Phượt cùng “xế điếc” ngại gì không thử

Google News

(Kiến Thức) - Phượt bằng "xế điếc" hiện nay ngày càng trở nên quen thuộc đối với những bạn trẻ đam mê phượt bởi tính thử thách của nó.

Trò chuyện với Đặng Xuân Trường, admin page “Hội những người đam mê phượt xe đạp”, chàng trai có vóc dáng nhỏ con nhưng khát khao chinh phục những chặng đường rất mãnh liệt để biết thêm về hành trình xanh của những phượt thủ ưa thích sự mới lạ.

Đặng Xuân Trường, học sinh lớp 12 Trường Marie Cuire, Hà Nội, có kinh nghiệm phượt được 3 năm và chủ yếu phượt bằng xe đạp. Chàng trai hiện là trưởng nhóm một nhóm phượt “xế điếc” tại Hà nội.
 Đặng Xuân Trường (áo đen, thứ hai từ bên trái sang) cùng các bạn phượt trong một lần chinh phục các cung đường. 

Chia sẻ về những địa điểm thích hợp dành cho dân phượt bằng xe đạp, Trường nói: “Có ba nơi mình thấy ưng ý nhất đó là Đại Lải (Vĩnh Phúc), Hòa Bình và Tây Yên Tử (Quảng Ninh), nhưng thử thách nhất đối với nhóm mình là Tây Yên Tử và đền Gióng (HN)”.

Theo Trường, chặng đường từ Hà Nội tới đền Gióng tuy không xa nhưng khi đến nơi thì có 2 con đường dẫn lên đền, lựa chọn đầu tiên là cầu thang dành cho những người đi bộ và lựa chọn thứ hai là con đường dốc ngoằn ngoèo dành cho các phương tiện đi lên. Nếu di chuyển bằng các phương tiện có động cơ khác thì sẽ chẳng có gì để nói. Nhưng để đạp xe lên lại là cả một vấn đề vì quãng đường có độ dốc lớn, có chỗ dốc khoảng 10% và nhiều góc cua, bên đường là vực sâu và không có rào chắn. Kinh nghiệm là leo dốc theo hình chữ Z sẽ đỡ mất sức hơn.
 Con đường lên đền Gióng dốc nối dốc đòi hỏi thử thách cao.
Còn về Tây Yên Tử, rất đẹp, rất hùng vĩ và độ cao cũng lớn, thử thách những phượt thủ can đảm. Để khám phá được hết dãy Yên Tử, nhóm của Trường đã tiêu tốn khá nhiều thời gian và sức lực, nhưng những gì lĩnh hội được lại cực kỳ xứng đáng, bởi không chỉ có cảnh quan đẹp đến động lòng mà dường như cảnh vật, con người nơi đây cũng giàu tín ngưỡng, phủ một tầng thanh sạch của Phật giáo. Còn nếu nhẹ nhàng hơn, thì Thung Nai, Hòa Bình cũng là một điểm đến lý tưởng cho những bạn muốn trải nghiệm một cung đường ít thử thách hơn. Trường cũng không quên nhắn nhủ những bạn mới bắt đầu phượt bằng xe đạp có thể lựa chọn các địa điểm như Đường Lâm, chùa Thầy, Bát Tràng, xa hơn một chút là Bắc Ninh tham quan Đền Đô, chùa Phật Tích…
Những cung đường đẹp và hùng vĩ sẽ hiện ra trước mắt, để bạn từ từ thưởng thức nếu phượt bằng xe đạp. 

Khi được hỏi về kỷ niệm đáng nhớ nhất khi phượt bằng xe đạp, Trường nhớ lại: “Mình gặp khá nhiều rắc rối trong lần đi phượt xe đạp đầu tiên, đó là lần tụi mình đi Bắc Ninh, nhóm mình có 4 người. Do tâm lý lần đầu đi phượt là phải đầy đủ, an toàn. Vậy là chuẩn bị đầy đủ mọi thứ từ nước uống, đồ ăn, dụng cụ sửa chữa, đặc biệt là mang rất nhiều nước, 4 người nhưng mang 1 thùng nước khoáng và nhiều nước ngọt. Trong cuộc hành trình, có 1 người bị kiệt sức, do trời trưa hè nắng nóng, mang nhiều đồ nặng trong khi những thứ trong ba lô thì dọc đường bán rất nhiều. Mang lượng hàng hóa lớn như vậy đạp xe từ Hà Nội ra Bắc Ninh vừa phí sức, vừa ảnh hưởng tới tốc độ chuyến đi, rất may lần đó có dụng cụ y tế và cách không xa lại có một siêu thị nhỏ nên bạn đó đã được kịp thời được nghỉ ngơi và điều trị”.

Như vậy, có thể thấy yếu tố thể lực là rất quan trọng trong mỗi chuyến đi, đặc biệt là khi di chuyển bằng xe đạp, sử dụng “động cơ gân”.

 Trường vui vẻ chia sẻ kinh nghiệm dành cho những bạn trẻ mới bắt đầu phượt bằng xe đạp.

Về kinh nghiệm dành cho những bạn mới bắt đầu phượt xe đạp, Trường vui vẻ đưa ra những lời khuyên:

- Đầu tiên, các bạn nên đạp xe vòng quanh khoảng 3 – 5 km để xem xét sức khỏe và phương tiện của mình.

- Tiếp theo, hãy tìm hiểu thật kỹ địa điểm nơi mình sẽ đến, các cung đường sẽ đi qua để thuận lợi hơn trong việc lựa chọn các cung đường đồng thời kiểm tra phương tiện trước khi xuất phát.

- Hạn chế mang vác nặng, những gì có thể mua được dọc đường thì không cần mua trước, chỉ mang thức ăn nhẹ bổ sung năng lượng và nước uống vừa đủ. Về nước uống thì nên mua các loại nước điện giải, hoặc dung dịch điện giải rồi pha với nước khoáng uống. Không ăn quá no, tránh ăn các thức ăn khó tiêu.

- Luôn luôn phải có dụng cụ sửa chữa xe và dụng cụ y tế cũng như đồ bảo hộ thân thể như mũ bảo hiểm, bọc đầu gối, khuỷu tay, bản đồ, đèn pin, miếng dán phản quang nếu như đi trời tối. Nên chọn trang phục đơn giản, thoải mái, phù hợp với thời tiết.

- Đối với các bạn nữ khi tham gia phượt bằng xe đạp cần phải chú ý nhiều hơn về mặt sức khỏe. Nữ giới phải tính đến cả chu kỳ sinh lý của bản thân để sắp xếp thời gian cho phù hợp.

Đinh Ngân

Bình luận(0)