Còn lâu mới đến “Thế kỷ Châu Á”

Google News

Nhiều người kỳ vọng vào sự trỗi dậy của Châu Á, nhưng lại quên mất rằng sự trỗi dậy này chỉ xuất hiện trong hòa bình và ổn định chính trị. 


 

Nhà phân tích Barry Desker - Trưởng khoa Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) thuộc Đại học Công nghệ Nanyang - cảnh báo rằng “Thế kỉ Châu Á” sẽ không chỉ có “bánh mì và hoa hồng” mà thay vào đó, nhiều thách thức mới đang nổi lên trong bối cảnh khu vực này tìm cách tạo dựng chỗ đứng của mình trong một trật tự thế giới đang thay đổi.

Nếu châu Á hướng đến một thời kỳ xung đột và bất ổn với căng thẳng gia tăng tại Biển Đông và Biển Hoa Đông hay nguy cơ xung đột hạt nhân, chắc chắn các nguồn lực sẽ được dành để tăng sức mạnh quốc phòng còn các nhà đầu tư trong và ngoài nước trở nên thối chí. Những tiến bộ trong mở rộng kinh tế khu vực và hợp tác chính trị nhiều khả năng sẽ bị chậm lại. Với những nguy cơ như vậy, một mạng lưới đan xen của các thỏa thuận khu vực và song phương đã và đang được thúc đẩy để giảm thiểu nguy cơ xung đột đồng thời tăng cường những lợi ích chung.

Cùng lúc đó, yếu tố đố kị - một trong những nguồn gốc bất ổn xã hội - cũng không nên bị loại trừ. Tốc độ tăng trưởng tại mỗi nước là không cân bằng. Tăng trưởng của Trung Quốc chủ yếu tập trung ở khu vực duyên hải vốn được hưởng lợi từ chính sách coi trọng xuất khẩu, với nhiều đặc khu kinh tế được thiết lập và nhận nguồn đầu tư khổng lồ từ trong và ngoài nước. Trong khi đó, các tỉnh nội địa tụt lại phía sau do nguồn lao động tại đây bỏ đi tìm kiếm cơ hội kinh tế tại các thành phố duyên hải.

Tại những quốc gia như Afghanistan, Myanmar và Nepal, khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn. Xung đột nội bộ và bạo lực chính trị là một vòng tuần hoàn bế tắc. Thậm chí, những xã hội như Singapore hay Hong Kong cũng bộc lộ tình trạng bất bình đẳng thu nhập ngày càng tăng. Bất bình đẳng xã hội gia tăng trong những xã hội thay đổi nhanh chóng như vậy đang dẫn đến nguy cơ biến động nội bộ.

Dù Trung Quốc có vượt qua Mỹ về GDP trong thập kỷ tới, song Mỹ vẫn sẽ tiếp tục là cường quốc quân sự mạnh nhất. Quyền lực mềm của Mỹ và phương Tây cũng đang bị đánh giá thấp. Tiếng Anh ngày càng được sử dụng nhiều, dù là trong thương mại hay chính trị quốc tế. Thậm chí các tổ chức khu vực như ASEAN cũng sử dụng ngôn ngữ chung là tiếng Anh.

Trong khi quyền lực cứng của châu Á đang gia tăng, đặc biệt là kinh tế, phương Tây vẫn có thể dễ dàng định hình khuôn khổ nghị sự toàn cầu. Các thể chế quốc tế lớn vẫn sẽ do phương Tây nắm giữ. Vị thế của châu Á sẽ chỉ tăng chậm chạp ở Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Sẽ có rất ít tiến triển trong việc tái cấu trúc HĐBA LHQ, như việc bổ sung Nhật Bản và Ấn Độ làm ủy viên thường trực, bởi sự bế tắc giữa các thành viên khác. Chính Trung Quốc cũng không muốn mở rộng HĐBA LHQ.

