Sáng ngày 31/5, Phó trưởng đoàn giám sát, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đã có cuộc trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội về báo cáo giám sát đất đai việc sử dụng đất đô thị của Quốc hội.
Ông Vũ Hồng Thanh cho biết, kết quả giám sát tối cao về đất đai đô thị đã được báo cáo đầy đủ trước Quốc hội tại kỳ họp này. Việc điều chỉnh quy hoạch, các vi phạm đã được thể hiện rõ nét qua video clip đã được trình chiếu tại Quốc hội. “Chúng tôi đã công khai từng dự án và Chính phủ đã biết cả rồi. Việc điều chỉnh các dự án như thế nào chúng tôi cũng đã nêu hết”, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nói.
Đề cập đến việc xử lý sai phạm đất đai tại các địa phương, Phó trưởng đoàn giám sát, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, sẽ kiến nghị Quốc hội đưa vào nghị quyết giao Thanh tra Chính phủ tiến hành điều tra. Cơ quan chức năng sẽ phải điều tra làm rõ, báo cáo Quốc hội vào kỳ họp cuối năm 2020.
|
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày tóm tắt báo cáo của Đoàn giám sát. |
“Trong báo cáo, chúng tôi cũng chỉ ra đầy đủ dấu hiệu vi phạm tại các dự án. Sắp tới sẽ kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Thanh tra Chính phủ điều tra làm rõ. Những dự án nào đã giao cơ quan điều tra thì cũng phải làm rõ”, ông Vũ Hồng Thanh nói.
Đề cập đến việc điều chỉnh quy hoạch, ông Vũ Hồng Thanh cũng chỉ ra những bất cập, chẳng hạn như một số dự án ở Linh Đàm và Mê Linh, Hà Nội. Đối với khu đô thị Linh Đàm, ông Thanh cho biết đã làm việc với Chủ tịch UBND TP. Hà Nội. Khi đó, Hà Nội báo cáo phải có cơ quan điều tra vào cuộc làm rõ. Đối với dự án ở huyện Mê Linh, ông Thanh nhấn mạnh quan điểm “ Hà Nội phải có trách nhiệm rà soát xử lý, không để dự án treo”.
Nói về việc phá nát quy hoạch tùy tiện tại Hà Nội như khu vực Linh Đàm, đường Nguyễn Tuân, đường Lê Văn Lương với hàng chục nghìn căn hộ chung cư, ông Vũ Hồng Thanh cho biết, trong báo cáo đã nói rõ rồi, 80% các dự án chung cư tập trung ở vùng trung tâm đô thị.
Ông Vũ Hồng Thanh cho biết, báo cáo giám sát đã chỉ rõ vi phạm tập trung vào đô thị, vùng trung tâm đô thị. Đối với khu vực Linh Đàm, Hà Nội điều chỉnh quy hoạch, xảy ra nhiều bất cập, các tòa nhà xây dựng sát sạt nhau, gây kẹt xe, hệ thống bệnh viện, trường học thiếu đồng bộ… “Tất cả những bất cập đó đang được đề nghị. Khi làm việc với đoàn giám sát, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nói đang chuyển cơ quan điều tra”, ông Thanh cho biết.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế cho biết, với hàng nghìn dự án được điều chỉnh quy hoạch, số lượng nhiều như vậy nên đoàn giám sát không thể chỉ ra cụ thể chi tiết từng dự án, mà chỉ đưa ra quy tắc chung.
Về việc xử lý các sai phạm xây dựng, vượt tầng vượt chiều cao, ông Vũ Hồng Thanh cho rằng: "Chỉ có thể khắc phục bằng cách cải thiện hệ thống hạ tầng, không thể phá nhà đi vì dân mua rồi. Đáng lẽ hạ tầng kỹ thuật phải xây trước, giờ như vậy rồi, phải bổ sung sau”.
Liên quan đến phản ánh của đại biểu Quốc hội về việc “điều chỉnh dự án theo lợi ích nhà đầu tư”, Phó đoàn giám sát cho rằng, đó chỉ là dấu hiệu, và cơ quan thanh tra phải có trách nhiệm làm rõ.
“Đoàn giám sát của Quốc hội phải có cơ chế chung, ví dụ doanh nghiệp cổ phần hóa, nếu không đúng quy trình, thủ tục, phương án sử dụng đất thì phải thu hồi dự án đó, không để lợi ích nhà nước rơi vào tay của đơn vị cổ phần hóa”.
