Chia sẻ về chuyện mua được 2 mảnh đất rồi làm nhà ở khi chỉ có 20 triệu đồng, chị Ân (34 tuổi) hiện đang là nhân viên kế toán cho một công ty dược có văn phòng tại Hà Nội cho biết vợ chồng anh chị cưới nhau năm 2008, cả 2 đều là dân ngoại tỉnh về Hà Nội sinh sống và lập nghiệp.
Trước khi lập gia đình, anh Toản dù đã có nhiều năm đi làm, nhưng cũng chẳng có tích lũy bởi công việc không ổn định. Bên cạnh đó, thời gian này anh còn phải dành một phần thu nhập để hỗ trợ bố mẹ nuôi các em ăn học ở quê nhà. Với chị Ân, từ thời sinh viên đã trải qua cuộc nhiều năm sống trong những căn phòng trọ chật hẹp 10-15m2, mùa hè thì nắng nóng, mùa đông lại ẩm thấp. Khi lập gia đình, chị vẫn phải đi thuê nhà tại khu vực Mỹ Đình... Thế nên, vợ chồng chị luôn ước khi có điều kiện sẽ mua một căn nhà ở Hà Nội, dù nhỏ thôi cũng được nhưng đó là của riêng mình.
|
Sở hữu nhà đất tại những thành phố lớn luôn là giấc mơ của nhiều gia đình trẻ |
Ý tưởng mua đất làm nhà của vợ chồng chị nảy nở vào đầu năm 2010 khi gia đình chuẩn bị đón người con đầu lòng. Chị Ân cho biết, thời gian này dù chỉ có 20 triệu đồng tiết kiệm, mức lương của hai vợ chồng cũng chỉ vài triệu đồng mỗi tháng nhưng với quyết tâm có một nơi “an cư rồi lạc nghiệp” nên mỗi cuối tuần anh chị thường đèo nhau rong ruổi khắp các ngõ ngách tìm mua nhà đất. Sau nhiều ngày săn lùng, anh chị cũng tìm được một căn nhà cấp bốn với diện tích 52m2 mới được xây dựng được người chủ rao bán chỉ với 200 triệu đồng ở xã Mễ Trì (nay là phường Mễ Trì – Nam Từ Liêm – Hà Nội).
Tìm được nhà đất phù hợp, anh chị mất gần 2 tuần để hỏi vay mượn khắp nơi từ những người thân, bạn bè, đồng nghiệp mỗi người một ít để đủ số tiền trả cho chủ bán nhà. Chị Ân thừa nhận một phần là do lần đầu mua đất, chưa có nhiều kinh nghiệm nên không để ý đến vấn đề pháp lý cũng như chủ quyền của thửa đất này. Một phần là thấy ngôi nhà phù hợp với khả năng vay mượn của mình nên quyết tâm mua để có chỗ ở ổn định. Mọi thủ tục mua bán nhà đất dù chỉ được thực hiện bằng hợp đồng ủy quyền, anh chị cũng tặc lưỡi cho qua vì thấy trong khu vực cũng đã có nhiều hộ gia đình đang sinh sống mà nhà đất cũng không có sổ đỏ như mình.
Sau khi hoàn thiện những thủ tục mua bán, anh Toản dành thêm thời gian gần 1 tháng để hoàn thiện phần điện nước, lắp thiết bị vệ sinh, bàn bếp, làm trần nhựa, quét vôi tường,... cũng như góp tiền để hoàn thiện hệ thống thoát nước cùng với những người hàng xóm đã chuyển về ở trước trong khu vực này.
Để có tiền trả nợ người thân, hàng ngày ngoài công việc chỗ làm, chị Ân còn nhập đồ trẻ em để bán ở vỉa hè tăng thu nhập. Hơn 4 năm sinh sống ổn định, khu vực gia đình chị rơi vào diện giải tỏa, thu hồi để xây dựng khu chung cư. Tuy nhiên, sau đợt chính quyền địa phương ra quân giải tỏa rầm rộ cuối năm 2015, nhưng vấp phải sự phản ứng dữ dội của người dân nên dự án xây dựng chung cư cũng đang “bất động” từ đó đến nay. Những năm qua vẫn có thêm rất nhiều người về đây mua đất, làm nhà. Thậm chí có người bỏ ra gần chục tỷ đồng mua cả nghìn mét vuông để xây nhà trọ cho thuê.
