Gần đây Bắc Kinh đã chịu nhiều chỉ trích vì “cái tội” vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm1982 mà Trung Quốc đã phê chuẩn năm 1996.
“Đường lưỡi bò” trái ngược UNCLOS
Các bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông khác và các nước ủng hộ họ tố cáo rằng bản đồ “đường chín đoạn” của Trung Quốc là trái ngược với các điều ước quốc tế, đặc biệt là UNCLOS.
Với sự hỗ trợ ngầm của Mỹ, Philippines đã đệ đơn kiện Trung Quốc lên Tòa án Quốc tế về Luật Biển được UNCLOS thiết lập. Tuy nhiên, Trung Quốc đã từ chối tham gia hầu kiện và đang tiến hành chiến dịch tuyên truyền chống lại vụ khiếu kiện này.
Trong khi đó, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ vừa thông qua một nghị quyết lên án hành vi của Trung Quốc trong các vùng biển Châu Á, hành vi mà Trung Quốc coi là bảo vệ tuyên bố chủ quyền của nước này.
Trong khi đó, các nước tranh chấp - cũng như Mỹ và các cường quốc phương Tây - đã chỉ trích một số hành động của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) rộng 200 hải lý của họ là vi phạm tự do hàng hải.
Nhật Bản cũng tuyên bố việc Trung Quốc vẽ đường cơ sở xung quanh quần đảo Senkaku đang tranh chấp (Trung Quốc gọi là quần đảo Điếu Ngư) ở Biển Hoa Đông là bất hợp pháp.
Một số nhà phân tích chính trị ở Trung Quốc, đặc biệt giới tướng lĩnh diều hâu, đang đặt câu hỏi tại sao Trung Quốc lại ký kết UNCLOS? Rất có thể, Trung Quốc từng nghĩ rằng nước này có thể qua mặt UNCLOS bằng đàm phán trực tiếp để giải quyết tranh chấp biển đảo.
Mỹ “vẽ đường cho hươu chạy”?
Nước chỉ trích Trung Quốc kịch liệt nhất lại là nước Mỹ. Trớ trêu thay, Mỹ lại không nằm trong số 164 quốc gia trên thế giới phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982. Thế nhưng, Washington đã lợi dụng UNCLOS để chỉ trích Trung Quốc và triệt để khai thác những điểm có lợi cho phía Mỹ. Vô hình chung, Mỹ đã “vẽ đường cho hươu chạy” và gợi ý cho Trung Quốc cung cách thoát khỏi tình thế khó xử hiện nay.
Trung Quốc có thể tạm thời rút khỏi UNCLOS. Hành động tạm thời rút khỏi UNCLOS sẽ có hiệu lực trong vòng 1 năm kể từ khi chính thức thông báo và Trung Quốc vẫn sẽ nằm trong thẩm quyền quyết định của tòa án trong vụ kiện của Philippines chống lại nước này.
Việc rút khỏi UNCLOS sẽ mang lại những hậu quả chính trị nghiêm trọng cho Trung Quốc. Rút khỏi UNCLOS, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với làn sóng chỉ trích của phương Tây và phần còn lại của Châu Á. Thậm chí, hành động này sẽ reo rắc sợ hãi và bất ổn trong khu vực, khiến cho nhiều nước ngả về phía Mỹ - nước đang thực hiện chính sách “xoay trục”, “tái cân bằng” ở Châu Á.
Hơn nữa, Trung Quốc sẽ mất đi lợi thế tuyên truyền rằng nước này tôn trọng các điều ước quốc tế hơn cả Mỹ.
Ngoài vòng cương tỏa
Tuy nhiên, việc rút khỏi UNCLOS cũng mang lại cho Trung Quốc nhiều lợi thế. Giống như Mỹ, Trung Quốc sẽ được tự do “lựa chọn” các điều khoản của UNCLOS có lợi cho nước này mà không bị ràng buộc bởi các điều khoản bị cho là bất lợi khác. Hơn nữa, thông qua việc rút khỏi UNCLOS, Trung Quốc có thể từ chối tuân thủ phán quyết của Tòa án Quốc tế về Luật Biển và tránh được những hậu quả chính trị không mong muốn.
Việc Trung Quốc rút khỏi UNCLOS sẽ làm suy yếu uy tín và thẩm quyền của tòa án và luật pháp quốc tế nói chung.
Đáng tiếc là các cường quốc trên thế giới vốn có truyền thống hoặc không tuân thủ luật pháp quốc tế hiện hành, hoặc tìm cách thông qua những luật lệ mới bảo vệ quyền lợi của họ. Trong số các nước này có Mỹ, cường quốc kinh tế-quân sự số 1 thế giới.
Mỹ đã từ chối tham gia Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và Tòa án Hình sự Quốc tế để có quyền “tự do” can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác và tạo ra nhiều tiền lệ xấu.
Mỹ và các đồng minh Châu Á cần phải thận trọng, tránh buộc Trung Quốc làm cái điều mà họ thực sự sợ nhất: đó là một cường quốc thế giới sử dựng “sức mạnh” thay vì “lẽ phải” trong quan hệ quốc tế.