Chủ nghĩa tư bản đang hiện hình ở Triều Tiên

Google News

(Kiến Thức) - Bất chấp việc CHDCND Triều Tiên vẫn chính thức tuyên bố là nước xã hội chủ nghĩa, ở nước này đã có sự phát triển đáng kể của kinh tế tư nhân.


 Nhà lãnh đạo Kim Jong-un biểu quyết  ủng hộ nhà cải cách Pak Pong-ju làm Thủ tướng CHDCND Triều Tiên.

Tại miền Bắc Triều Tiên đương đại, ranh giới giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước những năm gần đây ngày càng trở nên mờ nhạt. Rất nhiều xí nghiệp trên giấy tờ công khai ghi là cơ sở quốc doanh, nhưng trên thực tế thuộc sở hữu của các cá nhân. Đặc biệt điển hình là các công ty ngoại thương. Kể từ cuối những năm 1970,  các cơ quan chính phủ Triều Tiên, các tập đoàn lớn và thậm chí cả các đơn vị quân đội đã được quyền thành lập công ty ngoại thương của mình.

Không ít công ty ngoại thương được các cơ quan mà về nguyên tắc không hề làm ra sản phẩm thành lập. Thí dụ như công ty ngoại thương thuộc Cơ quan quản lý đường bộ của Bộ Tổng tham mưu Quân đội Bắc Triều Tiên hay công ty thuộc Cục tình báo quân sự. Đương nhiên là tình báo quân sự sẽ không buôn súng ám sát dạng cây bút viết hoặc những thiết bị gián điệp tinh vi khác, mà chuyên doanh những vật dụng rất thiết thực phục vụ đời sống hàng ngày.

Thông thường, các công ty ngoại thương Triều Tiên được cấp phép xuất khẩu một số mặt hàng cụ thể, sản xuất tại khu vực nhất định. Thí dụ, một công ty có thể nhận quyền ưu tiên xuất khẩu nấm linh chi, trồng ở một số huyện của tỉnh này hay tỉnh khác hoặc xuất khẩu than đá.

Tuy nhiên, đã qua rồi cái thời chính quyền có thể ra lệnh cho nông dân địa phương dẹp hết chuyện đồng áng lên núi hái nấm hoặc đưa tàu đánh cá ra biển câu mực và cá mối dành cho xuất khẩu. Trong thời đại ngày nay, để có được sản phẩm xuất khẩu, người ta cần phải trả mức giá hợp lý. Thông thường, các đại diện của công ty được hưởng chế độ xuất khẩu mặt hàng nào đó sẽ tiến hành đàm phán với đại lý là nhà doanh nghiệp địa phương đã khôn ngoan tích lũy được khối tài sản sung túc trong nền kinh tế ngầm. Đại lý này sẽ trở thành nhà đầu tư chính của công ty ngoại thương, mặc dù trên giấy tờ chính thức ông ta chỉ được coi là một trong những nhân viên công ty.

Với khoản tiền của nhà đầu tư, nhà đầu tư sẽ tiến hành thu mua hàng - nấm linh chi hay các loại thảo dược chẳng hạn. Nhà đầu tư cũng có thể thương lượng về việc xuất khẩu sang Trung Quốc. Kết thúc thương vụ, nhà đầu tư nộp vào ngân sách nhà nước số tiền theo mức đã thỏa thuận từ trước, còn tất cả số lãi thì ông ta được quyền bỏ túi.

Theo sơ đồ như vậy, người ta có thể thành lập cả những doanh nghiệp tư nhân cỡ lớn ở Bắc Triều Tiên như công ty khai thác than hay khai thác vàng. Về hình thức bên ngoài mỏ than hay mỏ vàng đó được xem là sở hữu của công ty ngoại thương Triều Tiên, nhưng trên thực tế nó là tài sản của một nhà doanh nghiệp tư nhân địa phương thuộc hàng giàu có.

 Nhà lãnh đạo Kim Jong-un cùng vợ tham một công viên giải trí ở Bình Nhưỡng.

Sơ đồ biến tướng kỳ quặc của doanh nghiệp nhà nước và tư nhân Triều Tiên hết sức không ổn định, nhưng lại phát huy tác dụng trong môi trường hiện nay. Dù thế nào chăng nữa, khối lượng xuất khẩu của Triều Tiên những năm gần đây đã phát triển một cách ổn định. Chẳng cần nghi ngờ gì, trong sự tăng trưởng này của ngoại thương Triều Tiên có vai trò không kém quan trọng của những nguồn vốn tư nhân bán hợp pháp. Khởi đầu với những cửa hiệu nhỏ và xưởng giày, các doanh nhân Triều Tiên đang vươn lên học cách kiểm soát những mỏ vàng chẳng kém gì các nhà tư bản thực thụ.



Văn Bình (theo VOR)

Bình luận(0)