Theo nhật báo Pháp Le Figaro, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un “đang đùa với lửa”, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Ngoài phản ứng dữ dội của cộng đồng quốc tế, vụ thử hạt nhân dưới lòng đất vào ngày 6/1 có thể đánh thức núi lửa trên dãy núi Trường Bạch (Paektu).
|
Tên lửa tầm xa của Triều Tiên trong lễ duyệt binh ở Bình Nhưỡng. |
Các vụ thử tên lửa-hạt nhân của Triều Tiên từ đầu năm 2016 hoàn toàn đi ngược với các nghị quyết của Liên Hợp Quốc. Triều Tiên lại ở vị thế đối đầu với các cường quốc, đứng đầu là Trung Quốc và Mỹ hiện vẫn đang bất lực trước “lãnh tụ tối cao” mới 33 tuổi của Triều Tiên.
Vậy nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un còn có thể đi tới đâu? Và liệu ông có thực sự đe dọa an ninh trong khu vực Đông Bắc Á hay không?
Theo tác giả bài viết đăng trên báo Le Figaro, Bình Nhưỡng đang gây ra ba mối đe dọa chính: đe dọa hạt nhân, đe dọa tên lửa đạn đạo và đe dọa xảy ra một cuộc xung đột với Hàn Quốc, Mỹ.
Đe dọa hạt nhân và tên lửa đạn đạo
Để tiếp nối con đường của cha ông, nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un củng cố quyền lực lãnh đạo bằng chương trình nguyên tử.
Trên thực tế, ông Kim Jong-un còn tỏ ra “hơn cha”, dù không có tài ngoại giao. Cố lãnh đạo Kim Jong-il biết dùng chương trình nguyên tử làm “công cụ mặc cả” với chính quyền của Tổng thống Georges W. Bush. Ngược lại, nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un muốn phát triển một kho vũ khí hạt nhân thật sự, có khả năng đe dọa nước Mỹ. Nhà lãnh đạo này có đầy đủ điều kiện cần thiết để thực hiện chương trình tên lửa-hạt nhân, nhờ trình độ công nghệ của các nhà khoa học và quân sự Triều Tiên và đặc biệt là ngân sách dành cho quốc phòng chiếm tới 23,8% GDP của đất nước.
Nguy cơ xung đột với Hàn Quốc và Mỹ
Liệu Triều Tiên có thể tấn công tới lãnh thổ Mỹ? Theo báo cáo được đại học Johns-Hopkins tại Washington công bố, Bình Nhưỡng có khoảng 10 đến 15 bom nguyên tử tính tới cuối năm 2014 và có tham vọng nhân lên thành 20 đến 100 quả bom vào năm 2020. Vì vậy, Triều Tiên tái khởi động chương trình làm giàu uranium tại khu vực Yongbyon. Sau nhiều lần thử nghiệm, Bình Nhưỡng quả quyết rằng Triều Tiên đã có đủ khả năng tấn công tới lãnh thổ Mỹ. Trên lý thuyết, tên lửa của Triều Tiên có thể đánh phá các căn cứ trên đảo Guam, thậm chí ở tiểu bang Alaska của Mỹ.
Bình Nhưỡng cũng khẳng định đã thu nhỏ được đầu đạn hạt nhân. Theo nhận định của ông Daniel Pinkston, thuộc International Crisis Group, thông tin này là “không kiểm chứng” nhưng hoàn toàn “có thể”. Chắc chắn, Bình Nhưỡng sẽ còn tiến hành nhiều vụ phóng vệ tinh khác và sẽ còn gây thêm căng thẳng.
Bài viết đăng trên Le Figaro kết luận: Mặc dù khó có thể tấn công lãnh thổ Mỹ, song chương trình phát triển tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng hoàn toàn có nguy cơ đe dọa hòa bình và ổn định địa chiến lược trong khu vực Đông Bắc Á.