Tiết lộ “gây sốc” của Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La

Google News

(Kiến Thức) – Quan chức Trung Quốc đã "gây sốc" tại Shangri-La, khi thừa nhận tàu do thám nước này từng "một vài lần" xâm nhập vùng biển đặc quyền kinh tế của Mỹ.
 

 

Trung Quốc thừa nhận đã do thám trong EEZ của Mỹ

Trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã chỉ trích các hoạt động giám sát của tàu hải quân Mỹ trong vùng biển đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Bây giờ Trung Quốc đã bắt đầu, làm điều tương tự đối với Guam và Hawaii.

Điều này đã được tiết lộ vào ngày 1/6/2013 tại phiên họp về an ninh hàng hải của Đối thoại Shangri-La, một diễn dàn quốc phòng chính thức hàng đầu của châu Á.

Từ lâu, Bắc Kinh vốn luôn phản đối sự hiện diện của tàu khảo sát và máy bay Mỹ ngoài khơi bờ biển Trung Quốc. Trung Quốc coi đó là hành động bất lợi đối với lợi ích quốc gia, lo ngại người Mỹ thu thập dữ liệu về các hoạt động quân sự của Trung Quốc và nhiều thông tin tình báo khác. Có lẽ, Trung Quốc cũng cảm thấy sự hiện diện liên tục của Mỹ ở ngoài khơi bờ biển nước này là xúc phạm đến niềm tự hào dân tộc, một sự khơi gợi lại lịch sử tủi nhục bị các cường quốc chèn ép trong quá khứ.

Trung Quốc cảm thấy sự hiện diện liên tục của Mỹ ở ngoài khơi bờ biển nước này là xúc phạm đến niềm tự hào dân tộc. Trong ảnh tàu USNS Impeccable của Mỹ từng ở Biển Đông.

Chính vì vậy mà người ta cảm thấy bất ngờ khi nghe một sĩ quan quân đội Trung Quốc tiết lộ trong một cuộc thảo luận mở tại phiên họp an ninh hàng hải của Đối thoại Shangri-La ngày 1/6 rằng Trung Quốc đã “nghĩ lại” bằng cách “cử tàu và máy bay đến vùng biển đặc quyền kinh tế (EEZ) của Mỹ”. Sau đó, quan chức này còn đã đi xa hơn và tuyên bố rằng Trung Quốc đã “một vài lần” tiến vào EEZ của Mỹ.

Phía Mỹ không hề bị bất ngờ

Tuyên bố này quả là gây chấn động bởi vì đây là lần đầu tiên Trung Quốc xác nhận những gì mà Lầu Năm Góc tuyên bố hồi tháng trước trong báo cáo hàng năm về sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Trong báo cáo này, có đoạn viết: “Hải quân Trung Quốc đã bắt đầu tiến hành hoạt động quân sự trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các quốc gia khác, mà không có sự cho phép của các quốc gia đó. Đáng chú ý, trong năm qua, Hải quân Trung Quốc đã hoạt động một số lần trong vùng EEZ xung quanh Guam và Hawaii ... Trong khi Mỹ coi các hoạt động hải quân Trung Quốc trong vùng này là hợp pháp, nhưng nhiều nhiều thập niên qua, Trung Quốc lại cho rằng các hoạt động quân sự nước ngoài tương tự trong vùng EEZ của Trung Quốc là bất hợp pháp”.

Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Samuel Locklear - người cũng có mặt khi quan chức quân đội Trung Quốc tiết lộ thông tin “gây sốc” nói trên -  đã khẳng định với giới truyền thông rằng các hoạt động như vậy của Trung Quốc đang xảy ra.

UNCLOS cản trở tham vọng bành trướng của Trung Quốc

Vì sao tiết lộ “xâm nhập EEZ Mỹ” này lại có ý nghĩa quan trọng về chiến lược và ngoại giao?

Có một số lý do. Thứ nhất, có dấu hiệu cho thấy việc tôn trọng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) không phải là lợi ích lâu dài của Trung Quốc. UNCLOS nói rằng tự do hàng hải không bao gồm quyền tiến hành do thám trong EEZ của nước khác. Trong khi đó, hầu hết các nước (trong đó có Mỹ) coi do thám là một hoạt động hòa bình được UNCLOS cho phép về nguyên tắc. (Phía Mỹ chỉ thừa nhận hoạt thu thập thông tin tình báo trong phạm vi lãnh hải 12 hải lý của các quốc gia khác là không hợp pháp).

Khi lợi ích kinh tế-chiến lược và năng lực hải quân của Trung Quốc vươn xa khỏi những vùng biển gần, một số nhân vật hoạch định chính sách an ninh ở Bắc Kinh cho rằng Trung Quốc có quyền hợp pháp về  thu thập thông tin tình báo trong EEZ của các nước khác. Suy cho cùng, nếu vẫn tiếp tục chính sách cũ, hải quân Trung Quốc sẽ bị cấm hoạt động ở gần 1/3 tổng diện tích của các đại dương trên thế giới, ít ra về khía cạnh pháp lý.

Sự cố như sự quấy rối của tàu USNS Impeccable ở Biển Đông trong năm 2009 đã phản tác dụng và thúc đẩy người Mỹ quay trở lại vùng biển huyết mạch này. Có thể suy đoán rằng Trung Quốc hiện thừa nhận chiến dịch quấy rối nói trên đã thất bại và cần phải thử một chiến thuật mới.

Điều này cũng có thể lý giải vì sao mà trong vài năm gần đây, Trung Quốc ít đụng chạm với tàu và máy bay Mỹ - những sự cố có thể leo thang đối đầu, thậm chí xung đột. Thông qua việc chấp nhận Trung Quốc do thám EEZ của mình, Mỹ cho rằng hành động do thám lẫn nhau “có đi có lại” là chuyện bình thường và không làm gia tăng nguy cơ chiến tranh.

Tất cả điều này cũng có thể góp phần giải thích vì sao mà các cuộc đàm phán giảm thiểu nguy cơ hàng hải và các cuộc đối thoại quân sự Trung-Mỹ đang tiến triển.

 Tin chẳng lành đối với các nước láng giềng của Trung Quốc ven Biển Đông.

Thật trớ trêu, việc Trung Quốc bắt đầu dùng tàu gián điệp do thám Guam lại là “tin tốt” đối với Mỹ. Có một điều chắc chắn, đó là tin chẳng lành đối với các nước ven Biển Đông, khi tàu do thám Trung Quốc ngang nhiên hoạt động trong các EEZ của họ.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:



Lê Chân (theo The Diplomat)

Bình luận(0)