Theo UBND TP. Hà Nội, việc phá dỡ giai đoạn 1 dự án này gồm tầng 19 và tum thang dược tiến hành từ tháng 11/2015 đã hoàn thành, đảm bảo an toàn. Trong quá trình phá dỡ, chủ đầu tư là công ty CP may Lê Trực đã có đơn khởi kiện hành chính quyết định cưỡng chế của UBND quận Ba Đình.
Tháng 3/2018 tòa án thành phố Hà Nội đã đình chỉ giải quyết vụ án hình chính sơ thẩm vụ việc trên.
Quận Ba Đình đã yêu cầu chủ đầu tư thanh toán tạm ứng kinh phí phá dỡ phần công trình vi phạm. Sau nhiều lần đôn đốc, tháng 6/2016 Công ty CP May Lê Trực đã chuyển hơn 201 triệu cho nhà thầu thi công phá dỡ. Tuy nhiên, công ty chưa ký kết hợp đồng làm căn cứ xử lý các bước tiếp theo.
|
Việc phá dỡ phần vi phạm của công trình tòa nhà 8B Lê Trực gặp nhiều khó khăn. |
Cho nên, UBND quận Ba Đình đã giao UBND phường Điện Biên ký hợp đồng thi công phá dỡ tầng 19 với nhà thầu là Công ty CP Hạ tầng Phương Bắc với giá trị gói thầu là 14 tỷ đồng và đã tạm ứng ngân sách với số tiền 7,1 tỷ đồng cho phường Điện Biên để tạm ứng cho nhà thầu.
Sau khi hoàn thành phá dỡ tầng 19, UBND thành phố đã có nhiều văn bản yêu cầu chủ đầu tư hoàn trả thanh toán tạm ứng cho quận Ba Đình nhưng hiện vẫn chưa nhận được số tiền mà chủ đầu tư cam kết hoàn trả. Mặt khác, chủ đầu tư có đơn khởi kiện Chủ tịch UBND quận Ba Đình đề nghị dừng cưỡng chế phá dỡ công trình, làm ảnh hưởng đến quá trình xử lý vi phạm.
Về việc phá dỡ giai đoạn 2 gồm tầng 17 và 18, UBND TP. Hà Nội cho hay đã gặp rất nhiều khó khăn. UBND thành phố nhiều lần nhận được đề nghị của nhà thầu phá dỡ là công ty Phương Bắc đề nghị dừng thi công phá dỡ do ảnh hưởng đến an toàn chịu lực và kết cấu tòa nhà.
Do đó, Hà Nội đã phải xin ý kiến Bộ Xây dựng, các viện nghiên cứu để có phương án phá dỡ.
Tháng 7/2018 công ty may Lê Trực có văn bản gửi Hà Nội kiến nghị được tự phá dỡ tầng 17, 18 và đề nghị thành phố “không chuyển cơ quan công an điều tra, xử lý vi phạm trong hoạt động đầu tư, xây dựng”.
Tháng 8/2018, Sở Xây dựng báo cáo UBND TP. Hà Nội, đánh giá chủ đầu tư chưa tự nguyện tổ chức phá dỡ. Cho nên đề nghị chỉ định đơn vị tư vấn thiết kế, đơn vị thi công phá dỡ giai đoạn 2.
Báo cáo Thủ tướng, UBND thành phố Hà Nội khẳng định vi phạm trật tự xây dựng tại số 8B Lê Trực là vụ việc phức tạp, vi phạm pháp luật về xây dựng nghiêm trọng.
Để giữ nghiêm kỷ cương pháp luật và hiệu lực hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước, UBND TP. Hà Nội cho hay thời gian tới sẽ tiếp tục chỉ đạo UBND quận Ba Đình, các sở ngành liên quan xử lý dứt điểm phá dỡ tầng 17, 18 của dự án 8B Lê Trực.
Đáng chú ý, Hà Nội cho biết sẽ yêu cầu các đơn vị phối hợp cung cấp hồ sơ chuyển cơ quan cảnh sát điều tra để xem xét, tiến hành điều tra các sai phạm của các tổ chức, cá nhân liên quan tại dự án 8B Lê trực và “các sai phạm khác của chủ đầu tư” trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Cuối năm 2015, sau khi báo chí phản ánh dấu hiệu sai phạm tại dự án 8B Lê Trực, UBND TP. Hà Nội đã có báo cáo cho rằng, dự án 8B Lê Trực “không nằm trong quy hoạch khu trung tâm chính trị Ba Đình”, song công trình này đã có một số sai phạm trong quá trình thi công.
Cụ thể từ tầng 8 (phía đường Trần Phú kéo dài) phải có khoảng lùi khối cao tầng 3,36 m so với khối đế, song chủ đầu tư đã xây thẳng đến mái. Phần giật cấp đầu hồi phía Đông, theo thiết kế từ độ cao 44 m công trình giật cấp vào 15 m và tại độ cao 50 m giật cấp tiếp thêm 5,3 m về phía Tây, nhưng chủ đầu tư không xây dựng giật cấp làm tăng diện tích sàn xây dựng.
Theo giấy phép xây dựng, công trình cao đến đỉnh tum thang là 53m. Thực tế chủ đầu tư đã tự ý tăng chiều cao các tầng, xây thêm tầng 19, tổng chiều cao hiện tại khoảng 69m (vượt 16m, tương đương 5 tầng).
Diện tích sàn theo giấy phép xây dựng là gần 30.000 m2, tuy nhiên chủ đầu tư đã xây dựng khoảng 36.000 m2, tăng trên 6.000 m2 so với giấy phép.