Đối với đề thi môn Ngữ Văn dành cho các sĩ tử tham dự thi khối D năm nay có 3 câu hỏi. Câu I, 2 điểm; câu II, 3 điểm; câu III, 5 điểm.
|
Đề thi đại học môn Văn khối D 2014. |
Gợi ý đáp án đề thi môn Văn khối D (nguồn Hocmai):
Câu I:
1. Đoạn thơ thể hiện tâm tư, tình cảm của tác giả.
- Lời tuyên bố dõng dạc và hùng hồn về chủ quyền dân tộc.
- Thể hiện sự tự hào trước chủ quyền dân tộc.
- Lời thơ là sự khẳng định vẻ đẹp tinh thần, vật chất của đất nước từ những cái hữu hình đến những cái vô hình ở bề sâu và trong thời gian vĩnh viễn đó là hồn đất nước.
2. Ý nghĩa tu từ của từ láy “rì rầm”
- Từ láy tượng thanh với hai thanh bằng: âm thanh nhỏ nhưng rõ và liên tục có khả năng tạo sự chú ý của người nghe.
HS có thể so sánh hai cách dùng: tại sao không dùng từ “thì thầm” mà lại dùng từ “rì rầm”.
- Thể hiện cái nhìn phát hiện các yếu tố truyền thống qua việc cảm nhận những âm thanh vô hình bằng thính giác (tiếng nói của những người đã khuất: âm thanh không có thật).
- Tiếng nói ấy trở thành hồn thiêng sông núi, tiếp sức, nhắc nhở người đời sau.
3. Các dạng của phép điệp
- Điệp từ: những, đây
- Điệp ngữ: là của chúng ta
- Điệp cấu trúc ngữ pháp: câu 1+2 cùng cấu trúc (cụm danh từ + đây là + của chúng ta), câu 3 + 4 +5 cùng cấu trúc (Những + danh từ chỉ sự vật + tính từ)
Tác dụng:
- Khẳng định chủ quyền lãnh thổ của dân tộc: vùng trời, vùng đất liền, vùng biển là của dân tộc Việt Nam.
- Niềm tự hào về sự phong phú, giàu có và chủ quyền thiêng liêng của đất nước.
Câu II:
Thí sinh có thể trình bày những quan điểm, suy nghĩ cá nhân về vấn đề cần nghị luận theo những cách khác nhau song cần đảm bảo những ý cơ bản sau:
Giải thích vấn đề:
+ Cống hiến và hưởng thụ: Cống hiến là đóng góp cái quý giá của mình cho sự nghiệp chung, cho cộng đồng. Hưởng thụ là được nhận những lợi ích, giá trị từ xã hội. Cống hiến và hưởng thụ là hai thái độ, hai cách hành xử, hai quá trình luôn song hành cùng nhau, cái nọ làm tiền đề cho cái kia.
+ Hết mình và tối đa: cao nhất trong khả năng có thể.
Đề bài đặt ra vấn đề về phương châm sống của người hiện đại (nhất là giới trẻ): sống hết mình, sẵn sàng cống hiến và biết cách hưởng thụ.
Bình luận, chứng minh:
+ Biểu hiện của lối sống "cống hiến hết mình, hưởng thụ tối đa": các dẫn chứng trong học tập, chiến đấu, lao động sản xuất, nghiên cứu khoa học,...
+ Đó là một quan điểm sống tích cực của người hiện đại vì:
* Với mỗi cá nhân: quan điểm ấy giúp con người tự tin, năng động, phát huy tối đa năng lực, sở trường của mỗi người đồng thời biết cách thụ hưởng những giá trị do sức lao động chân chính của mình.
* Với cộng đồng: quan điểm ấy giúp tạo ra một xã hội năng động, sản xuất ra nhiều giá trị vật chất, tinh thần khiến đời sống xã hội ngày một nâng cao, phong phú, thúc đẩy sự phát triển xã hội.