Trước đó, trong báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý và sử dụng đất ở đô thị (2013 - 2018) do ông Vũ Hồng Thanh trình bày tại Quốc hội đã chỉ rõ, tình trạng xây dựng không tuân thủ quản lý quy hoạch, kiến trúc còn khá phổ biến. Nhiều địa phương chưa tuân thủ các quy định về tổ chức không gian trong đô thị; việc quy định trách nhiệm của các chủ thể chưa rõ ràng, chưa có các chế tài đủ mạnh để xử lý vi phạm.
Việc điều chỉnh quy hoạch, nhất là điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung, điều chỉnh quy hoạch chi tiết còn tùy tiện. Việc điều chỉnh quy hoạch diễn ra khá phổ biến khi cả nước có 1.390 dự án điều chỉnh quy hoạch từ một đến 6 lần, có dự án tới 9 lần. Trong đó phần lớn là cơi nới tầng, chia nhỏ diện tích căn hộ, giảm diện tích cây xanh hoặc bổ sung chức năng nhà ở vào các lô đất thương mại... làm tăng mật độ dân số, gây hệ luỵ về hạ tầng kỹ thuật, xã hội.
Một số địa phương cũng điều chỉnh quy hoạch bổ sung chức năng nhà ở vào các lô đất thương mại, văn phòng làm gia tăng chênh lệch địa tô, tăng mật độ xây dựng, quy mô dân số. Những hạn chế này thường diễn ra tại các tỉnh, thành phố lớn, có sức hấp dẫn và thu hút đầu tư cao như TP.HCM, Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lạng Sơn, Bắc Ninh .
Có tình trạng điều chỉnh quy hoạch theo đề xuất của nhà đầu tư làm thay đổi lớn so với quy hoạch ban đầu, gây hệ lụy lớn về hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội trong khu vực, ảnh hưởng đến lợi ích người dân.
Một ví dụ điển hình tại dự án Tổ hợp công trình dịch vụ, thương mại, văn phòng và nhà ở cao tầng tại ô HH1, HH2, HH3 và HH4 lô CC6 Khu dịch vụ tổng hợp và nhà ở hồ Linh Đàm điều chỉnh chỉ tiêu mật độ xây dựng từ 24,6% lên gần 40%, tầng cao trung bình từ 20,33 tầng lên tối đa 40 tầng.
Trước đó, giải trình trước Quốc hội chiều 27/5 về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử đụng đất đô thị, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà tán thành với những kết quả mà Đoàn giám sát của Quốc hội đã chỉ ra, về những kết quả, hạn chế, nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nói chung và của Bộ Xây dựng nói riêng trong thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai đô thị. Nghiêm túc tiếp thu những nội dung kết quả giám sát và ý kiến đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cam kết sau khi Quốc hội có Nghị quyết giám sát, Chính phủ có chỉ đạo thực hiện thì Bộ Xây dựng sẽ xây dựng kế hoạch, quyết liệt thực hiện, sớm khắc phục những bất cập, tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về xây dựng, đặc biệt là ở các đô thị.
Nói về vấn đề quy hoạch và phá vỡ quy hoạch, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho rằng, phương pháp luận về lĩnh vực quy hoạch đô thị đã lỗi thời, chưa đáp ứng yêu cầu của sự phát triển là nguyên nhân chính dẫn đến hiện trạng như báo cáo. “Hệ thống, phương pháp xây dựng từ rất lâu, thậm chí là từ thời bao cấp, sau nhiều thời gian đã bộc lộ hạn chế, bất cập. Tôi cho đây mới là mấu chốt. Từ lý luận mới có hướng xử lý”, ông Hà nói.
Để hạn chế điều chỉnh quy hoạch tùy tiện, Bộ trưởng Xây dựng cho biết, Quốc hội thông qua, sửa đổi 37 luật liên quan đến quy hoạch. Theo đó, nếu trước đây điều chỉnh quy hoạch theo trình tự có sự tham gia của rất ít người và tổ chức, thì hiện nay trình tự đã theo như Luật Quy hoạch quy định. Bộ Xây dựng cũng xem xét bãi bỏ giấy phép quy hoạch và năm 2019, Bộ Xây dựng sẽ lập cổng thông tin điện tử quốc gia về quy hoạch đô thị. Công cụ này giúp người dân và doanh nghiệp có thể nắm bắt thông tin, giám sát quy hoạch.