Kể từ khi phát động các cuộc không kích chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo ở Syria vào năm 2014, Mỹ đã cố gắng tách cuộc chiến chống IS khỏi cuộc nội chiến giữa chế độ Bashar Assad và các nhóm phiến quân Syria được nước ngoài hậu thuẫn.
|
Đoàn xe quân sự Mỹ tuần tra ở miền bắc Syria ngày 10/3/2017. Ảnh: Military.com |
Nỗ lực đó đã chính thức chấm dứt với một loạt các vụ tấn công của Mỹ chống các lực lượng chế độ Assad và các lực lượng ủng hộ Iran trong những tuần gần đây.
Bất kể có chịu thừa nhận hay không, trên thực tế Mỹ đã bước vào một giai đoạn mới trong cuộc khủng hoảng Syria. Nếu nhấn mạnh đến việc tiêu diệt IS, Washington sẽ phải đối mặt với sự lựa chọn khó khăn: hoặc thực hiện chính sách Syria đầy tham vọng nhưng nguy hiểm hơn hoặc nhượng bộ Iran và chế độ Assad, điều có thể đe dọa các lợi ích lâu dài của Mỹ trong khu vực.
Giai đoạn mới này đã được kích hoạt bởi một loạt các cuộc tấn công của Mỹ vào lực lượng được Iran hậu thuẫn ở miền đông Syria. Các lực lượng này bị cáo buộc đe doạ các tay súng Syria được Mỹ trang bị và huấn luyện để chống lại phiến quân IS. Chỉ trong hơn một tháng, Mỹ đã tấn công các lực lượng mặt đất ủng hộ chế độ Assad, bắn rơi 2 máy bay không người lái của Iran và cố tình bắn hạ máy bay ném bpm Su-22 của Quân đội Syria ở gần thành phố Raqqa.
Những thay đổi nói trên về mức độ can thiệp của Mỹ vào cuộc chiến Syria có một số lý do. Thứ nhất là sự thay đổi về địa lý của cuộc chiến này. Khi nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo còn chiếm giữ 1/3 lãnh thổ Syria, các lực lượng được Mỹ hậu thuẫn có thể đánh phiến quân IS và vẫn giữ khoảng cách an toàn với các lực lượng ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad. Hiện thời, khi các bên tranh giành đánh chiếm lãnh thổ còn nằm trong tay IS, các lực lượng của họ tiến gần nhau hơn một cách nguy hiểm.
Thứ hai, trước khi Nga can thiệp ồ ạt vào năm 2015, Quân đội Syria và đồng minh, phải tập trung chống các cuộc nổi dậy ở phía tây Syria và bảo đảm sự sống còn của chế độ Assad. Giờ đây, cuộc nổi dậy dường như được kiểm soát - đặc biệt kể từ khi giải phóng Aleppo vào cuối năm 2016, các nguồn lực của Quân đội Syria và các đồng minh đã được sử dụng chống IS (và các lực lượng do Mỹ hậu thuẫn).
Thứ ba, chính quyền của Tổng thống Donald Trump dường như đã sẵn sàng chấp nhận nguy cơ leo thang xung đột với Iran ở Syria để theo đuổi các mục tiêu lâu dài của Mỹ ở khu vực Trung Đông.
Nhưng lý do sâu xa hơn về đối đầu ngày càng gia tăng giữa các bên là bản chất của cuộc chiến Syria. Khi tiến hành không kích nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo ở Syria, chính quyền Obama đã tránh bị lôi kéo vào cuộc nội chiến ở nước này và nguy cơ leo thang xung đột với Iran.Trong thực tế, đây là chiến lược vô vọng vì Tổng thống Assad và Iran không hề tách bạch cuộc chiến chống IS khỏi tổng thể nội cuộc chiến Syria.
Cuộc chiến Syria là một cuộc chiến liên quan đến lãnh thổ, nguồn lực và bản sắc, trong đó việc đánh IS chi là một phần của cuộc chiến tổng lực và phức tạp này.
Hiện thời, Quân đội Syria và các lực lượng được Mỹ hậu thuẫn đều nhắm vào việc đánh chiếm thung lũng sông Euphrates ở miền đông Syria để kiểm soát các nguồn tài nguyên chiến lược như dự trữ dầu mỏ, đất canh tác, nước và khu vực biên giới Syria-Iraq. Chính phủ Syria và Iran không khi nào để cho các lực lượng được Mỹ hậu thuẫn chiếm được miền đông Syria, tạo ra nguy cơ vĩnh viễn đối với sự tồn tại của chế độ, tước đi các nguồn lực quan trọng, đe doạ mục tiêu chiến lược của Iran trong khu vực và tuyến cung cấp cho Hezbollah ở Lebanon. Do đó, Quân đội Syria và các lực lượng được Iran hậu thuẫn sẽ cố gắng giải phóng miền đông Syria trước các lực lượng được Mỹ hậu thuẫn.
Trên thực tế, các lực lượng Mỹ đã thực sự can thiệp vào cuộc nội chiến Syria, chứ không chỉ đơn thuần đánh phiến quân IS. Những nỗ lực của Mỹ cũng cho phép các đối tác địa phương như người Kurd và người Arập đánh chiếm lãnh thổ và các nguồn lực vốn quan trọng đối với chính phủ Syria và Iran.
Các cuộc đối đầu tiếp theo giữa liên minh do Mỹ cầm đầu và liên minh được Iran hậu thuẫn ở Syria là không thể tránh khỏi. Mỹ không thể “nhắm mắt làm ngơ” trước việc các lực lượng ủng hộ Tổng thống Assad và Iran đang ráo riết đánh chiếm các vùng lãnh thổ và các nguồn lực có ý nghĩa chiến lược. Mặc dù không muốn đối đầu với Mỹ, nhưng dường như Nga không thể (hoặc có lẽ không muốn) kiềm chế các đồng minh ở Syria trong cuộc chạy đua này.
Chính quyền của Tổng thống Donald Trump hiện đang đứng trước một bài toán nan giải là làm thế nào vừa triệt hạ được nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo, vừa không làm cho đối thủ trong khu vực mạnh lên. Có một điều rõ ràng là hiện thời Washington không còn có thể lựa chọn hoặc tiến hành hoặc bỏ qua một cuộc chiến nào bởi vì bản thân nước Mỹ đã can thiệp rất sâu vào cuộc khủng hoảng Syria.