũng khá hài hước là ý kiến cho rằng việc đưa máy bay hay tàu tuần tra Mỹ tiến sát các “đảo nhân tạo” mà Trung Quốc bồi đắp trái phép ở Biển Đông sẽ khuất phục được “con rồng Trung Hoa”.
Theo phó giáo sư Goldstein, để có thể phán xét thực hư của những nhận định nói trên, cần phân tích năm ngộ nhận liên quan đến những diễn biến ở Biển Đông.
Ngộ nhận thứ nhất: Chính quyền Obama đã mắc sai lầm nghiêm trọng trong vụ bãi cạn Scarborough hồi mùa xuân năm 2012, tạo điều kiện cho Trung Quốc xâm chiếm hơn nữa ở Biển Đông.
Theo những người chỉ trích, đây là sai lầm nghiêm trọng của chính quyền Obama, “bật đèn xanh” cho Bắc Kinh tăng cường bắt nạt các nước tuyên bố chủ quyền khác ở Biển Đông như Philippines. Xem ra, Tổng thống Obama đã phải đối mặt với một tình thế khó xử và dường như ông đã đi đến kết luận rằng không nên đẩy nước Mỹ vào một cuộc chiến với một siêu cường khác vì một vấn đề tương đối nhỏ như hoạt động đánh bắt cá hoặc quyền khoan dầu ngoài khơi. Quyết định này của Tổng thống Obama chính là một thông điệp tới tất cả các bên tranh chấp ở Biển Đông rằng nước Mỹ còn có những vấn đề cấp bách hơn để quan tâm.
Ngộ nhận thứ hai: Các dự án xây dựng của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa tạo ra những "căn cứ quân sự" mới và đủ để làm thay đổi cán cân quyền lực khu vực.
|
Trung Quốc xây dựng trái phép đường băng dài 3.125m và cảng nước sâu trên "đảo nhân tạo" Đá Chữ Thập để làm "tiền đồn" ở Biển Đông.
|
Các nhà chiến lược quân sự nghiêm túc sẽ nói nhận định này là khá phi lý. Trong thời đại của các loại vũ khí tấn công chính xác, mọi mục tiêu cố định dường như có thể bị phá hủy một cách dễ dàng. Các tiền đồn xây dựng trên các “đảo nhân tạo” này mang lại cơ hội mới cho Bắc Kinh triển khai máy bay do thám, máy bay chống tàu ngầm và cả máy bay chiến đấu. Trung Quốc có thể triển khai các tàu khu trục nhỏ, tàu cao tốc và thậm chí cả tàu ngầm tại các “căn cứ” mới, nhưng điều này xem ra vẫn khá xa vời. Một phi đội Su-27 triển khai trên Đá Chữ Thập có thể bị tiêu diệt trong vòng vài giờ, nếu xảy ra chiến tranh lớn ở Biển Đông. Một “căn cứ” quân sự phải hoạt động hữu ích và lâu dài trong các cuộc xung đột vũ trang. Xét theo tiêu chí này, những gì mà Trung Quốc xây dựng trên các đảo nhân tạo không phải là “căn cứ quân sự”, mà chỉ là “tiền đồn” có tác dụng hăm dọa các nước yếu hơn trong thời bình.
Ngộ nhận thứ ba: Mỹ phải “kề vai sát cánh” cùng các đồng minh và các đối tác trong vấn đề Biển Đông.
Mặc dù có nhận thức chung sau cuộc “khủng hoảng mùa xuân năm 2012” (vụ Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough), nhưng lợi ích quốc gia của Mỹ chỉ là một sự tổng hòa tất cả lợi ích của các đồng minh và đối tác.
