Con tàu Trung Quốc đi về đâu?

Google News

(Kiến Thức) - Hội nghị toàn thể lần thứ 3 của BCH Trung ương ĐCS Trung Quốc khóa 18 dự kiến sẽ thông qua gói văn kiện mới cải cách lĩnh vực kinh tế-xã hội.

 Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Thời kỳ cầm quyền của các nhà lãnh đạo Trung Quốc thế hệ thứ 4 được đặc trưng bởi mong muốn san bằng tất cả các loại biến thể và mâu thuẫn trong phát triển kinh tế-xã hội. Các nhà chức trách đã tìm cách để làm giảm mức độ căng thẳng xã hội để xây dựng một “xã hội hài hòa”. Một số nhà khoa học chính trị thậm chí còn viết về một “hướng rẽ trái” vừa phải và thận trọng trong chính sách của Bắc Kinh. Ở cấp độ tượng trưng, hướng đi như vậy đã được ông Hồ Cẩm Đào công khai tuyên bố khi ông thực hiện hành động đầu tiên với tư cách là người lãnh đạo cao nhất. Đó là tới thăm một trong những “di tích cách mạng” - làng Xibaipo ở Hà Bắc.

 Bộ đôi lãnh đạo thế hệ thứ 4 Hồ Cẩm Đào-Ôn Gia Bảo.

Ngược lại, khi lên nắm quyền vào cuối năm 2012 đầu năm 2013, ông Tập Cận Bình noi gương “chuyến đi miền Nam” nổi tiếng năm 1992 của cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình. Khi đó, ông Đặng đã khởi động quá trình tự do hóa kinh tế sau “sự kiện Thiên An Môn” 1989. Sự sụp đổ của “mô hình Trùng Khánh” và sự nghiệp chính trị của Bạc Hy Lai trong năm qua là một cú đánh mạnh vào “lề trái” Trung Quốc.

Trong những tuần gần đây, các nhà khoa học chính trị không chỉ chứng kiến chiến dịch mới chống tham nhũng, chống thoái hóa đạo đức trong giới cán bộ công chức Trung Quốc mà còn thấy xu hướng kiểm soát nghiêm ngặt hơn trong lĩnh vực tư tưởng, “rút bài học kinh nghiệm từ sự sụp đổ của Đảng Cộng sản Liên Xô”.

Tuy nhiên, giới quan sát cũng nhận thấy một xu hướng khác diễn ra ở cấp chính quyền cao hơn, tạo điều kiện cho một giai đoạn mới “tự do hóa” lĩnh vực kinh tế. Tự do hóa tác động đến lĩnh vực tài chính nhà nước và lưu thông tiền tệ, quyền sử dụng đất, định giá lại các yếu tố sản xuất, thủ tục hành chính, hệ thống phân phối thu nhập, quản lý hộ khẩu và một số lĩnh vực khác.

Theo một số nguồn tin, trước thềm Hội nghị lần thứ 3 BCH Trung ương khóa 18, tài liệu cho các phòng ban và các cơ quan về cải cách trong các lĩnh vực này do một số nhóm chuyên gia cao cấp chuẩn bị. Công thức của ông Đặng về các bước táo bạo nhằm tự do hóa nền kinh tế trong khi bảo tồn hệ thống chính trị có thể là một thương hiệu đặc trưng của thời kỳ Tập Cận Bình-Lý Khắc Cường.

Tự do hóa kinh tế trong khi bảo tồn hệ thống chính trị có thể là một thương hiệu đặc trưng của thời kỳ Tập Cận Bình-Lý Khắc Cường.

Tuy nhiên, cũng phải lưu ý rằng Trung Quốc hiện nay đã khác xa thời Đặng Tiểu Bình. Sự xuất hiện của Internet, các mạng xã hội, sự hình thành tầng lớp trung lưu đã khiến cho xã hội Trung Quốc thay đổi. Từ lâu, xã hội Trung Quốc đã “nói không” với khẩu hiệu nổi tiếng “Đừng thảo luận” của Đặng Tiểu Bình. Vì vậy, ngoài việc dựa trên chiến lược cải cách của ông Đặng, thế hệ lãnh đạo mới ở Bắc Kinh sẽ phải tìm các phương pháp mới nhằm bảo vệ ổn định chính trị trong khi thúc đẩy cải cách ở Trung Quốc.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:



Văn Bình (theo VOR)

Bình luận(0)