Vay bạn bè từng khoản nhỏ một để mua nhà Hà Nội

Google News

Khi chủ nhà hỏi: "Thế định đặt cọc bao nhiêu?" Vợ chồng chúng tôi nhìn nhau ngượng nghịu: Chúng cháu chưa có đồng nào. Bà cụ chủ nhà phì cười bảo: "Ô, không có tiền mà cũng dám đi mua nhà!"

Nhân vật trong bài viết này là một nhà báo đang công tác tại Báo Giáo dục & Thời đại, vợ công tác tại Báo Hà Nội Mới. Câu chuyện của anh chị ly kỳ và là một trải nghiệm cả đời không thể nào quên.
Từ lúc đi tìm nhà, quyết định mua nhà, đến khi đặt cọc anh chị đều không có một đồng vốn tích cóp. Tất cả đều nhờ vào sự giúp đỡ của người thân, bạn bè.
Hai lần “tay không bắt giặc” đã để lại trong anh chị nhiều kỷ niệm đẹp. Bí quyết của anh chị là: "Có sao, chúng tôi làm theo quan niệm của các cụ “cháo nóng húp quanh, công nợ trả dần”.
Vay ban be tung khoan nho mot de mua nha Ha Noi
Tổ hợp chung cư HH Linh Đàm, Hà Nội. 
Lấy vợ, quay về Hà Nội sống
Sau 4 năm đại học, tôi về công tác ở một tỉnh miền trung du Bắc bộ. Công việc ổn định, mọi việc tưởng cứ trôi đi như một dòng sông phẳng lặng.
Năm 2003, tôi gặp vợ tôi bây giờ. Hai năm sau chúng tôi cưới. Chúng tôi bàn bạc và quyết định về sống, làm việc tại Hà Nội. Cũng là lẽ thường, nghề báo là phải “lăn về phía ồn ào”.
Sau đám cưới, chúng tôi về ở nhà cha mẹ vợ. Ông bà dành cho chúng tôi một phòng riêng trên lầu 3. Sau hai tuần tôi bàn với vợ xin ra ở riêng để... tự lập và tự do.
Khi nói nguyện vọng ấy với cha mẹ vợ ông bà cũng rất ủng hộ. Cha vợ tôi nói, ra riêng cũng hay, sẽ giúp anh chị tự kế hoạch cuộc sống, công việc, rồi tích lũy và có trách nhiệm với cuộc sống hơn.
Chúng tôi thuê trọ trong một con ngõ nhỏ của làng Quỳnh thuộc phường Minh Khai (Hà Nội). Chủ nhà là cô chú công nhân nhà máy bia đã nghỉ hưu... Cuộc sống cứ thế trôi đi cho đến khi vợ tôi sinh con gái đầu lòng.
Nhà thuê chật chội khiến chúng tôi bàn tính đến việc mua nhà để có chỗ ở rộng hơn. Ấy vậy nhưng, bàn tính mãi, tìm hiểu mất cả năm trời vẫn chưa có chỗ... ưng.
Cuộc gặp định mệnh giữa trưa nắng
Năm 2007, tình cờ có người bạn cô chủ nhà trọ mách: Bà giáo Thanh sau nhà trọ muốn bán nhà để về ở cùng con. Hai vợ chồng chúng tôi gửi con rồi vội vã sang nhà bà Thanh giữa trưa nắng gắt.
Bà giáo Thanh nụ hiền hậu tiếp chúng tôi. Bà bảo, nhà bà mua lại giấy tờ viết tay nên bà bán cũng viết tay. Có người hẹn tối đến đặt cọc nhưng bà còn đang e ngại chưa nhận lời vì anh ta “đầu gấu quá”. Bà bảo muốn bán cho chúng tôi, giá là 350 triệu đồng.
Chúng tôi gật đầu cái rụp, vì ngôi nhà 2 tầng, 1 gác lửng, mặt sàn 16 mét vuông phù hợp với chúng tôi (cả về diện tích mong muốn và giá tiền). Bà Thanh hỏi: "Thế định đặt cọc bao nhiêu?". Vợ chồng chúng tôi nhìn nhau ngượng nghịu: "Chúng cháu chưa có đồng nào". Bà cụ phì cười bảo: Ô, không có tiền mà cũng dám đi mua nhà!.
Chúng tôi hẹn, chiều chúng cháu sẽ qua để đặt cọc.
Công cuộc vay tiền kinh điển
