Do không có tiền mua đất xây nhà nên nhiều người thu nhập trung bình tại TP HCM chọn mua nhà trả góp. Nhưng rất nhiều người đã gặp phải những chủ đầu tư “trời ơi” làm ăn tắc trách, khiến họ rơi vào hoàn cảnh khốn đốn.
Mòn mỏi chờ nhà
Bà Hải Y., làm việc tại một cơ quan nhà nước ở quận 3, TP HCM cho hay, năm 2011, biết tin dự án PetroVietnam Landmark (quận 2) chuyển cho Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVCLand) làm chủ đầu tư và đã xây dựng gần xong phần thô nên bà ký hợp đồng mua căn hộ tại đây. Đóng tiền đầy đủ theo tiến độ, chỉ vài tháng sau bà thanh toán 90% giá trị căn hộ với tổng số tiền 1,7 tỷ đồng và tin chắc năm 2012 sẽ được giao nhà.
|
Những người mua căn hộ tại dự án PetroVietnam Landmark tụ tập đòi giải quyết quyền lợi. |
Tuy nhiên, từ đó đến nay, bà cũng như hàng trăm khách hàng khác phải mất nhiều thời gian công sức và dùng đủ mọi cách, rồi đợi dài cổ mà chủ đầu tư không thực hiện tiếp công đoạn cuối cùng để bàn giao. Bà Hải Y. than vãn, có người đi kiện nhưng cũng không đòi được gì. Mọi người chỉ còn biết cầu trời cho chủ đầu tư, đơn vị thi công (Công ty ACC 245) và các bên ngân hàng nhanh chóng hoàn thiện và giao nhà.
Dự án cao ốc phức hợp Richland Emerald (đường Bãi Sậy, quận 6) nằm trong khu mua sắm sầm uất của Chợ Lớn và được chủ đầu tư công bố có tổng số vốn đầu tư ban đầu là 40 triệu USD. Đây là dự án tòa nhà cao 28 tầng, hứa với khách hàng là sẽ bàn giao vào năm 2010. Thế nhưng, sau 4 năm khách hàng mòn mỏi chờ đợi thì đến năm 2014 dự án bị thay tên đổi chủ. Những người đã trót đóng tiền mua căn hộ ở dự án này kỳ vọng sẽ được giao nhà vào cuối năm 2016 như chủ đầu tư mới hứa hẹn.
Ông Đổng Tấn Đạt (người mua căn hộ) bức xúc, những thiệt thòi về việc chậm trễ tiến độ của người mua thì ai sẽ bồi thường khi thời gian họ đi vay ngân hàng và nay phải chấp nhận theo kiểu “có nhà là mừng”. Ông Đạt cho biết, để mua căn hộ ông đã đi vay ngân hàng và từ nhiều năm nay và đang phải gồng mình trả lãi.
Không biết bấu víu vào đâu
Không chỉ chậm tiến độ và chưa giao nhà mà trường hợp của hàng chục khách hàng mua căn hộ tại dự án Gia Phú Land của Công ty TNHH Địa ốc Gia Phú cũng đang dở khóc dở cười. Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương (ngụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), tháng 2/2011, bà đã ký hợp đồng mua căn hộ tại Gia Phú Land do Công ty Đất Xanh Đông Á nhận phân phối, có trị giá 900 triệu đồng. Tuy nhiên, đến khi đóng 75% giá trị căn hộ thì chủ đầu tư cho biết căn hộ của bà đã bán nhầm cho người khác và yêu cầu đổi căn khác.
Mặc dù không muốn nhưng bà cũng đành chịu. Đến khi hẹn đổi nhà thì bà phát hiện căn hộ mình định đổi cũng có chủ và nhiều người khác cùng cảnh ngộ. Bà Hương chán nản cho biết, trễ tiến độ, nhà không có, tiền thì không được trả lại nên chúng tôi đành đi kiện. Tuy nhiên, vác đơn đi kiện thì bị trả về vì đơn vị môi giới là Đất Xanh Đông Á chối bỏ trách nhiệm, còn chủ đầu tư “lặn” mất tăm. Hiện giờ người mua nhà không biết bấu víu vào đâu.
Theo bà Hương, cuối tháng 9 vừa qua, lãnh đạo UBND TP HCM đã có cuộc họp và kết luận sẽ chỉ đạo cơ quan chức năng vào cuộc điều tra.
Đồng thời, lãnh đạo TP còn giao giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, chủ tịch hội đồng chuyển nhượng dự án tổ chức mời Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Tp.HCM, chủ đầu tư và các ngân hàng thương mại để bàn giải pháp cụ thể chuyển nhượng dự án nhằm bảo đảm hoàn thành dự án trong thời gian nhanh nhất để giải quyết quyền lợi của các hộ dân đã mua căn hộ tại dự án. Bà Hương hi vọng, lãnh đạo TP vào cuộc chỉ đạo, người dân rất mừng và mong sao mọi việc được giải quyết để yên ổn định cư và an tâm sinh sống.
Chính quyền cần "mạnh tay"
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM đề nghị lãnh đạo TP, quận huyện cần mạnh tay hơn nữa với những dự án BĐS trì trệ, chậm tiến độ. Đặc biệt, phải bảo đảm quyền lợi cho người mua nhà chứ không nên đứng về phía chủ đầu tư. Đơn cử như trường hợp người dân mua nhà ở dự án Vạn Hưng Phát (quận 8), đáng lẽ chính quyền quận này phải có những động thái tác động để chủ đầu tư (Công ty Vạn Hưng Phát) thực hiện chuyển nhượng dự án sớm nhằm giải quyết quyền lợi cho người mua chứ không để kéo dài như thời gian qua.
Ông Châu còn góp ý, để tránh tranh chấp xảy ra và gây thiệt thòi cho người mua nhà thì các ngân hàng khi cho vay vốn dự án phải theo dõi tiến độ thi công, dòng tiền của dự án; phải có biện pháp ngăn chặn chủ đầu tư chiếm dụng vốn hoặc sử dụng vốn sai mục đích.