+ Nhưng nó có "luôn phù hợp với mọi hoàn cảnh"?
Quan niệm sống ấy dù tích cực nhưng không phải lúc nào, ở đâu và với ai cũng phù hợp. Có những trường hợp, mỗi cá nhân phải biết hi sinh những lợi ích của bản thân, hạn chế sự hưởng thụ để cống hiến vì lợi ích chung của cộng đồng.
Quan niệm sống trên chỉ tích cực, phù hợp nếu con người đặt cống hiến làm nền tảng, hưởng thụ sẽ là kết quả của quá trình cống hiến ấy. Cách hưởng thụ, mức độ hưởng thụ... cũng là những vấn đề cần quan tâm.
Bài học: Thí sinh rút ra bài học về nhận thức và hành động, hướng đến quan niệm sống tiến bộ, lối sống lành mạnh, cao đẹp.
Câu III:
Giới thiệu tác giả, tác phẩm:
- Tác giả: là một trong số những nhà thơ tiêu biểu nhất của thế hệ các nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ.
- Tác phẩm: Bài thơ Đàn ghi-ta của Lor-ca rút trong tập Khối vuông ru-bích (1985). Đây là một sáng tác tiêu biểu cho kiểu tư duy thơ của Thanh Thảo: giàu suy tư, cảm xúc mãnh liệt, phóng túng và nhuốm mày sắc siêu thực, tượng trung, được học tập từ chính phong cách thơ hiện đại của Lor-ca.
Bình luận 2 ý kiến:
- Vài nét về con người Lor-ca: Federico Garcia Lor-ca (1898-1936) là một nhà tài năng lớn của văn học nghệ thuật hiện đại Tây Ban Nha với khả năng thiên bẩm ở nhiều lĩnh vực: thơ ca, hội hoạ, âm nhạc, sân khấu...; Lor-ca không chỉ là một nghệ sĩ, một nhà văn hoá vĩ đại với những đóng góp lớn lao cho nền nghệ thuật Tây Ban Nha và công cuộc cách tân nền nghệ thuật già cỗi ấy mà còn là một công dân yêu tự do, một chiến sĩ kiên cường chống lại chế độ độc tài thân phát xít Phrăng-cô, cuối cùng đã anh dũng hi sinh trong cuộc chiến đấu đó.
- Bình luận về hai ý kiến:
+ Ý kiến thứ nhất: Khẳng định 2 vẻ đẹp trong tâm hồn và nhân cách của một Lor-ca “nghệ sĩ – chiến sĩ”; tuy nhiên trong phần diễn giải, ý kiến này chưa làm rõ vẻ đẹp tâm hồn nghệ sĩ mà nghiêng về vai trò chiến sĩ, một nhà hoạt động xã hội khi khẳng định Lor-ca “vì dấn thân tranh đấu cho dân chủ và tự do nên bị bọn phát xít hành hình”.
+ Ý kiến thứ hai: Có sự phiến diện khi khẳng định “Lor-ca là mẫu nghệ sĩ thuần tuý khi chỉ đam mê cái đẹp và sáng tạo nghệ thuật, nhưng bị giết hại oan khuất”. Ý kiến này tuy tô đậm vẻ đẹp nghệ sĩ trong tâm hồn Lor-ca nhưng đã tách rời Lor-ca với một trong những khát vọng cao cả, tâm huyết nhất của ông đó là tự do dân chủ cho nhân dân và đất nước; cũng có nghĩa là tách rời nghệ thuật và cuộc đời.
+ Do đó, cần kết hợp cả hai ý kiến trên, xuất phát từ cuộc đời, sự nghiệp và con người Lor-ca, khẳng định vai trò nghệ sĩ-chiến sĩ để thấy được cả vẻ đẹp trong tâm hồn nhân cách và cả bi kịch trong số phận.
