Mất Ukraine là thất bại lớn nhất của Tổng thống Putin?

Google News

(Kiến Thức) - Dù còn quá sớm để kết luận về tương lai Ukraine, song có một điều đã rõ ràng, Tổng thống Nga Putin đã đánh mất “con át chủ bài” trong dự án lập liên minh Á-Âu tham vọng.

Lật đổ được chính quyền Tổng thống Viktor Yanukovich (thân Nga) không có nghĩa là phe đối lập ở Ukraine sẽ thành công trong mục tiêu “lái” đất nước theo con đường tự do dân chủ với mô hình là các quốc gia phương Tây.
Dù vậy, tại thời điểm này, phe đối lập Ukraine – với việc nắm được quyền kiểm soát tại Kiev – vẫn được cho là những người giành chiến thắng (hay kẻ được) sau các cuộc bạo động đẫm máu cướp đi mạng sống của hàng trăm người. Còn người mất mát nhất ở đây thực chất không phải là Tổng thống bị lật đổ Yanukovich mà là Tổng thống Putin, người xem Ukraine là con "át chủ bài” trong dự án thành lập liên minh Á-Âu đầy tham vọng và luôn nhấn mạnh, Ukraine không được phép ra khỏi quỹ đạo của Nga.
 Nhiều chuyên gia nhận định, người mất mát nhiều nhất trong cuộc khủng hoảng Ukraine là Tổng thống Nga Putin.
Trong năm nay, Ukraine cùng với Thế vận hội mùa đông ở Sochi đối với Tổng thống Putin có ý nghĩa cực kỳ quan trọng và do đó, là những mối bận tâm hàng đầu của ông. Nếu như Thế vận hội Sochi biểu trưng cho sự lộng lẫy, thịnh vượng cũng như sức mạnh của một nước Nga mới, thì Ukraine đóng vai trò then chốt nhất trong dự án tái xây dựng nước Nga hùng mạnh thời hậu Xô viết.
Trong những năm gần đây, Tổng thống Putin đã nhận thấy và nắm bắt được nhiều cơ hội để giữ chặt Ukraine trong quỹ đạo của nước Nga. Sau Cách mạng Cam (diễn ra trong giai đoạn 2004-2005), người dân Ukraine đã đặt toàn bộ kỳ vọng vào chính phủ mới với khát vọng xây dựng một đất nước Ukraine mới, độc lập, dân chủ và thịnh vượng.
Tuy nhiên, họ đã sớm đón nhận thất vọng tràn trề khi bộ đôi phe đối lập, cựu Tổng thống Viktor Yushchenko và cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko dù “song kiếm hợp bích” giành thắng lợi giòn giã trong Cách mạng Cam, lật đổ được cựu Tổng thống Yanukovich, thành lập được chính phủ mới lại thất bại trong việc điều hành đất nước.
 Bộ đôi  cựu Tổng thống Viktor Yushchenko (trái) và cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko - người được mệnh danh là "Nữ thần Cách mạng Cam".
Nền kinh tế Ukraine dưới thời Yushchenko-Tymoshenko không hề được cải thiện, vấn nạn tham nhũng không hề được kiềm chế (thậm chí bản thân bà Tymoshenko sau này còn vướng vào vòng lao lý với cáo buộc tham nhũng). Chưa hết, bộ đôi Yushchenko-Tymoshenko từng là chiến hữu “vào sinh ra tử” trong Cách mạng Cam sau khi nắm được quyền lực lại trở mặt với nhau, liên tục nảy sinh mâu thuẫn, xung đột gay gắt khiến chính phủ lục đục.
Kết quả, cựu Tổng thống Yushchenko trong cuộc bầu cử tổng thống Ukraine năm 2010 chỉ giành được vẻn vẹn 5% phiếu bầu còn ứng viên Tymoshenko cũng bị ông Yanukovich (thân Nga) đánh bại.
