Mặc dù nhóm phiến quân IS ở
Syria không hề được trang bị máy bay chiến đấu, tổng tư lệnh quân đội Mỹ vẫn muốn thành lập một vùng cấm bay trong chiến dịch tiêu diệt IS. Đó cũng là điều mà các đồng minh của Mỹ, bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, yêu cầu.
Khả năng thành lập một vùng cấm bay ở miền bắc Syria đã được Chủ tịch Tham mưu trưởng Liên quân, ông Martin Dempsey gợi ý đến. Ông Martin Dempsey cho hay: “Liệu tôi có dự tính rằng trong tương lai việc thành lập một vùng cấm bay trở thành một phần trong chiến dịch hay không ư? Câu trả lời là có”.
|
Chủ tịch Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, tướng Martin Dempsey |
Ông Martin Dempsey cũng bổ sung thêm rằng để đối phó với việc Mỹ cùng các đồng minh ném bom, IS đang học cách hòa nhập vào người dân và trốn khỏi những cuộc tấn công của phe liên quân. Ông nói: “Kẻ thù đang trà trộn và chúng sẽ khó bị phát hiện hơn, chúng rất cơ động và biết cách tận dụng người dân để ẩn mình”.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ ông Chuck Hagel cho biết có khả năng một vùng cấm bay sẽ được thành lập, theo như yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ. Tờ New York Times dẫn lời ông Chuck Hagel: “Chúng tôi đã bàn bạc về những khả năng này và sẽ tiếp tục bàn luận thêm về những điều mà Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu”.
Được biết, thành lập một vùng cấm bay là điều kiện của Thổ Nhĩ Kỳ để có được một cách tiếp cận trực diện hơn nhằm chống lại IS, khi lực lượng này đang chiến đấu với lực lượng người Kurd ở phía bắc Syria kể từ tháng 9.
Một quan chức dấu tên khẳng định rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý cho phép Mỹ và các đồng minh sử dụng các sân bay bao gồm cả sân bay Incirlik để không kích các mục tiêu ở Syria. Quyền tự do tiếp cận các căn cứ Thổ Nhĩ Kỳ là điều mà Washington luôn nhắm đến trong chiến dịch ném bom IS.
Tuy nhiên việc thành lập vùng cấm bay sẽ khiến cho những lời biện minh cho chiến dịch ném bom của Mỹ trở nên lung lay hơn bao giờ hết. Chính quyền của ông Obama đã sử dụng những quyền lực đặc biệt kể từ sau vụ 11/9 để truy đuổi Al-Qeada ở Syria và Iraq mà không cần sự cho phép của Quốc hội. Nhưng hiện nay IS về cơ bản không còn là một phần của Al-Qeada sau khi tách khỏi mạng lưới khủng bố và theo đuổi mục đích riêng của mình là thành lập cơ sở cho Thể chế Hồi giáo Sunni ở Iraq và Syria.
|
Toàn cảnh các vụ ném bom của Mỹ và đồng minh ở Syria |
Trên bình diện quốc tế, chiến dịch quân sự do Mỹ dẫn đầu vẫn chưa hợp lý về mặt pháp lý. Washington không hề bận tâm đến việc chờ Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc quyết định về việc sử dụng vũ lực ở Syria. Không những thế, Mỹ còn ném bom Syria mà không thông qua chính phủ của ông Bashar al-Assad. Một số quốc gia , bao gồm Iran và Nga, đã lên tiếng cho rằng Mỹ gần như đã xâm phạm trái phép vào chủ quyền của một quốc gia với lý do là cuộc chiến chống khủng bố.
Một vùng cấm bay có thể được thành lập để chống lại Quân đội Syria, chứ không phải là IS. Mỹ đã tuyên bố sẽ huấn luyện và trang bị vũ khí cho các lực lượng phiến quân Syria đang cố gắng lật đổ chính phủ của ông al-Assad, nhưng những nhóm này không cực đoan như IS.
Việc chống lại Damascus một cách trực tiếp ở Syria sẽ khiến cho những hoài nghi rằng chiến dịch chống lại IS chỉ là cái cớ để lật đổ chế độ của ông al-Assad tăng lên. Các chuyên gia của Nga cũng lưu ý rằng, lệnh cấm bay ở Libya của NATO năm 2011 đã làm giảm đáng kể sức mạnh quân đội của ông Muammar Gaddafi, gián tiếp dẫn đến sự sụp đổ của chính phủ Libya khi đó.