|
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư
|
Nhật Bản dự định quốc hữu gần 400 hòn đảo nằm trong vùng lãnh hải của nước này. Hình như Tokyo phớt lờ thực tế cách đây chưa đầy 1 năm, khi việc quốc hữu hóa 3 hòn đảo trong quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đã dẫn đến căng thẳng bùng phát với Trung Quốc.
Theop các phương tiện truyền thông Nhật Bản, hoạt động ráo riết của Trung Quốc trong vùng biển ngoài khơi Senkaku/Điếu Ngư chính là lý do thúc đẩy chính phủ Nhật Bản “quốc hữu hóa” thêm gần 400 hòn đảo khác. Một nửa số đảo này chưa có tên gọi và không chính thức thuộc về bất cứ nước nào. Hội đồng mới do chính phủ lập sau cuộc bầu cử vào Thượng viện ngày 21/7 sẽ tổ chức liệt kê những hòn đảo vô chủ, đánh giá nguồn tài nguyên thiên nhiên trong vùng biển và thềm lục địa các đảo.
Cựu đại sứ Nga tại Nhật Bản Alexander Panov, một nhà Đông phương học có uy tín, đặt vấn đề nghi vấn: “Nếu các đảo này thuộc vùng lãnh hải của Nhật Bản thì tôi không hiểu nước này tuyên bố quốc hữu hóa để làm gì, vì chúng vốn thuộc về Nhật Bản. Rõ ràng sẽ chẳng có ai đến đây sống, không xây dựng công trình gì. Sao lại phải quốc hữu hóa rồi mới được phép thống kê tài nguyên của khu vực?”
Đại sứ Panov cho rằng đây là một cách thổi phồng vấn đề để kích động tinh thần dân tộc. Ông cho rằng động thái này không xứng đáng với một cường quốc như Nhật Bản, đồng thời bộc lộ “sự thiếu vắng định hướng chiến lược và tư duy dài hạn”.
Thay vì tìm cách xoa dịu căng thẳng với Trung Quốc, Tokyo lại làm cái điều ngược lại. Theo đại sứ Panov, có cái gì đó tương tự với việc nhà chức trách Nhật Bản từng bán đất hay đăng ký địa chỉ cho cư dân trên "Vùng lãnh thổ phía bắc" (quần đảo Kuril đang tranh chấp với Nga).
Trong khi đó, giáo sư MGIMO Dmitri Strelstov lại có cái nhìn hơi khác. Giáo sư Strelstov nói: “Hiện thời, vấn đề lãnh thổ là trọng tâm chính trị ở Nhật Bản. Việc lập ủy ban kiểm kê hải đảo và vùng biển bao quanh rất phù hợp với đặc thù của tình hình. Sự thịnh vượng của Nhật Bản lệ thuộc đáng kể vào cách tiếp cận trong quan hệ với Trung Quốc, bao gồm cả vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Rõ ràng là Nhật Bản không thể nhượng bộ, nhưng cần phải xây dựng chiến lược rõ ràng và hợp lý.”
Theo giáo sư Streltsov, Nhật Bản hiện đang theo đuổi một đường lối cứng rắn trong tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Ở châu Á, thiếu cứng rắn là dấu hiệu chứng tỏ yếu đuối. Đó là lý do tại sao các nước của khu vực không chấp nhận thỏa hiệp.
Giáo sư Strelstov cho rằng trong trường hợp Senkaku, thỏa hiệp vẫn còn xa vời và thậm chí vẫn là điều không thực tế. Nhưng ông hy vọng Nhật Bản và Trung Quốc sẽ đi đến một thỏa thuận ngầm về “giữ nguyên hiện trạng”.
Có lẽ đây là lập trường hợp lý nhất về tranh chấp lãnh thổ và sẽ cho phép Nhật Bản tránh được tình trạng xuống cấp trong quan hệ với các nước láng giềng.