|
Đội tàu chiến Trung Quốc bắn đạn thật trên Biển Nhật Bản.
|
Trong một bài viết đăng trên
Asia Times Online ngày 15/7, Richard Thornton - giáo sư Lịch sử và Quan hệ quốc tế tại Đại học George Washington (Mỹ) - cho rằng Trung Quốc đang thách thức trật tự quốc tế do Mỹ thiết lập ở Đông Á sau Chiến tranh thế giới thứ II.
Trung Quốc đang cố gắng tận dụng sức mạnh quân sự ngày càng tăng để tạo ra vị thế lớn hơn, có tính chất thống trị bằng cách yêu sách chủ quyền đối với các đảo ở Biển Hoa Đông và Biển Đông. Trong khi đó, không mấy người nhận ra rằng Trung Quốc đang nỗ lực lật đổ các nền tảng pháp lý của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương.
Theo giáo sư Thornton, việc Trung Quốc đang thách thức chủ quyền của Nhật Bản ở quần đảo Senkaku là một nỗ lực nhằm xóa bỏ toàn bộ trật tự quốc tế đã được hình thành theo Hiệp ước San Francisco tháng 9/1951.
Thật trớ trêu, trong khi phản đối các điều khoản của Hiệp ước Hòa bình San Francisco vào thời điểm đó, Trung Quốc không hề đả động đến quần đảo Senkaku. Thật vậy, một báo cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 15/5/1950 còn thừa nhận chủ quyền của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku, khi liên kết các hòn đảo trong chuỗi đảo Ryukyu.
Cách đây hơn nửa thế kỷ, Trung Quốc vẫn còn quá yếu, khó có thể yêu sách chủ quyền. Nhưng với sức mạnh quân sự ngày càng tăng, hiện thời Trung Quốc đã tái kích hoạt những tuyên bố chủ quyền cũ và phát minh ra những yêu sách chủ quyền mới. Việc Trung Quốc gây áp lực quân sự để buộc Nhật Bản từ bỏ quần đảo Senkaku là một thách thức không chỉ đối với Nhật Bản, mà còn cả đối với Mỹ .
Mỹ quản lý quần đảo Senkaku trong giai đoạn 1951-1971, nhưng sau đó đã trao lại cho Nhật Bản. Do đó, quần đảo Senkaku và Okinawa có trong quy định của Hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật Bản năm 1960, trong đó Mỹ cam kết bảo vệ Nhật Bản trước một cuộc tấn công từ bên ngoài. Nếu Mỹ từ chối hậu thuẫn Nhật Bản trước thách thức của Trung Quốc về quần đảo Senkaku, điều này sẽ làm mất hiệu lực bảo đảm an ninh của Mỹ đối với Nhật Bản, khiến người ta nghi ngờ về cam kết liên minh và làm suy yếu vị thế của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương, cả về mặt pháp lý lẫn thực tiễn.
Liệu Tổng thống Obama có duy trì những nghĩa vụ theo Hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật Bản và duy trì Hiệp ước San Francisco hay tìm cách “định nghĩa lại” những cam kết cũ vì không muốn đối đầu với Trung Quốc?
Việc Washington nhượng bộ trước những thách thức của Trung Quốc đối với Nhật Bản về quần đảo Senkaku sẽ đồng nghĩa với việc từ bỏ trật tự quốc tế mà Mỹ đã thiết lập sau Chiến tranh thế giới thứ II và mở đường cho Trung Quốc thống trị các quốc gia lân cận trong khu vực.
Kết cục đáng buồn là kết thúc sự thống trị của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương và trở lại cái thời kỳ “Thiên triều” cai trị các nước chư hầu như thời phong kiến Trung Quốc thịnh trị trước đây.