Đó là nhận định của nhà phân tích Ted Galen Carpenter, một thành viên cao cấp của Viện Cato, trong bài viết đăng trên tạp chí Mỹ The National Interest.
|
Nhà phân tích Ted Galen Carpenter, một thành viên cao cấp của Viện Cato.
|
Theo nhà phân tích Carpenter, có một sự đồng thuận trong cộng đồng chính trị rằng Mỹ có thể và cần xóa sổ ISIS (Nhà nước Hồi giáo IS). Người ta ngộ nhận rằng việc
đánh bại Nhà nước Hồi giáo sẽ giải quyết hầu hết các vấn đề chính trong khu vực. Chỉ có điều, thay vì mở ra một kỷ nguyên của sự khoan dung và giác ngộ, việc đánh bại IS là nhiều khả năng chỉ châm ngòi một cuộc
tranh giành quyền lực mới cực kỳ phức tạp trong khu vực.
Việc đánh bại cái gọi là Nhà nước Hồi giáo sẽ không thay đổi thực tế cơ bản là cả Iraq lẫn Syria đều đã bị băng hoại về mặt xã hội, chủ yếu do “đề án thay đổi chế độ” do Mỹ cầm đầu.
Việc đưa hai nước trở lại thời kỳ hòa hợp trước đây xem ra hầu như không thể thực hiện. Thứ nhất là do người Kurd ở Iraq Kurd đã duy trì một nhà nước độc lập trên thực tế trong hơn thập kỷ qua. Người Kurd không còn nghe theo chính quyền trung ương ở Baghdad. Thật vậy, người Kurd ở Iraq đã lợi dụng tình trạng hỗn loạn gần đây để đánh chiếm Kirkuk, một khu vực giàu dầu mỏ bị tranh chấp sau cuộc xâm lược do Mỹ cầm đầu và chiếm đóng Iraq vào năm 2003.
Gần đây, người Kurd ở Syria cũng đã đạt được những thành công đầy ấn tượng. Trong năm qua, họ đã giành quyền kiểm soát phần lớn các vùng lãnh thổ có người Kurd sinh sống ở đông bắc Syria, dọc theo biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Họ không có ý định giao nộp lãnh thổ đã chiếm được cho chính phủ Syria hay phe nổi dậy chống Assad do người Hồi giáo Sunni thống trị. Thật vậy, cả người Kurd ở Iraq lẫn người Kurd ở Syria đều coi tình trạng bất ổn hiện nay là cơ hội để đạt được ước mơ có lãnh thổ riêng, một Đại Kurdistan.
Sự phát triển của Đại Kurdistan sẽ là một vấn đề đau đầu đối với Thổ Nhĩ Kỳ, NATO và Mỹ do gần một nửa dân số người Kurd sinh sống tại các khu vực nằm bên trong biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ. Việc đánh bại IS không thể giải quyết vấn đề này, thậm chí chỉ càng làm cho nó trở nên trầm trọng hơn.
Vấn đề người Kurd đặt ra một vấn đề chính sách lớn đối với các quan chức Mỹ. Liệu họ có chuẩn bị chứng kiến sự tan rã của Iraq và Syria thành nhiều tiểu bang có sự gắn kết sắc tộc-tôn giáo? Cho đến nay, câu trả lời là "không". Nhưng các cuộc xung đột đẫm máu ở cả Iraq và Syria đều có nguyên nhân tranh giành quyền thống trị của người Sunni và người Shiite.
Liệu Mỹ có sẵn sàng triển khai bộ binh ở cả Iraq lẫn Syria để ngăn không cho các bên tranh chấp tàn sát lẫn nhau? Nếu có, thì phải triển khai bao nhiêu quân mới đủ? Liệu người Mỹ có sẵn sàng đẩy con em của họ vào một cuộc xung đột giáo phái sắc tộc ở Iraq và Syria kéo dài 20, 30 năm hoặc lâu hơn nữa? Có phải họ đã chuẩn bị tư tưởng để đón hàng chục binh sĩ trở về trong các túi đựng xác bằng ni lông? Điều gì sẽ xảy ra nếu con số binh sĩ Mỹ bị thiệt mạng (ở Iraq và Syria) lên tới hàng trăm, thậm chí hàng ngàn mỗi năm?
Cần phải hiểu rằng cuộc chiến chống IS chỉ đơn giản là giai đoạn mới nhất của chính sách can thiệp của Mỹ ở Trung Đông kéo dài nhiều thập kỷ qua.
Trong hàng chục năm, phe diều hâu ở Mỹ đã thúc giục tiến hành một cuộc tấn công quân sự để lật đổ Tổng thống Saddam Hussein và "giải quyết dứt điểm vấn đề một lần và vĩnh viễn”. Phe này đã đạt được mong muốn vào năm 2003. Tổng thống Saddam Hussein đã bị lật đổ và sau đó bị treo cổ, nhưng cuộc xâm lược này lại gây ra một loạt các vấn đề còn tồi tệ hơn.
Việc đánh bại cái gọi là Nhà nước Hồi giáo cũng có thể dẫn đến nhiều vấn đề tương tự. Đánh bại IS chắn chắn không phải là “thần dược chữa được bách bệnh” ở Trung Đông như những nhân vật tân bảo thủ ở Washington hằng mong đợi.