Dự án Discovery Complex chậm khắc phục sai phạm vì đâu?

Google News

Sự chậm trễ của chủ đầu tư dự án Discovery Complex II (số 8B Lê Trực, Hà Nội) trong việc khắc phục hậu quả sai phạm khiến dư luận không khỏi đặt câu hỏi.

Như Báo Đầu tư Online - baodautu.vn đã đưa tin, các dự án Discovery Complex (số 302 quận Cầu Giấy) và Discovery Complex II (số 8B Lê Trực, quận Ba Đình) với sự tham gia đầu tư của Công ty cổ phần Kinh Đô TCI Group, liên tiếp bị phát hiện những sai phạm nghiêm trọng trong quá trình đầu tư xây dựng. Cơ quan chức năng của TP. Hà Nội đã ban hành các quyết định xử phạt và yêu cầu chủ đầu tư khắc phục sai phạm, nhưng tiến độ thực hiện rất chậm chạp.
 Dự án Discovery Complex (302 Cầu Giấy, Hà Nội).
Sai phạm nối tiếp sai phạm
Cụ thể, tại Dự án Discovery Complex II, chủ đầu tư đã tự ý tăng chiều cao các tầng, xây thêm tầng 19, tổng chiều cao hiện tại khoảng 69 m (vượt 16 m, tương đương 5 tầng). Diện tích sàn theo giấy phép gần 30.000 m2, nhưng chủ đầu tư đã xây dựng trên 36.000 m2.
Mặc dù UBND quận Ba Đình ra quyết định xử phạt và yêu cầu chủ đầu tư khắc phục hậu quả từ tháng 11/2015, nhưng từ đó đến nay, diện tích bị phá dỡ là không đáng kể. Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội gửi UBND Thành phố, sau 1 tháng phá dỡ phần diện tích sai phạm (từ ngày 21/11/2015), trung bình mỗi ngày chủ đầu tư chỉ phá dỡ được 10-15 m2, tổng diện tích phá dỡ là 120 m2, không đảm bảo yêu cầu về tiến độ mà Thành phố đề ra.
Tại Dự án Discovery Complex, theo giấy phép xây dựng, chủ đầu tư được phép xây 5 tầng khối đế, 1 tầng cây xanh và khu Văn phòng - chung cư cao cấp với tổng số 54 tầng. Tuy nhiên, Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Cầu Giấy đã "phớt lờ" giấy phép và tự ý xây thêm 3 tầng khối đế thành 8 tầng.
Với sai phạm trên, ngày 31/10/2015, Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng đã ký Quyết định số 70/QĐ-CT.UBND đình chỉ thi công dự án, phạt 80 triệu đồng, buộc xin điều chỉnh giấy phép xây dựng trong vòng 60 ngày. Nếu quá hạn, dự án này sẽ bị cưỡng chế, phá dỡ. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chủ đầu tư chưa xuất trình được giấy phép xây dựng điều chỉnh.
Tìm kế hoãn binh?
Tại Dự án Discovery Complex II (8B Lê Trực, quận Ba Đình), đơn vị quản lý dự án từng bày tỏ nguyện vọng xin “hiến” phần diện tích sai phạm cho Nhà nước. Lý do mà đơn vị này đưa ra là công trình có chất lượng thi công tốt, nên việc phá dỡ rất mất thời gian và có thể ảnh hưởng đến kết cấu tòa nhà.
Trong khi đó, tại Dự án Discovery Complex (302 Cầu Giấy), đại diện chủ đầu tư cho rằng, năm 2014, UBND TP. Hà Nội đã cho phép điều chỉnh khối đế lên 9 tầng, thì mặc nhiên, giấy phép xây dựng phải điều chỉnh lên 9 tầng. Tuy nhiên, do chủ đầu tư đang trong quá trình thực hiện công tác chuyển đổi, nên chỉ có thể xem là đang thực hiện, chứ không phải không thực hiện các quy định pháp luật.
“Nghị quyết 43, ngày 6/6/2014 của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính trong hình thành và thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất để cải thiện môi trường kinh doanh quy định, cho phép chủ đầu tư thực hiện song song các thủ tục hành chính để đẩy nhanh tiến độ đầu tư. Như vậy, trong trường hợp này, chủ đầu tư đang xây dựng và việc chuyển đổi lên khối đế 9 tầng đã được UBND TP. Hà Nội, Sở Quy hoạch Kiến trúc cho phép, nên việc thực hiện cần có thêm thời gian”, vị đại diện chủ đầu tư Dự án Discovery Complex lý luận.
Với những động thái nêu trên của Công ty cổ phần Kinh Đô TCI Group trong việc khắc phục sai phạm tại các dự án Discovery Complex và Discovery Complex II, dư luận không khỏi băn khoăn, vì sao chủ đầu tư các dự án này chậm trễ trong việc khắc phục các sai phạm theo quyết định của cơ quan chức năng?
Liên quan đến Dự án Discovery Complex 302 Cầu Giấy, ngày 26/1/2016, Văn phòng Ủy UBND TP. Hà Nội đã ban hành Văn bản số 710/VP-XDGT, truyền đạt ý kiến của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng gửi Sở Xây dựng và Ủy ban nhân dân quận Cầu Giấy, yêu cầu Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND quận Cầu Giấy kiểm tra, xử lý các vi phạm tại dự án.
Còn trách nhiệm của cơ quan chức năng có liên quan đến Dự án Discovery Complex II, Sở Xây dựng Hà Nội đã có văn bản gửi Sở Nội vụ đề nghị xem xét kỷ luật cán bộ đã nghỉ hưu khi đương chức đã ký cấp phép cho Dự án. Nguyên nhân là khi hồ sơ cấp phép của Sở Xây dựng cung cấp cho đoàn thanh tra không có tài liệu thể hiện việc kiểm tra hiện trạng công trình trước khi cấp phép. Như vậy, trước khi lập hồ sơ xin cấp phép xây dựng, chủ đầu tư đã thi công công trình. Nhưng Phòng quản lý cấp phép của Sở Xây dựng đã không có biên bản kiểm tra hiện trạng là không đúng quy định.
Theo Đầu Tư Bất Động Sản

Bình luận(0)