Khu phi quân sự DMZ nằm trong làng Panmunjeom (Bàn Môn điếm), phía Bắc cách thủ đô Seoul 50 km, mất khoảng 40 phút đi xe bus. Khu vực này chính là ranh giới giữa hai miền Nam Bắc Triều Tiên với chiều dài 256 km, chiều rộng 4 km và được coi là khu phi quân sự lớn nhất trên thế giới.
Nơi đây chính là chứng tích lịch sử chiến tranh lạnh khi nằm ngay trên trận tuyến của cuộc chiến Nam Bắc Triều Tiên 1950-1953 và được thiết lập sau Hiệp định đình chiến ký kết ngày 27.7.1953. Nơi đây từng chứng kiến nhiều cuộc giao tranh nhỏ làm chết, bị thương nhiều binh lính của hai miền Nam – Bắc (kể cả lính Mỹ) và từng là cấm địa với dân thường.
|
Hàng rào an ninh ở cổng vào khu phi quân sự DMZ. |
Để vào khu DMZ, mọi khách du lịch đều phải đi qua hàng rào an ninh cùng sự kiểm soát khá nghiêm ngặt. Bước qua hàng rào, nếu tạm quên đi những hàng thép gai và các công trình quân sự lác đác bên đường, nhiều người sẽ dễ bị mê hoặc bởi cây cối và thiên nhiên nơi đây. Cảnh đẹp tự nhiên của DMZ chẳng khác gì một khu du lịch sinh thái. Tuy nhiên, việc dừng lại chụp ảnh dọc đường hoàn toàn bị cấm, khách du lịch chỉ được chụp hình, quay phim tại một số điểm đã được cho phép.
Dù sự căng thẳng ở biên giới 2 miền chưa bao giờ thực sự biến mất nhưng người Hàn Quốc vẫn khéo léo tận dụng DMZ thành điểm đến du lịch hấp dẫn không chỉ với mục tiêu kinh tế. Theo ước tính, mỗi ngày, DMZ thu hút hơn 3.000 khách du lịch trong và ngoài nước và các cửa hàng đồ lưu niệm dù không nhiều cũng thu được hàng triệu won mỗi ngày bởi hầu hết các du khách đều muốn mang gì đó trở về từ khu vực từng được quảng bá là nguy hiểm nhất thế giới.
Mọi thứ đều được tận dụng để tạo sự khác biệt nên ngay cả một mẩu thép gai được cho là lấy từ hàng rào ngăn cách hai miền cũng biến thành quà lưu niệm với giá không rẻ hơn 20.000 won (tương đương 400.000 đồng).
Khu vực đường hầm số 3, một trong 3 đường hầm mà CHND Triều Tiên tạo ra để do thám Hàn Quốc và hiện được mở cửa cho khách du lịch tới thăm quan.
Ngoài mục tiêu du lịch, DMZ là nơi chính quyền Hàn Quốc nhắc nhở người dân trong nước về sự chia cắt cần được chấm dứt đồng thời khéo léo gửi thông điệp cho bạn bè quốc tế. Những video trình chiếu về lịch sử hay các thông tin giới thiệu về các khu đường hầm giúp nước này có thêm sự ủng hộ về mặt chính trị trong vấn đề hoà bình tại bán đảo Triều Tiên.
Cách ranh giới quân sự 7km, công viên Imjingak (Nhâm Thìn Các) được xây dựng năm 1972 trong niềm hy vọng thống nhất bán đảo Triều Tiên. Đối diện với Imjingak là Mangbaedan (Vọng Bái đàn) là nơi tôn nghiêm linh thiêng. Người Triều Tiên sống tại Hàn Quốc thường đến đây thắp hương, dâng hoa lễ bái vọng về cố hương, nơi có bàn thờ vọng bái tổ tiên vào mỗi dịp Xuân về hay lễ Chuseok (lễ hội thu hoạch vào mùa thu). Sát cạnh quảng trường trong công viên là cây cầu Tự do dài 83m, rộng 4,5m, cao 8m được làm bằng gỗ thông và sắt, bắc ngang dòng sông Imjin nối hai bờ Triều Tiên. Cạnh đó là con tàu cuối cùng giữa hai miền Triều Tiên bị phá hủy cùng đường sắt cũ. Trên nóc của tòa nhà triển lãm cao 5 tầng là 20 kính viễn vọng chỉ về hướng Bắc.
Mời quý độc giả xem video Căn cứ quân sự của Nga tại Bắc Cực (nguồn Youtube):