Dẫn chứng, chứng minh
Có thể làm bài theo hai cách:
- Cảm nhận chung về hình tượng Lor-ca trong toàn bộ bài thơ và chứng minh cả vẻ đẹp và thân phận của ông ở hai vai trò: một nghệ sĩ cô đơn trong khao khát cách tân và đổi mới nền nghệ thuật già cỗi TBN; một chiến sĩ kiên cường chiến đấu cho nền tự do dân chủ của đất nước TBN và đã “bị giết hại oan khuất”.
- Tách rời từng vai trò của nghệ sĩ và chiến sĩ; dùng các dẫn chứng phù hợp để chứng minh:
+ Trong vai trò một nghệ sĩ tài hoa và tâm huyết, một nhà văn hoá vĩ đại với những đóng góp lớn lao cho nghệ thuật TBN và công cuộc cách tân nền nghệ thuật già cỗi TBN những năm đầu thế kỉ XX, Lor-ca đã nếm trải bi kịch của một người đi đầu, người luôn cô đơn bởi những bước đi trước thời đại của mình; nhưng tình yêu với nghệ thuật và khát khao đổi mới khiến ông vẫn kiên trì, mạnh mẽ vững bước trên con đường gian truân và cao cả ấy.
+ Lor-ca còn là người công dân yêu tự do, người chiến sĩ kiên cường trong cuộc chiến đấu không mệt mỏi chống lại chế độ độc tài phản động Phrăng-cô, cuối cùng đã anh dũng hi sinh trong cuộc chiến đấu đó. Trong vai trò thứ hai này, vẻ đẹp bi tráng của hình tượng Lor-ca hiện rõ nhất trong cái chết đau thương, trong cách ra đi thanh thản, nhẹ nhõm, trong thông điệp tha thiết ông gửi lại cuộc đời: “Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn ghi ta!
>> Kết hợp hai ý kiến trong đề bài, gắn với cuộc đời sự nghiệp và con người Lor-ca, thông qua cảm nhận về những hình tượng thơ cụ thể, khẳng định vẻ đẹp bi tráng của Lor-ca, một vẻ đẹp đã đưa đến cho người đọc đồng thời cả niềm cảm phục và tiếc thương vô hạn.
Dưới đây là gợi ý đáp án, đề thi môn Văn khối C:
|
Đề thi đại học môn Văn khối C 2014. |
Gợi ý đáp án đề thi môn Văn khối C (Cô Nguyễn Thị Mai - TT LTĐH Vĩnh Viễn, TP HCM):
Câu I:
1: - Xác định phương thức biểu đạt của đoạn văn bản: Trong đoạn thơ, tác giả đã dùng phương thức tự sự kết hợp với biểu cảm.
2: - Các từ “lảo đảo”, “thập thững” đã diễn tả chân thực và sinh động hình ảnh cô đồng trong trạng thái nửa tỉnh, nửa say; hình ảnh bà ngoại bước thấp, bước cao trong trí nhớ của tác giả.
3: - Sự vô tâm của đứa cháu được thể hiện rõ qua câu thơ “Tôi đâu biết bà tôi cơ cực thế”.
Nỗi vất vả của bà ngoại được thể hiện qua biện pháp liệt kê các công việc của bà “mò cua, xúc tép, đi gánh chè xanh”; qua việc liệt kê các địa danh “Ba Trại, Quán Cháo, Đồng Dao” và qua hình ảnh người bà “thập thững” trong những đêm đông lạnh.
- Người cháu trong đoạn thơ đã thể hiện tình yêu thương sâu sắc đối với bà qua những hồi ức về tuổi nhỏ: Theo bà đi chợ, ăn trộm nhãn chùa Trần, lên chơi đền Cây Thị và những nỗi cơ cực gắn liền với cuộc đời bà.
Câu II: Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau. Sau đây chỉ là một gợi ý.