Không muốn sống trong cảnh lo lắng nhà bị giải tỏa bất cứ lúc nào, đầu năm 2017, lúc này thu nhập của hai vợ chồng quanh quẩn hơn 20 triệu đồng mỗi tháng, chị Ân một lần nữa cùng chồng tìm mua nhà đất để ổn định chỗ ở lâu dài. Sau nhiều ngày rong ruổi, cuối cùng tìm được một thửa đất 46m2 tại Hà Đông – Hà Nội được rao bán với giá 460 triệu đồng. Sau khi đặt cọc 20 triệu đồng, anh chị một lần nữa bước vào chiến dịch vay mượn tiền để thanh toán phần còn lại. Theo đó ai cho vay vàng thì anh chị vay vàng, ai cho vay tiền mặt thì vay tiền mặt.
Mua xong mảnh đất, gia đình chị thế chấp sổ đỏ vào ngân hàng vay 200 triệu với thời hạn 10 năm để làm nhà. Anh Toản cho biết để làm được căn nhà cấp bốn có gác xép tổng cộng 70 mét vuông với nền móng sau này có thể xây lên 4-5 tầng, anh đã phải bỏ ra số tiền lên tới 350 triệu đồng. Một phần tiền xây nhà là vay ngân hàng, phần còn lại được anh vay giám đốc công ty chỗ làm rồi trừ dần vào tiền lương của mình.
Sau khi chuyển về nhà mới tại Hà Đông giữa năm 2017, ngôi nhà ở phường Mễ Trì được cho thuê. Số tiền này vừa đủ để trả phần lãi và gốc khoản vay ngân hàng. Sau 3 năm chuyển về nơi ở mới, thu nhập của gia đình cũng đã được cải thiện hơn trước, nhịp sống trong khu vực cũng trở nên sôi động hơn do lượng người các nơi đổ về mua đất, làm nhà liên tục tăng sau mỗi năm. Điều này khiến giá đất trong khu vực đã tăng lên gấp đôi so với thời điểm đầu năm 2017. Còn khoản nợ vay ngân hàng và vay người thân của anh chị cũng đã giảm đáng kể.
Trước sự leo thang của giá nhà đất hiện nay, đặc biệt là giá nhà đất ở các khu vực vùng ven thành phố, chị Ân thừa nhận có thể mãi phải sống với cảnh nơm nớp lo nhà bị giải tỏa do không có sổ đỏ nếu không quyết đoán đưa ra quyết định tìm mua đất và làm nhà lần thứ 2 vào đầu năm 2017. Bà mẹ 2 con thừa nhận với tâm lý “an cư lạc nghiệp” việc vay mượn thêm để có thể mua đất, mua nhà dần trở nên phổ biến với nhiều gia đình trẻ. Bên cạnh đó, chị cũng cho biết để tránh vướng vào những rắc rối không đáng có thì những người mua nhà đất lần đầu cần tìm hiểu rõ pháp lý về thửa đất hay ngôi nhà mình định mua. Tránh mua phải những ngôi nhà chưa có sổ đỏ hay nằm trong quy hoạch giống như gia đình chị trước đây.
Về ngôi nhà cũ ở Mễ Trì, anh chị đang tiếp tục cho thuê, khi nào cùng những người dân trong khu vực đàm phán được với chủ đầu tư dự án tại đây về giá đền bù sẽ lấy tiền đó để trả hết những khoản vay mượn người thân và ngân hàng. Số còn lại sẽ để dành để làm lại nhà hoặc tìm hướng kinh doanh tăng thu nhập.
Sau 10 năm, với hai lần mua nhà đất, dù có nhiều vất vả và còn khoản nợ hơn 200 triệu đồng nhưng chị Ân cho biết đã có được nhiều thứ bởi số vốn ban đầu chỉ có khoảng 20 triệu đồng cho mỗi lần mua đất làm nhà. Theo đó, với 200 triệu đồng mua nhà không có sổ đỏ ban đầu, anh chị không phải đi thuê trọ trong 7 năm mà giờ vẫn có nhà cho thuê hàng tháng để bù vào khoản vay ngân hàng. Chỗ ở hiện tại thì giá đất đã tăng gấp đôi so với 3 năm trước, nên đây vẫn là những khoản đầu tư sinh lời của gia đình.
Dù có nhiều trường hợp mua nhà đất thành công với số vốn ít nhưng để an toàn nhất, các chuyên gia tài chính vẫn khuyên người mua chỉ nên vay dưới 50% tổng giá trị căn nhà hoặc thửa đất. Khi đó, các khoản chi tiêu sinh hoạt khác và phát sinh vẫn được đảm bảo, áp lực nợ nần sẽ không phải là gánh nặng với người vay.