ASEAN đủ lực đối phó dã tâm Trung Quốc ở Biển Đông?

Google News

(Kiến Thức) - Trước Trung Quốc, các nước ASEAN đã có sự đoàn kết nhất định nhưng vẫn chưa đủ để đối mặt với dã tâm của Trung Quốc ở Biển Đông.

Kiến Thức giới thiệu bản lược dịch bài viết của tác giả Murray Hiebert, nghiên cứu viên cấp cao về Đông Nam Á tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế có trụ sở ở Washington, Mỹ.
Phản ứng và động thái của các nước ASEAN
Nhiều nước ASEAN đã im lặng trong quá trình Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 (HD981) tại vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Myanmar - nước chủ nhà của Hội nghị 10 nước ASEAN - tới ngày 11/5 mới đưa ra tuyên bố bày tỏ “mối lo ngại nghiêm trọng về những diễn biến ở Biển Đông”. Theo bản thông báo kể trên, các lãnh đạo ASEAN kêu gọi các bên kiềm chế và giải quyết tranh chấp hòa bình nhưng không nhắc đến Trung Quốc.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại hội nghị đã cảnh báo các lãnh đạo ASEAN về các hành động nguy hiểm của Trung Quốc đã trực tiếp gây nguy hiểm cho hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải trong khu vực.
Tổng thống Beningo Aquino III Philippines đã lên tiếng cảnh báo về việc Trung Quốc đang cải tạo đất ở Đá Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam), có thể để xây dựng một sân bay. Ngay trước khi cuộc họpcủa các lãng đạo ASEAN diễn ra, Cảnh sát biển Philippines đã bắt giữ ngư dân Trung Quốc với cáo buộc những ngư dân này đánh bắt rùa biển trái phép ở gần hòn đảo, mà Philippines tuyên bố chủ quyền.
Hội nghị Thượng đỉnh Asean tại Myanmar giữa tháng 5.
Các hành động của Việt Nam và Philippines cho thấy, 2 nước này đang tìm kiếm sự hỗ trợ từ các nước láng giềng, nhất là từ 2 nước Malaysia và Brunei vốn có những vùng chồng lấn trong chủ quyền lãnh thổ với Trung Quốc.
Các ngoại trưởng ASEAN cũng đưa ra thông báo riêng bày tỏ sự lo ngại về các diễn biến ở Biển Đông và kêu gọi đẩy nhanh việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên biển giữa Trung Quốc và ASEAN. Đây được coi là một bước tiến lớn của các nước Asean. Vì trước đó, năm 2012, các ngoại trưởng ASEAN đã không thể đưa ra tuyên bố chung về căng thẳng ở Biển Đông khi Campuchia là chủ tịch luân phiên của ASEAN, đã bất ngờ từ chối đưa vấn đề tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc vào tuyên bố chung. Nhiều nước ASEAN không muốn thách thức Trung Quốc vì nước này là đối tác thương mại lớn nhất của họ.
Ngoài ra, các điểm chính trong tuyên bố của các lãnh đạo ASEAN dường như đã được các bên đồng ý trước khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan vì không có lãnh đạo cao cấp nào của Thái Lan – đang trong cơn khủng hoảng chính trị kéo dài có thể đến tham dự cuộc họp cấp cao này.
Trong năm 2014, các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ còn nhiều dịp để lên tiếng về tính quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc. Vào đầu tháng 8/2014, các ngoại trưởng ASEAN sẽ có cuộc họp mở rộng với các ngoại trưởng Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Hàn Quốc và Australia tại Diễn đàn Khu vực ASEAN ở Myanmar. Trong tháng 11/2014, các nhà lãnh đạo cũng sẽ có hội nghị cấp cao Đông Á với Mỹ, Nhật và Ấn Độ. Các quan chức ASEAN nhận ra rằng, họ sẽ không phải dẫn đầu trong cuộc thảo luận với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông ở trong các cuộc họp kể trên.