Về kinh tế, các cuộc thương thảo hiện tại về một Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) phản ánh lợi ích của Mỹ trong việc đảm bảo các thị trường mở trong khu vực phù hợp với nước này như đầu tư, chính sách cạnh tranh, tiêu chuẩn lao động, chi tiêu chính phủ và quyền sở hữu tài sản trí tuệ.

Cùng lúc đó, Mỹ ngăn chặn sự tiến triển đối với các vấn đề như tiếp cận không hạn chế trong may mặc hay chấm dứt trợ giá nông nghiệp. Dù Nhật Bản tuyên bố quan tâm đến việc tham gia đàm phán, còn Trung Quốc cũng phát đi nhiều tín hiệu tích cực vài tuần qua, vẫn rất khó có khả năng hai nước này sẽ gia nhập TPP trừ phi các gói điều kiện được xem xét lại và lợi ích của họ được tính đến.

Trong thập kỉ tới, tình hình môi trường ở Châu Á sẽ trở nên ngày càng tồi tệ. Vấn đề nhân khẩu học sẽ là một thách thức. Tại Nam Á, tốc độ tăng trưởng dân số cao tiếp diễn sẽ tạo ra một dân số trẻ, tương phản với Trung Quốc - nơi chính sách một con làm già hóa dân số. Căng thẳng tiếp diễn tại Ấn Độ, Pakistan, và Afghanistan làm gia tăng cảm giác bất ổn trong khu vực, khiến chi tiêu quân sự tăng và nêu bật nguy cơ xung đột tại tiểu lục địa Nam Á.

Với Trung Quốc, dù hình ảnh cường quốc mới nổi của họ có thể sẽ dẫn đến chính sách ngoại giao tự tin hơn, song áp lực dân số sẽ buộc họ phải có chính sách an ninh cẩn trọng hơn. Khi người Trung Quốc già đi, số thanh niên tham gia lực lượng lao động giảm sút, cùng với đó là lực lượng quân nhân. Dù các nhà hoạch định chính sách tại Trung Quốc đang nhận thức được xu thế này, song sẽ rất khó để thay đổi tư duy, đặc biệt ở nữ giới, những người đã được giải phóng khỏi các công việc nội trợ thường nhật.

Kể từ khi Đặng Tiểu Bình tiến hành cải cách trong thập niên 1980, Trung Quốc nổi lên nhanh chóng như là nền kinh tế thu nhập trung bình. Song, khi họ thúc đẩy chuỗi giá trị sản xuất công nghiệp, thách thức sẽ xuất hiện, đòi hỏi họ phải đổi mới, phải thúc đẩy sự phát triển những ứng dụng mới của công nghệ hiện hành cũng như dẫn đầu trong những lĩnh vực công nghệ đang nổi như nghiên cứu tế bào gốc, công nghệ nano và công nghệ sạch.

Đi tắt đón đầu có thể thực hiện được với những công ty công nghệ hàng đầu ở phương Tây, đặc biệt khi cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay khiến họ thiếu vốn nghiêm trọng. Tuy nhiên, nó có thể dẫn đến việc nhiều nước viện đến luật an ninh quốc gia để ngăn chặn khả năng “chảy máu chất xám” và thu mua các công ty công nghệ cao của Trung Quốc, đặc biệt tại Mỹ.

Dù ít người nghi ngờ rằng các cường quốc Châu Á sẽ một lần nữa tìm cách tạo dựng ảnh hưởng lớn trên trường quốc tế, họ vẫn cần phải thận trọng. Không chỉ bởi sẽ có sự phản kháng từ phương Tây trong quá trình chuyển giao quyền lực, mà còn ngay cả các nước Châu Á yếu hơn cũng sẽ cảnh giác với các cường quốc mới nổi này và ảnh hưởng thống trị của họ với khu vực.

Các nước láng giềng của Trung Quốc sẽ bị đẩy theo theo hai hướng: tiến gần hơn với Trung Quốc về kinh tế, song coi Mỹ hoặc nước khác là đối tác an ninh.


Theo Báo Tin tức

Bình luận(0)