|
Quang cảnh biên giới Trung Quốc-Myanmar.
|
Trong một bài viết đăng trên báo Anh Financial Times, tác giả Gwen Robinson tìm cách trả lời câu hỏi này.
Theo tác giả Robinson, Myanmar - quốc gia láng giềng cho tới gần đây vẫn trung thành và sẵn sàng mở cửa các nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú cho các công ty Trung Quốc khai thác - đang chuẩn bị ký kết cái gọi là Sáng kiến minh bạch công nghiệp khai khoáng.
Tổ chức EITI có trụ sở tại Na Uy đề ra các yêu cầu nghiêm ngặt về minh bạch tài chính, tiêu chuẩn môi trường và quản trị doanh nghiệp. EITI cũng đang gây áp lực buộc các công ty đa quốc gia chia sẻ nhiều hơn lợi nhuận từ các dự án của họ cho các quốc gia sở tại. Và với Myanmar, EITI cung cấp cho chính phủ những lý do thuyết phục nhằm xem xét lại và tái đàm phán các hợp đồng về tài nguyên thiên nhiên.
Đây rõ ràng là một điều tốt với chính phủ Myanmar vốn đang nỗ lực mở cửa nền kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài sau nhiều thập niên bị cô lập về ngoại giao và kinh tế.
Mong muốn sự chấp nhận của quốc tế cũng như sẵn sàng đón nhận đầu tư, Tổng thống Thein Sein cũng phát tín hiệu sẵn sàng áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế, từ các quyền lao động tới quy định tài chính và bảo vệ môi trường.
“Trấn áp tham nhũng” và đấu thầu minh bạch
|
Myanmar cải cách và mở cửa.
|
Tổng thống Thein Sein răn đe trấn áp nạn tham nhũng, trong đó có hiện tượng hối lộ, lại quả để đổi lấy việc ký kết hợp đồng.
Gần 400 quan chức Myanmar đã đi tù về các tội liên quan đến tham nhũng từ giữa năm 2011 và tháng 12/2012, trong khi gần 5.000 quan chức khác bị sa thải, theo một báo cáo của chính phủ Myanmar trình quốc hội.
Tuần trước, Myanmar mở một phiên đấu thầu quyền thăm dò 30 giếng dầu và khí đốt ngoài khơi bờ biển nước này.Thay vì cách thức cũ, trong đó người ta lặng lẽ tiến hành các thỏa thuận nghầm với các công ty được ưa chuộng, chính phủ nay công khai đấu thầu với các quảng cáo bằng tiếng Anh và các công ty quốc tế được mời để tham gia thầu.
Cuộc đấu thầu, theo ý kiến của một người trong giới công nghiệp dầu khí phương Tây, đã được tiến hành “một cách công khai nổi bật”.
Vị giám đốc điều hành dầu khí này cũng ca ngợi quá trình đấu thầu hiện hành với hai giấy phép trong địa hạt viễn thông quốc gia – những hợp đồng công cộng lớn đầu tiên bên ngoài lĩnh vực các nguồn tài nguyên thiên nhiên, được mở ra cho các nhà thầu quốc tế.
“Cực kỳ lo lắng”
Việc tất cả quá trình đấu thầu đều minh bạch và theo thông lệ phương Tây đã làm cho nhà đầu tư truyền thống và cỡ bự là Trung Quốc cực kỳ lo lắng.
Trung Quốc đã đầu tư ít nhất là 14 tỷ USD trong hàng loạt các dự án trong vài thập niên qua, đưa họ đứng đầu danh sách của 32 quốc gia đầu tư vào Myanmar, chiếm khoảng 1/3 tổng mức đầu tư nước ngoài (42 tỉ USD), theo số liệu chính thức năm 2012 của Myanmar.
Phần lớn đầu tư của Trung Quốc tại Myanmar liên quan đến tài nguyên thiên nhiên và sản xuất điện, nhưng một số tiền đáng kể cũng đã đầu tư vào các dự án xây dựng lớn như sân bay Naypyidaw và cơ sở hạ tầng viễn thông.
Năm ngoái, Earth Rights International (một tổ chức phi chính phủ theo dõi chặt chẽ các dự án tài nguyên thiên nhiên) đã xác định 69 công ty Trung Quốc tham gia 90 dự án đã hoàn tất, đang tiến hành hoặc được lên kế hoạch trong các lĩnh vực khai khoáng và thủy điện ở Myanmar.
Ít nhất, từ 6 đến 10 công ty khác của Trung Quốc đã tham gia vào các dự án bên ngoài lĩnh vực tài nguyên, chẳng hạn như viễn thông và cơ sở hạ tầng… nâng tổng số dự án của Trung Quốc lên tới khoảng từ 75 - 80 (một con số mà các quan chức Myanmar nói với tờ Financial Times là “chính xác”).
Chính phủ Miến Điện đã khiến cho Trung Quốc bị sốc nặng vào cuối năm 2011, khi đột ngột đình chỉ dự án thủy điện Myitsone trị giá 3,6 tỷ USD ở mạn Đông Bắc của đất nước.
“Trấn an Trung Quốc”
Trái ngược với những ấn tượng được tạo ra bởi những lời mời nhiệt tình dành cho các nhà đầu tư phương Tây và việc hủy bỏ dự án đập lớn của Trung Quốc, các nhà lãnh đạo Myanmar không có ý định xa lánh người hàng xóm khổng lồ phương Bắc.
|
Tổng thống Thein Sein (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận bình.
|
Trong chuyến viếng thăm Trung Quốc gần đây nhất, Tổng thống Thein Sein đã bác bỏ những tin tức nói rằng Myanmar ít hào hứng với đầu tư Trung Quốc, trong bối cảnh cơn sốt đầu tư đến từ phương Tây.
"Đầu tư của Trung Quốc vào Miến Điện đã không chỉ tạo lợi nhuận cho các nhà đầu tư Trung Quốc, mà còn giúp cho người dân Miến Điện", ông Thaein Sein nói với truyền thông nhà nước Trung Quốc.
Trong cuộc hội đàm song phương, Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã nhắc lại tuyên bố trong cuộc họp trước đó của ông Thein Sein vào cuối năm ngoái, nhấn mạnh "tầm quan trọng của việc đảm bảo thực hiện thuận lợi các dự án hợp tác".
Tờ báo mạng Irrawaddy dẫn lời Tổng thống Thein Sein tuyên bố: “Tình hữu nghị Trung Quốc-Myanmar không được bị ảnh hưởng bởi các thế lực bên ngoài”. Đây được cho là một tuyên bố bất thường để trấn an mối quan ngại ngày càng gia tăng của Trung Quốc về ảnh hưởng ngày càng tăng của phương Tây tại Myanmar.
TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU: