Trong bài viết đăng trên trang mạng Asia Times ngày 11/8, nhà phân tích David Goldman cho rằng cuộc khủng hoảng Triều Tiên đang mang lại cho Tổng thống Mỹ Donald Trump cơ hội tốt để hồi sinh chương trình phòng thủ chiến lược SDI (“Chiến tranh giữa các vì sao”) dưới thời Ronald Reagan. Hiện có một số lựa chọn đầy hứa hẹn mà Mỹ có thể triển khai trước khi CHDCND Triều Tiên chế tạo được tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mang đầu đạn hạt nhân đáng tin cậy.
Trước đó ngày 5/8, cựu quan chức Lầu Năm Góc Stephen Bryen lập luận rằng Hệ thống phòng thủ tên lửa Arrow của Israel có thể bảo vệ Nhật Bản chống lại một cuộc tấn công tên lửa của Triều Tiên tốt hơn Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) mà Mỹ đang triển khai ở Hàn Quốc.
|
Nguyên lý hoạt động của Hệ thống phòng thủ tên lửa Arrow (Israel). (Nguồn: Defense Industry Daily) |
Ông Bryen nhận xét: “Arrow 3 là hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo duy nhất đã bắn hạ tên lửa của đối phương cách bệ phóng hàng trăm dặm”. Không giống như THAAD đòi hỏi tên lửa đánh chặn phải trực tiếp đâm trúng tên lửa đối phương, tên lửa đánh chặn của Arrow 3 sẽ phát nổ khi đến gần mục tiêu cần tiêu diệt.
Angelo Codevilla - một trong những chiến lược gia góp phần soạn thảo đề án “Chiến tranh giữa các vì sao” (SDI) của cố Tổng thống Mỹ Ronald Reagan - lập luận rằng Lầu Năm Góc nên xây dựng một lá chắn tên lửa toàn diện có thể bảo vệ được các nước đồng minh như Nhật Bản, Hàn Quốc và bản thân nước Mỹ. Ông Codevilla cho rằng cần phải hồi sinh công nghệ chống tên lửa trong vũ trụ từng bị biến mất dưới thời cựu Tổng thống Bill Clinton. Theo ông, điều này mang lại nhiều lợi ích chiến lược và giúp “thay đổi cuộc chơi”.
|
Dự án "Chiến tranh giữa các vì sao" dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Reagan. (Nguồn: Weapons and Warfare) |
Trong thời gian qua, Mỹ đã ưu tiên các hệ thống phòng thủ tên lửa chiến thuật (THAAD và Patriot) hơn phòng thủ chiến lược. Các hệ thống này không thể chống đỡ hữu hiệu các cuộc tấn công bằng tên lửa ICBM của Nga hoặc Trung Quốc. Nếu theo đuổi Hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược như SDI, Mỹ sẽ vấp phải phản ứng của Moscow và Bắc Kinh, còn dữ dội hơn sự phản đối Mỹ triển khai THAAD ở Hàn Quốc .
Tuy nhiên theo ông Goldman, chính quyền của Tổng thống Donald Trump giờ đây có thể nói với Trung Quốc: "Chúng tôi đã cho quí vị cơ hội nói chuyện với đồng minh Bắc Triều Tiên và quí vị đã không làm như vậy. Bây giờ chúng tôi phải có những biện pháp để tự vệ và các bảo vệ đồng minh của chúng tôi”.
Chương trình phòng thủ tên lửa chiến lược như SDI sẽ có hai lợi ích phụ, trong đó mỗi lợi ích đều quan trọng hơn nhiều so với việc thuần túy đối phó với tên lửa Triều Tiên.
Thứ nhất, nó sẽ đánh thức động cơ đổi mới khoa học ở Mỹ vốn bị đe dọa nghiêm trọng bởi những tiến bộ công nghệ quốc phòng mà Nga và Trung Quốc đạt được trong thời gian qua. Phục hồi ưu thế công nghệ tuyệt đối của Mỹ sẽ khiến cho Moscow và Bắc Kinh hành động hợp lý hơn trong các vấn đề tranh cãi khác trên thế giới.
Thứ hai, nó sẽ tạo ra một động lực thúc đẩy năng suất lao động, có thể giúp đảo ngược đà suy giảm hiện nay ở nước Mỹ. Hầu như tất cả các công nghệ tạo ra nền kinh tế hiện đại - từ các mạch tích hợp đến các cảm biến, màn hình LED, màn hình phẳng, mạng quang học và Internet – đều xuất hiện từ những yêu cầu công nghệ của Chiến tranh Lạnh.
Nhà phân tích David Goldman kết luận: Cuộc khủng hoảng Triều Tiên cung cấp cho Nhà Trắng một “cơ hội vàng” để thúc đẩy đồng thời sự chủ động chiến lược và phát triển kinh tế. Nếu Lầu Năm Góc tạo ra được các thế hệ tiếp theo của công nghệ trong phòng thủ tên lửa, điều này cũng là động lực mạnh mẽ thúc đẩy kinh tế Mỹ có bước tiến vượt bậc.