Asean vẫn là bàn cờ của Mỹ và Trung Quốc?
Ngoại trưởng Singapore K. Shanmugan trong chuyến thăm tới Washington ngay sau cuộc họp ASEAN, đã lên tiếng phát biểu: “ASEAN muốn tạo ra bộ quy tắc ứng xử; cũng muốn giải quyết các vấn đề một cách hòa bình thông qua Luật Biển, các trọng tài và nhiều cách khác nhau thay vì đối đầu trực tiếp”. Tuy nhiên, vị quan chức này cũng cho biết: “Khả năng của ASEAN trong việc đối phó và làm giảm căng thẳng ở Biển Đông là không đáng kể”.
Mỹ đã có những phản ứng rất nhanh đối với các bước đi của Trung Quốc. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã có cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 12/5. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ sau đó cho biết, ông John Kerry đã gọi hành động hạ đặt giàn khoan của Trung Quốc ở vùng biển của Việt Nam là “khiêu khích”.
Nhiều nhà phân tích của Mỹ cho rằng, bước đi của Bắc Kinh trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là một tín hiệu cho Washington và các nước ASEAN thấy rằng, Trung Quốc đang kiểm tra quyết tâm của Mỹ trong việc tái cân bằng ở châu Á. “Trung Quốc đang nói với các nước láng giềng: Các bạn có chắc là các bạn muốn ký tên vào chiến lược tái cân bằng của Mỹ?”, một chuyên gia về Trung Quốc cho hay.
Phần lớn chiến lược của Washington tập trung vào việc xây dựng cộng đồng quốc tế để thách thức sự quyết đoán của Trung Quốc tại các diễn đàn như Hội nghị Cấp cao Đông Á hay Diễn đàn Khu vực ASEAN trong khi xây dựng mối quan hệ gần gũi với các nước ASEAN có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc như Philippines, Việt Nam và Malaysia.
Mỹ và một số nước ASEAN hi vọng rằng, việc tăng cường áp lực quốc tế lên Trung Quốc sẽ khiến nước này tuân thủ các bộ luật quốc tế như Luật Biển của Liên Hiệp Quốc. Manila từng nộp đơn thách thức tuyên bố chủ quyền 9 đoạn của Trung Quốc bằng cách yêu cầu một tòa án trọng tài về việc liệu đường 9 đoạn của Trung Quốc có đủ chỗ đứng pháp lý. Tuy nhiên, Trung Quốc đã từ chối tham dự phiên tòa. Các nhà quan sát cho rằng, Bắc Kinh có thể cảm thấy áp lực nếu nhiều nước khác – như Việt Nam cũng có những hành động tương tự.
Tuy nhiên, chính sách này của Mỹ và ASEAN sẽ không có tác dụng trong ngắn hạn. “Từ cái nhìn của Trung Quốc, họ không phải trả cái giá quá cao. Trong các cuộc thảo luận ở Bắc Kinh, tôi nhận ra rằng, Trung Quốc sẵn sàng chịu đựng một mức độ căng thẳng với các nước láng giềng khi khẳng định chủ quyền”, chuyên gia về các chính sách ngoại giao của Bắc Kinh Bonnie Glaser tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế cho hay.
Trung Quốc thừa nhận về việc nước này vẫn chưa thể đối mặt với Mỹ về mặt quân sự trong tương lai gần nhưng Trung Quốc biết mình có những lợi thế trước Mỹ trong mối quan hệ kinh tế với các nước láng giềng.
Ông Glaser cho biết, người Trung Quốc tin rằng, những lợi ích kinh tế mà các nước láng giềng nhận được từ Trung Quốc sẽ khiến cho khu vực này chấp nhận sự thống trị của Trung Quốc ở Biển Đông và một tuyên bố của các nước Asean bày tỏ “sự lo ngại sâu sắc” sẽ không thay đổi tính toán của Trung Quốc.
Ngô Trang

Bình luận(0)