Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam

Google News

(Kiến Thức) - Trong thời kỳ Liên bang Đông Dương, các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc quyền tài phán của Pháp, với lý do hai quần đảo này là của Việt Nam.

Đó là nhận xét của nhà sử học Nga Maxim Syunnerberg trong bài viết “Hoàng Sa và Trường Sa: những quần đảo tranh chấp” đăng trên trang mạng Sputnik ngày 18/8/2016.
Hoang Sa va Truong Sa la cua Viet Nam
Bia chủ quyền của Việt Nam trên đảo Trường Sa. Ảnh Vietnam+ 
Theo nhà sử học Maxim Syunnerberg, xung đột kéo dài nhất và có số lượng các nước tham gia lớn nhất đang tồn tại ở Biển Đông là tranh chấp các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Nhà sử học Maxim Syunnerberg viết: Cho đến giữa thế kỷ 19, phương Tây không phân biệt được các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Chính ở Việt Nam, bắt đầu từ triều đại Hậu Lê, tất cả các đảo nằm ở phía đông lục địa Việt Nam có tên chung là Bãi Cát Vàng hoặc Đại Trường Sa. Và chỉ từ năm 1843, các nhóm đảo phía bắc và phía nam mới được đặt tên riêng.
Trong thời kỳ Liên bang Đông Dương, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc quyền tài phán của nước Pháp. Lý do hợp nhất các đảo vào Liên bang Đông Dương là do hai quần đảo này là của Việt nam, như đã nêu trong các tài liệu tương ứng từ thế kỷ thứ 17.
Trong nửa đầu của thế kỷ 17, nhà soạn vẽ bản đồ Việt Nam Đỗ Bá trong “Toàn tập Thiên Nam tứ chí lộ bộ thư” đã đề cập đến Hoàng Sa và Trường Sa là Phủ Quảng Ngãi của Xứ Quảng Nam, Việt Nam.
Vào năm 1786, triều đình Tây Sơn bắt đầu tìm kiếm vàng, tiền bạc và pháo súng từ những tàu chìm xung quanh các đảo, cũng như săn bắt cá hiếm, vỏ rùa trên các hòn đảo. Vào năm 1816, vua Gia Long của nhà Nguyễn đã tuyên bố chủ quyền đối với hai quần đảo nói trên. Năm 1876, Bố chánh Quảng Ngãi Nguyễn Thông đã viết về quyền sở hữu các hòn đảo gắn với đất liền của Việt Nam trong " Việt sử cương giám khảo lược". Nửa thế kỷ sau đó, đoàn thám hiểm khoa học Pháp đã đến Hoàng Sa. Kết luận của họ: theo quan điểm địa chất, các hòn đảo thuộc về Việt Nam. Vào năm 1930, Nghị định của Toàn quyền Đông Dương tuyên bố quần đảo Trường Sa là lãnh thổ do Pháp cai trị.
Vào những năm 1730-1735, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã trở thành hang ổ của bọn cướp biển, từ đó hải tặc đã tấn công tàu Anh, Hà Lan và Bồ Đào Nha đi ngang qua. Sau đó, căn cứ của bọn cướp biển bị hạm đội Anh phá hủy.
Vào năm 1939, Nhật Bản chiếm đóng quần đảo Trường Sa và tuyên bố đó là lãnh thổ của Nhật. Tokyo chỉ từ bỏ tuyên bố nói trên sau thất bại trong Thế chiến thứ II. Cả Philippines cũng không đứng tránh sang một bên. Trong thỏa thuận năm 1898 giữa Tây Ban Nha và Mỹ đã xác định ranh giới của Philippines, Trường Sa không có tên trong đó. Cũng tương tự như vậy, không có địa danh Trường Sa trong bản đồ của Philippines công bố tại Manila năm 1929. Tuy nhiên, vào năm 1956 Manila đã đưa ra yêu sách và 12 năm sau, quân đội Philippine đổ bộ lên ba hòn đảo trong quần đảo Trường Sa. Vào những năm 1970, Malaysia cũng đưa ra tuyên bố quyền lợi trên 12 hòn đảo. Sau đó, đã có thêm tuyên bố từ Brunei.
Tuy nhiên, thách thức lâu nhất và dai dẳng nhất đối với các đảo ở Biển Đông là Trung Quốc.
Minh Châu (Theo Sputnik)

Bình luận(0)