|
Vốn hoạt động ven bờ, tàu Cảnh sát biển Trung Quốc mò ra tận vừng biển Senkaku/Điếu Ngư.
|
Bốn tàu của Lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc (CCG) vừa mới thành lập đã lởn vởn ở ngoài khơi quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ngày 24/7, theo Kyodo News và Tân Hoa Xã. Một số tàu của CCG cũng đã bị phát hiện trong khu vực xung quanh Đá Vành Khăn (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam), theo một báo cáo mật của chính phủ Philippines.
Trong khi các tàu công vụ Trung Quốc đã liên tục vào hai vùng biển nói trên cả trong năm qua, đây là lần đầu tiên tàu CCG xuất hiện kể từ khi tái cơ cấu vào Cơ quan quản lý đại dương nhà nước (SOA).
Trực thuộc SOA, nhận "chỉ đạo" từ Bộ Công an Trung Quốc
Theo kế hoạch, Lực lượng Cảnh sát biển (CCG) thống nhất sẽ được phân chia hoạt động ở 3 vùng biển (Bắc Hải, Biển Hoa Đông và Biển Đông), với 11 bộ chỉ huy cùng với đội tàu trực thuộc. Trụ sở chính SOA có 372 nhân viên - người, đứng đầu là 1giám đốc, 4 phó giám đốc và 1 phó giám đốc khác đồng thời đảm nhận chức giám đốc Cơ quan Cảnh sát biển Trung Quốc.
Tuy hướng dẫn về phân công chức năng giữa SOA và Bộ Công an (MPS) Trung Quốc chưa được công bố, nhưng Lực lượng Cảnh sát biển (CCG) thuộc SOA sẽ tiến hành "bảo vệ quyền hàng hải và thực thi pháp luật" và sẽ nhận được "hướng dẫn hoạt động" từ MPS.
Vấn đề trang bị vũ khí của các tàu của Cảnh sát biển Trung Quốc là một trong nhiều vấn đề mà chuyên gia khu vực quan tâm theo dõi chặt chẽ. Trước khi chuyển đổi cơ cấu, hầu hết các tàu trên của 5 cơ quan trực thuộc SOA hiện nay không mang theo vũ khí ( với một vài ngoại lệ như CCG cũ và đơn vị chống buôn lậu GAC). Trong khi các tàu cảnh sát biển Trung Quốc xâm nhập vùng biển Senkaku/Điếu Ngư không gắn súng máy trên boong, nhưng người ta cũng không loại trừ các tàu CCG sẽ được trang bị súng máy trong tương lai.
Nếu Trung Quốc chọn mô hình cảnh sát biển giống như Nhật Bản và Mỹ, các tàu của CCG sẽ được trang bị vũ khí hạng nhẹ. Chuyên gia Trung Quốc đã suy đoán rằng các tàu mới của CCG có khả năng được trang bị vòi rồng và “súng máy hạng nhẹ”. Nguồn khác chỉ ra rằng các tàu mới sẽ được trang bị hệ thống thông tin liên lạc tiên tiến hơn và súng máy gắn trên boong tàu.
Lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc mới có thể sẽ tiếp tục được trang bị các tàu chiến, tàu hậu cần thải loại của Hải quân Trung Quốc - bao gồm các tàu khu trục, tàu hộ tống và tàu hậu cần.
Sức mạnh ghê gớm
Hiện chưa rõ Cơ quan Quản lý Đại dương Nhà nước (SOA) có bao nhiêu tàu, máy bay và nhân viên trực thuộc. Một báo cáo của Học viện Hải quân Mỹ năm 2010 ước tính rằng 5 cơ quan cũ được sáp nhập vào SOA có khoảng 40.000 nhân viên. Lực lượng Cảnh sát biển vốn trực thuộc Bộ Công an có khoảng 10.000 nhân viên và 480 tàu (trong đó phần lớn là tàu tuần tra ven biển). Nếu thu nạp tất cả nhân viên và tàu thuyền của 5 cơ quan cũ, CCG mới sẽ có sức mạnh rất ghê gớm, khi so sánh với cảnh sát biển của các nước khác trong khu vực. Lực lượng tuần duyên hùng mạnh của Nhật Bản cũng chí có 446 tàu, 73 máy bay và và 12.808 nhân viên.
|
Việc tàu cảnh sát biển Trung Quốc được triển khai tới khu vực tranh chấp làm tăng nguy cơ đối đầu xung đột trên biển. |
Việc hợp nhất 5 cơ quan vào SOA cũng có thể làm gia tăng căng thẳng trên biển. Một cơ quan thực thi pháp luật hàng hải thống nhất sẽ được trang bị tốt hơn để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền của Trung Quốc, nhưng lại làm tăng nguy cơ đụng độ chết người giữa các lực lượng bảo vệ bờ biển đối địch. SOA cũng mang lại nhiều cơ hội hơn cho Trung Quốc để đe dọa các nước láng giềng yếu hơn.
Việc tàu cảnh sát biển Trung Quốc được triển khai tới khu vực tranh chấp làm tăng nguy cơ đối đầu xung đột trên biển.