Tuy nhiên, trên thực tế, Tổng thống Yanukovich lại là “kẻ nước đôi”. Nhà báo kiêm nhà phân tích chính trị Ukraine Olena Tregub nhấn mạnh, trong khi không ngừng đề cao quan hệ mật thiết với Moscow, Tổng thống Yanukovich cũng tuyên bố, muốn thúc đẩy quan hệ gần gũi hơn với Liên minh châu Âu (EU) và nhiều lần công khai khẳng định “hội nhập EU là ưu tiên chính sách đối ngoại hàng đầu của ông”. Ông Yanukovich nhấn mạnh, đây không chỉ là mục tiêu chiến lược mà còn là “một lựa chọn khôn ngoan, sáng suốt”.
Mùa thu năm ngoái, dường như ông Yanukovich quyết tâm hiện thực hóa những gì đã tuyên bố: Ukraine có vẻ sẵn sàng ký thỏa thuận thương mại quan trọng với EU – một chiến lược chính xác để thực hiện mục tiêu gia nhập vào ngôi nhà EU của chính quyền Yanukovich.
Tuy nhiên, Tổng thống Nga Putin không đời nào để cho điều này xảy ra. Moscow bắt đầu hành động, sử dụng chiến thuật “cây gậy và củ cà rốt” quen thuộc để chặn đứng thỏa thuận trên. Áp lực song song với nhiều món lợi mà Moscow đưa ra, hứa hẹn, cuối cùng mua chuộc được chính quyền Yanukovich để bỏ rơi thỏa thuận thương mại với EU.
Tuy nhiên, điều này khiến nhiều người Ukraine (ủng hộ phe đối lập, thân phương Tây, chủ trương ký thỏa thuận thương mại với EU) phẫn nộ. Biểu tình chống chính phủ bùng phát đầu tiên tại Quảng trường Độc lập ở thủ đô Kiev – “nơi khai sinh” của Cách mạng Cam và sau đó lan rộng khắp Ukraine.
 Thủ đô Kiev của Ukraine chìm trong khói lửa khi biểu tình hòa bình leo thành thành các cuộc đụng độ, xung đột đẫm máu.
Để chính quyền Yanukovich vững lòng, tránh xa “sự cám dỗ” của phương Tây, Điện Kremlin tiếp tục “tặng” Ukraine gói viện trợ tài chính khổng lồ trị giá 15 tỷ USD cộng với ưu đãi giảm giá nhập khẩu khí đốt tự nhiên mạnh cho nước này. Song điều này càng khiến phong trào biểu tình chống chính phủ Yanukovich thêm sôi sục, quyết liệt và dữ dội. Bản thân Moscow cũng không có phương cách nào có thể cứu chính quyền Yanukovich, giúp Kiev dập tắt các cuộc biểu tình hòa bình leo thang thành bạo động, xung đột đẫm máu.
Cuối cùng, chính quyền Yanukovich bị lật đổ, phe đối lập (thân phương Tây) hiện nắm quyền kiểm soát Ukaine. Nhà báo Ukraine Vitaly Portnikov nhận định: “Tổng thống Putin bằng mọi cách muốn đẩy Ukraine ra xa khỏi vòng tay Liên minh châu Âu. Ông ấy từng thành công trong việc này. Nhưng rốt cuộc, trên thực tế, ông ấy đã mất Ukraine. Rõ ràng giờ đây, mọi người sẽ quy kết việc niềm tin, hy vọng của họ bị sụp đổ bởi không chỉ ông Yanukovich mà còn Nga - hay nói cách khác, người bị quy trách nhiệm chính là Tổng thống Putin. Càng tỏ ra đối đầu với phương Tây, Tổng thống Putin càng làm mếch lòng nhiều người dân Ukraine, càng làm giảm uy tín của Nga tại đây”.
Quyết tâm ngăn chặn mối quan hệ Ukraine – EU của Tổng thống Putin rõ ràng đã phản tác dụng và những gì đã và đang xảy ra ở Ukraine trong những tuần gần đây có thể nói là cơn ác mộng tồi tệ nhất của nhà lãnh đạo Nga.
Bạch Dương (theo RCP)

Bình luận(0)