Theo sự cãi cùn của họ, các công trình quân sự mà Trung Quốc xây dựng trên các đảo trái phép ở Biển Đông chẳng khác gì những "con vịt nằm yên một chỗ" để Hải quân Mỹ dễ dàng bắn hạ.
|
Kế hoạch xây dựng "dân sự" của Trung Quốc trên Đá Chữ Thập.
|
Học giả Zhu Feng, một chuyên gia về
Biển Đông tại Đại học Nam Kinh, bao biện nỗ lực đắp đảo nhân tạo và xây dựng công trình quân sự trên đó sẽ phí công vô ích “trong một cuộc chiến tranh với Mỹ”. Ông Zhu Feng nói thêm rằng người Mỹ đã quá lo xa và “phóng đại” hoạt động bồi đắp xây dựng đảo của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa. Theo ông này, Washington không nên xem hành động đắp đảo của Trung Quốc là “khiêu khích hay thách thức quyền lực” Mỹ.
Ông Zhu Feng nói: "Ngay cả khi được quân sự hóa, các hòn đảo này cũng chỉ là những chú vịt nằm yên một chỗ đối với quân đội Mỹ”. Do đó, ông Zhu nói rằng kế hoạch đưa tàu chiến Mỹ tới khu vực này sẽ chỉ gây ra "căng thẳng không cần thiết”.
|
Công việc hút cát bồi đắp xây dựng Đá Chữ Thập trên thực địa.
|
Về mặt chính thức, phía Trung Quốc vẫn khẳng định rằng các hoạt động đắp đảo xây dựng công trình trái phép của họ ở Biển Đông là chủ yếu phục vụ cho các mục đích dân sự như hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thiên tai, an toàn hàng hải, bảo tồn biển và nghiên cứu khoa học.
Vào hùa với lập trường nói trên, học giả Wang Dong - một chuyên gia về quan hệ Trung-Mỹ tại Đại học Bắc Kinh - nói: "Tôi nghĩ rằng Trung Quốc tỏ ra trung thực khi thừa nhận rằng các hòn đảo và công trình trên đó có giá trị quân sự, nhưng chúng chủ yếu phục vụ mục đích dân sự”.
Thế nhưng, Mỹ và Philippines lại nghĩ khác. Hai nước này cáo buộc rằng hành động đắp đảo xây dựng công trình trái với luật pháp quốc tế của Trung Quốc là nhằm “thay đổi nguyên trạng”, củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông. Các quan chức Mỹ tuyên bố sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực để đảm bảo tự do hàng hải, trong khi Nhật Bản cũng bắt đầu giám sát chặt chẽ khu vực Biển Đông.
Trong cuộc phỏng vấn với mạng tin Mỹ Defense News, ông Ian Easton - một chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Dự án 2049 tại Washington - lưu ý rằng việc Quân đội Trung Quốc “quân sự hóa” các đảo nhân tạo là nhằm "tạo ra một vành đai phòng thủ vòng ngoài để mở rộng mạng lưới tấn công”. Ông Easton nói thêm các cơ sở này sẽ "cho phép các máy bay, tàu ngầm và tên lửa hành trình bố trí trên đảo tấn công chính xác” trên Biển Đông.
Tương tự, ông Wallace Gregson - cựu trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ đặc trách các vấn đề an ninh Châu Á-Thái Bình Dương - cho rằng các cơ sở quân sự trên “đảo nhân tạo” cho phép Quân đội Trung Quốc "phủ sóng radar, thông tin tình báo và giám sát không phận Biển Đông”.
Hồi đầu tháng này, Bắc Kinh thông báo sẽ sớm ngừng các hoạt động “cải tạo đất” (thực chất là hút cát bồi đắp đảo trái phép trên các rạn san hô, bãi đá ngầm) trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Lý do thực sự cho việc Trung Quốc ngừng “cải tạo đất” là vì công đoạn hút cát đắp đảo sắp hoàn tất và Bộ ngoại giao Trung Quốc vẫn quả quyết rằng công đoạn xây dựng trên “đảo nhân tạo” sẽ được tiếp tục tiến hành theo đúng kế hoạch để "thực hiện đầy đủ các chức năng khác nhau”.
|
Bán kinh hoạt động của các loại chiến đấu cơ Trung Quốc, lấy rạn san hô Đá Vành Khăn ở quần đảo Trường Sa làm tâm.
|
Ông Andrew Erickson, một chuyên gia về Trung Quốc tại Trường Chiến tranh hải quân Mỹ (US Naval War College) ở Rhode Island, nói với Defense News rằng rất có thể Trung Quốc sẽ thiết lập một Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông, như nước này từng đơn phương thiết lập trên Biển Hoa Đông hồi tháng 10/2013. Theo ông, đây là một phần chiến lược chống tiếp cận của Trung Quốc ở Biển Đông.