Khu trục hạm Nhật khuấy động tranh chấp biển đảo?

Google News

(Kiến Thức) - Sự kiện Nhật Bản hạ thủy khu trục hạm mới, lớn nhất của nước này kể từ Chiến tranh thế giới thứ 2 – Izumo bị cho là sẽ khuấy động tranh chấp biển đảo với Trung Quốc.

 Nhật hạ thủy khu trục hạm mới...
Khu trục hạm Izumo có chiều dài 248m, rộng 38m, trọng lượng giãn nước 19.500 tấn, tải trọng tối đa 27.000 tấn, và có thể chở được 14 trực thăng, có tính tấn công, có khả năng "xưng bá trên biển", tạo ra mối đe dọa trực tiếp cho hạm đội Trung Quốc.
Tokyo nhấn mạnh, khả năng chống tàu ngầm và giám sát của khu trục hạm Izumo sẽ giúp tăng cường khả năng bảo vệ lãnh thổ và biển đảo của Nhật Bản.
Lực lượng Phòng vệ bờ Biển Nhật Bản cũng cho biết, tàu khu trục Izumo có chức năng "căn cứ trên biển" - dừng lại lâu dài trên biển. Ngoài ra, Tokyo cũng nhấn mạnh vai trò tiềm năng của khu trục hạm trong việc cứu trợ thiên tai, vận chuyển nhân viên cứu viên cứu hộ đến khu vực bị ảnh hưởng khẩn cấp.
Khu trục hạm bắt đầu được chế tạo kể từ năm 2009 nhưng được hạ thủy đúng vào thời điểm căng thẳng lãnh thổ Trung-Nhật liên quan đến quần đảo Điếu Ngư/Senkaku leo thang.
Bình luận về sự kiện này, Tờ Hoàn cầu Thời báo Trung Quốc cáo buộc, trọng tải, bố cục và chức năng của tàu khu trục Izumo đều phù hợp với tiêu chuẩn của tàu sân bay hạng nhẹ. Việc Nhật Bản hạ thủy con tàu này đúng vào ngày Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima năm 1945 là cũng “có ý đồ sâu xa”.
Theo báo này, tàu này thực chất là “bán tàu sân bay” khoác áo tàu khu trục. Đồng thời, việc Tokyo đặt tên tàu là Izumo – tên một tàu chỉ huy trong chiến tranh Trung-Nhật, là hành động tưởng nhớ quá khứ, “đi ngược lại thời đại”, có thể gây ra “chạy đua vũ trang” ở khu vực Đông Á.
 ....làm dấy lên nỗi lo từ Trung Quốc, Triều Tiên.
Ngoài ra, việc hạ thủy tàu Izumo cũng diễn ra trong thời điểm Thủ tướng Shinzo Abe đang kêu gọi sửa đổi Hiến pháp Hòa bình. Do đó, giới học giả Trung Quốc cáo buộc, Nhật Bản hạ thủy khu trục hạm Izumo trong thời điểm này là hòng muốn tận dụng tình cảm bi thương của người dân, ủng hộ tham vọng tái vũ trang quân đội của Shinzo Abe.
Chính sách quân sự của Nhật Bản đã bắt đầu thay đổi kể từ năm 2010, nhất là trong thời điểm Bắc Kinh tăng cường bành trướng ảnh hưởng, phấn đấu trở thành cường quốc biển. Tokyo dự kiến sẽ tiếp tục đánh giá chính sách quân sự vào cuối năm nay, nhằm cân bằng cán cân quân sự trong khu vực đang thay đổi gần đây.
Đặc biệt, Tokyo muốn tăng cường khả năng phòng thủ chống tên lửa và tăng cường khả năng quốc phòng để tấn công các căn cứ quân sự của các nước khác, Bộ Quốc phòng Nhật tuyên bố cuối tháng trước.
Chưa hết, còn có tin Nhật Bản còn đang chế tạo một khu trục hạm tương tự thứ hai. Tất cả các dấu hiệu cho thấy, chính phủ Shinzo Abe đang nỗ lực thúc đẩy một loạt kế hoạch sửa đối Hiến pháp và tăng cường sức mạnh quân sự.
Trong Chiến tranh thế giới thứ 2, Đế quốc Nhật từng là lực lượng hải quân mạnh nhất Thái Bình Dương nhưng sau khi bại trận, Hiến pháp nước này đã cấm sử dụng tàu sân bay.
Trung Quốc gần đây đã hạ thủy tàu sân bay đầu tiên tên là Liên Ninh, được tân trang lại sau khi mua lại khung tàu từ Ukraina. Bắc Kinh cũng được cho là đang đóng thêm các tàu sân bay khác cùng loại.
Một ngày sau khi Nhật Bản hạ thủy tàu chiến mới, Triều Tiên, đồng minh ruột của Trung Quốc cũng mạnh mẽ cảnh báo, Tokyo đang theo một chương trình quân sự vượt quá “giới hạn nguy hiểm”.
Một bài bình luận của Cơ quan Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) hôm nay cáo buộc, sách Trắng Quốc phòng của Nhật Bản công bố tháng trước (trong đó nhấn mạnh sự cần thiết của việc tăng cường sức mạnh và quy mô của các lực lượng cần thiết để bảo vệ những lãnh thổ xa xôi của Nhật Bản) là nhằm mục đích tạo ra khả năng “ngăn chặn toàn diện” để chống lại các mối đe dọa tên lửa đạn đạo từ Triều Tiên.
“Đó còn là gì ngoài trò bịp bợm lớn của Nhật Bản để biện minh cho việc họ tham vọng trở thành cường quốc quân sự - một điều vượt ra khỏi giới hạn nguy hiểm”, KCNA mạnh mẽ cáo buộc.
Bài bình luận cũng thẳng thừng chỉ trích, việc Nhật Bản lớn tiếng cảnh báo về các mối đe dọa tên lửa và hạt nhân từ Triều Tiên nhằm đánh lạc hướng cộng đồng quốc tế hòng dễ bề thực hiện tham vọng bãi bỏ Hiến pháp hòa bình.
Từ đó, bài bình luận đi đến kết luận mang tính răn đe: “Những lời cáo buộc của Nhật Bản là cực kỳ vô lý và chỉ nhằm biện minh cho mục đích nham hiểm của họ. Nhật Bản phải được khuyên bảo để có cư xử hợp lý và nhận thức được rằng, cách cư xử như vậy sẽ có lợi cho an ninh của họ”.
Bạch Dương (Theo RT, Chinanews)

Bình luận(0)