Trong ma trận rủi ro-lợi nhuận, một số người theo chủ nghĩa dân tộc ở Manila có thể đi đến ngộ nhận rằng Mỹ sẽ lao vào Chiến tranh thế giới thứ III chỉ để đảm bảo quyền khoan dầu của Philippines ở Reed Bank. Trong một số trường hợp cụ thể, lợi ích của Philippines và lợi ích của Mỹ có thể đi theo hai hướng khác nhau. Các cam kết quốc phòng của Mỹ đối với Philippines trong Hiệp ước phòng thủ chung chỉ bao gồm các hòn đảo chính như Palawan, Luzon... nhưng không bao gồm các "vùng xám" chưa được xác định. Chính vì vậy mà việc Mỹ có can dự hay không nếu xảy ra xung đột vũ trang trên Biển Đông giữa Trung Quốc và một đối tác của Washington vẫn là một câu hỏi chưa có câu trả lời.
Ngộ nhận thứ tư: Các nền kinh tế Đông Á cho rằng Biển Đông là một trong những lợi ích an ninh quốc gia “cốt lõi” của Mỹ.
Một trong những ý tưởng phổ biến nhất nổi về trên Biển Đông là động lực kinh tế của khu vực đòi hỏi Mỹ phải duy trì ưu thế quân sự tại vùng biển này. Thậm chí, logic này còn dẫn đến lập luận rằng thương mại hàng hải (và cùng với nó là nền kinh tế toàn cầu) sẽ sụp đổ nếu Trung Quốc thâu tóm Biển Đông. Trên thực tế, Mỹ đang cố gắng biến “sân sau của mình” thành động lực trong nền kinh tế toàn cầu. Việc Mỹ-Cuba xích lại gần nhau chính là một sự khởi đầu xu hướng này.
Ngộ nhận thứ năm: Nếu xảy ra một cuộc chiến cuối cùng, Mỹ sẽ đánh bại Trung Quốc. Trong số tất cả các ngộ nhận nêu trên, không có cái nào nguy hiểm như sự ngộ nhận này.
Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng một khi máy bay, tàu chiến Mỹ đi vào khu vực 500 mét xung quanh các “đảo nhân tạo” mà Trung Quốc bồi đắp trái phép, Bắc Kinh sẽ bị khuất phục bởi sức mạnh quân sự huyền thoại của Washington.
Có rất nhiều lý do để nghi ngờ tính xác thực của cách đánh giá này do lực lượng đông đảo các tên lửa đạn đạo chống tàu, tên lửa hành trình chống hạm, máy bay tấn công, chiến hạm, tàu ngầm, thủy lôi… của Trung Quốc, nhưng thực tế cơ bản nhất của chiến lược quân sự là “sân nhà” và “sân khách”. Đô đốc về hưu Yin Zhuo của Hải quân Trung Quốc (PLAN) gần đây tuyên bố: “Nói một cách thẳng thắn, đánh nhau trước cửa nhà, chúng tôi không sợ bất kỳ ai”. Lợi thế kinh nghiệm của Mỹ trong các chiến dịch chống nổi loạn và chống khủng bố có rất ít điểm chung với các chiến dịch không-biển cường độ cao.
Một cuộc chiến Mỹ-Trung Quốc là hoàn toàn không phải là một cuộc dạo chơi của lực lượng Mỹ và không một ai biết chắc về việc làm thế nào để kết thúc một cuộc đại chiến kiểu này.
Thay lời kết, Phó gió sư Goldstein cho rằng người ta không trông đợi nhiều từ bà Hillary Clinton trong việc tháo gỡ “nút thắt” Biển Đông do khi còn làm Ngoại trưởng Mỹ, bà Clinton tập trung vào chiến lược bao vây Trung Quốc. Thật thú vị, Donald Trump dường như lại có ý kiến hợp lý nhất về vấn đề này. Tuy gọi việc Trung Quốc hút cát đắp đảo ở Biển Đông là “hành động thù địch”, nhưng ông Donald Trump lại cho rằng hành động này ở “rất xa” và nước Mỹ vẫn còn “rất nhiều vấn đề” lớn hơn cần được giải quyết. Có lẽ, một phần sự phản đối của Donald Trump xuất phát từ chủ nghĩa thực dụng, nhưng ông này lại tránh sa vào cái bẫy của các thế lực tân bảo thủ và tự do mới.