2.1. Giới thiệu vấn đề
Dân gian có câu: “Chân lí thuộc về kẻ mạnh”. Điều đó cho chúng ta thấy rằng, thông thường kẻ mạnh thường là kẻ thống trị thế giới và thống trị người khác. Nhưng sự thống trị không phải là điều cao đẹp, đáng ca ngợi và trân trọng. Phẩm chất cao đẹp của con người là lợi ích mà họ mang đến cho đồng loại. Chính vì vậy trong tác phẩm Đời thừa, nhà văn Nam Cao đã khẳng định: “Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác để thỏa mãn lòng ích kỷ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai mình.”
2.2. Giải thích
Có hai cách hiểu về kẻ mạnh: kẻ mạnh về thể lực và kẻ mạnh về tinh thần.
Giải thích câu khẳng định của đề bài: Thế nào là sức mạnh chân chính và sức mạnh của sự ích kỉ và xấu xa. Hình ảnh giẫm lên vai người khác và giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai mình là hai hình ảnh nghệ thuật tương phản.
2.3. Bàn luận
- Sức mạnh có thể dùng để giải quyết thành công nhiều công việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau (dẫn chứng). Dùng sức mạnh để đàn áp kẻ khác là một tội lỗi. Dùng sức mạnh để giẫm lên vai người khác và thỏa mãn sự ích kỷ của mình là điều xấu xa. Sức mạnh chân chính là sức mạnh mang đến lợi ích cho người khác, mang đến niềm vui và hạnh phúc cho đồng loại.
- Có thể cho ví dụ vài hành động về sức mạnh không chân chính và sức mạnh chân chính. Ví dụ như cha mẹ gánh trên vai những gánh nặng của công việc để nuôi dưỡng con cái và đưa con cái đến bến bờ bình yên; những người gánh lấy những công việc nặng nề và nhường những công việc nhẹ nhàng cho đồng nghiệp; những chiến sĩ hải quân và những người lính biên phòng không quản ngại khó khăn để bảo vệ tổ quốc… là những hành động về sức mạnh chân chính. Những người dùng sức mạnh để bắt ép người khác làm theo ý muốn cá nhân ích kỉ của mình; Trung Quốc dùng sức mạnh của nước lớn để đàn áp nhân dân Việt Nam… là sự thể hiện xấu xa của sức mạnh.
- Giúp đỡ người khác bằng khả năng mạnh mẽ, ý chí kiên cường của mình là một phương châm cao thượng mà con người cần phải noi theo. Khi con người mang trong tim một tình yêu chân thành, một lí tưởng cao đẹp thì con người sẽ có một sức mạnh chân chính. Sức mạnh đó sẽ trở nên vĩ đại hơn nhiều khi được hòa chung trong một cộng đồng của một quốc gia hay của một dân tộc. Lịch sử nhân loại đã chứng minh chính sức mạnh vĩ đại của mỗi dân tộc đã mang đến độc lập, tự do và hạnh phúc cho mỗi con người trong mỗi đất nước cụ thể.
2.4. Kết luận
Lứa tuổi học sinh phải biết tu thân, rèn luyện, học tập để trở thành người mạnh mẽ và có ích cho đất nước. Tình yêu thương, sự hi sinh, tính vị tha, lòng yêu nước… là những nhân tố và nền tảng tạo nên một sức mạnh chân chính cho mỗi con người. Sức mạnh chân chính của mỗi con người là nền tảng để quốc gia tồn tại và dân giàu, nước mạnh.
Câu III:
I. Mở bài
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm.
- Giới thiệu vẻ đẹp hình tượng sông Hương.
- Giới thiệu nhận định.
II. Nội dung
1: Khái niệm về thể loại bút ký.
- Đây thật sự là một thiên tùy bút. Tùy bút là thể loại văn học hòa quyện yếu tố tự sự với trữ tình, nghĩa là tác giả vừa miêu tả, trần thuật sự việc hình tượng một cách khách quan, vừa xuất hiện trực tiếp cái tôi trữ tình của tác giả.
2: Giới thiệu nội dung
- Là đoạn văn xuôi súc tích và đầy chất thơ về sông Hương. Vẻ đẹp của đoạn văn là cảm xúc sâu lắng được tổng hợp từ vốn hiểu biết phong phú về lịch sử, văn hóa, địa lí và văn chương cùng với tình yêu đắm say của tác giả dành cho quê hương xứ sở qua hình tượng sông Hương.
3: Phân tích
a) Vẻ đẹp tự nhiên hoang sơ tình tứ của sông Hương :
- Vẻ đẹp của sông Hương được tác giả so sánh nhân hóa mang tính cách, phẩm chất của con người.
+ Thượng nguồn của sông Hương được ví như cô gái Digan mang vẻ đẹp “phóng khoáng, man dại” và “dịu dàng say đắm”; dòng sông còn được so sánh như “người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở”, mang vẻ đẹp “dịu dàng, trí tuệ”.
+ Theo thủy trình của dòng sông, tác giả còn so sánh như “người tài nữ” đánh đàn lúc đêm khuya và như “nàng Kiều”, mà thành phố Huế là Kim Trọng.
+ Nét trữ tình còn biểu hiện qua hình ảnh dòng sông đi suốt thế kỷ về đánh thức “người gái đẹp ngủ mơ màng” giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại. Sông Hương thật tình tứ “lẳng lơ kín đáo của tình yêu”.
- Vẻ hoang sơ của sông Hương còn gợi ra từ nét “phong kín trong lòng những rừng thông u tịch và niềm kiêu hãnh âm u..." (thí sinh có thể chọn lọc thêm dẫn chứng).
- Tác giả thể hiện bút pháp tài hoa, khả năng quan sát tinh tế gợi nhiều cảm xúc thẩm mĩ từ những hình ảnh so sánh giàu chất trữ tình. b) Sông Hương mang vẻ đẹp trầm tích của văn hóa lịch sử Việt Nam .
- Dòng sông không chỉ bồi đắp phù sa cho đôi bờ xanh cành trĩu quả, mà còn bồi đắp cho tâm hồn con người thành vẻ đẹp văn hóa.
+ Sắc màu của Hương giang “sớm xanh, trưa vàng, chiều tím” gợi nét văn hóa của con người, bởi cái màu xanh của hy vọng, màu vàng của nhẫn nại, màu tím của thương nhớ, thủy chung của con người nơi đây.
+ Tính cách con người “Châu Hóa mãi mãi chung tình với quê hương xứ sở”, như dòng sông thuộc về một “thành phố duy nhất”.
- Trong tổng thể vẻ đẹp mang tính cách và phẩm chất của con người, tác giả còn so sánh dòng sông vừa cao cả biết “hiến dâng” đời mình cho những chiến công và “người con gái dịu dàng của đất nước”, mang dấu ấn lịch sử sâu sắc.
+ Dòng sông “đã sống những thế kỉ vinh quang với nhiệm vụ lịch sử của nó”.
+ Dòng sông cùng thăng trầm với lịch sử với đất nước. (Thí sinh tìm thêm dẫn chứng).
4: Nhận định chung: - Với vốn hiểu biết sâu sắc, phong phú và ngôn ngữ tài hoa, các phép ẩn dụ độc đáo, gợi cảm, nhà văn đã miêu tả sống động vẻ đẹp của sông Hương. Đồng thời đã bộc lộ tình yêu nồng nàn tha thiết dành cho quê hương xứ sở.
III. Kết luận
- Ngợi ca tác giả, ngợi ca tác phẩm.
- Khẳng định, nhận định là đúng đắn.
Kiến Thức sẽ cập nhật đáp án của chính thức của Bộ GD&ĐT tới bạn đọc trong thời gian sớm nhất.