Ngay lập tức, hai chúng tôi về nhà trọ lấy xe lao đi. Điện thoại cho hết bạn này, bạn kia. Người cho mượn 2 triệu đồng, người đưa cho 5 triệu đồng. Khoảng 4 giờ chiều, tôi mang đến cọc 20 triệu đồng. Bà Thanh đếm mỏi tay vì đủ loại tiền. Nhưng ai nấy đều vui...
Tiếp đó, chúng tôi dành dụm, vay bên nội, bên ngoại, bạn bè, đồng nghiệp... Mỗi người một ít, không cần phải quá nhiều, chúng tôi đã có căn nhà đầu tiên của mình.
Tổ ấm có rồi, giờ chỉ lên kế hoạch trả nợ là xong...
Đúng như các cụ nói “công nợ trả dần”, trong khoảng 3 năm tiết kiệm chúng tôi đã hoàn toàn hết nợ. Ngôi nhà đã thực sự là của chúng tôi, là tài sản lớn nhất của những nỗ lực tưởng như trong cổ tích.
Vay ban be tung khoan nho mot de mua nha Ha Noi-Hinh-2
Góc bếp nhỏ của gia đình tôi khi về căn hộ chung cư 76m2 ở Linh Đàm. 
Vay tiền... không khó
Năm 2015, sau gần 10 năm cô gái đầu lòng ra đời, vợ tôi mang bầu lần thứ 2. Không ai bảo ai nhưng chúng tôi đều hiểu con cái đã lớn, thêm con thì cũng phải thêm phòng ở. Vậy là chúng tôi quyết định... đổi nhà.
Lần này có “gốc” là căn nhà nhỏ xinh rồi nên chúng tôi cũng tự tin hơn nhiều. Vợ tôi nghe có dự án xây dựng tổ hợp chung cư HH ở Khu đô thị Linh Đàm, cho người thu nhập thấp nên bảo tôi chở đến xem.
Lúc ấy, có mấy chung cư đã có người ở. Vợ tôi bảo hay mình mua luôn căn đang xây được 7 tầng. Tôi gật đầu. Thế là chúng tôi chở nhau ra chỗ bán hồ sơ đăng kí mua luôn.
Ngày hôm sau phải đóng tiền đợt đầu mấy chục triệu đồng nếu không sẽ mất suất. Ấy thế nhưng, chúng tôi cũng chỉ có vài trăm nghìn đồng trong túi. Vợ tôi bảo, lại đi vay anh nhỉ và cười vang.
Lần này dễ hơn vì bạn bè đến tuổi chúng tôi cũng khấm khá. Có bạn đồng nghiệp nghe nói tôi mua nhà đưa tận tay 50 triệu đồng và nói anh cứ dùng, khi nào có trả em.
Cảm động nhất là cô chủ nhà trọ năm xưa còn đến tận nhà đưa cho chúng tôi một cục tiền gói vuông vức trong tờ giấy báo. Cô nói, chúng mày khó khăn cô cho mượn, đừng ngại.
Chúng tôi cầm tiền mà ứa nước mắt. Còn nhiều chuyện cảm động nữa mà không thể kể hết khi khó khăn được người thân, bạn bè đồng nghiệp giúp đỡ...
Căn nhà chúng tôi mua và trang bị nội thất hết hơn 1,6 tỷ đồng. May mắn thay vợ chồng viên chức nghèo được đủ điều kiện vay gói ưu đãi mua nhà 30 nghìn tỷ của Chính phủ nên cũng nhẹ gánh hơn. Ngôi nhà cũ bán được phân nửa giá trị căn nhà mới.
Căn nhà chung cư của chúng tôi khi về ở đã đón thêm một thành viên mới. Và ở đây chúng tôi có thêm nhiều hàng xóm trẻ tuổi đồng trang lứa. Họ đến từ nhiều miền quê và luôn chân thành giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Đó là điều tuyệt diệu mà cuộc đời mang lại cho chúng tôi.
Hàng tháng chúng tôi bảo nhau cố gắng dùng thu nhập của một người để trả nợ nhà. Mười năm công nợ, nay đã đi được nửa chặng đường. Chúng tôi hạnh phúc vì những quyết định của mình.
Giờ nghĩ lại hai lần mua nhà, kể với bạn bè ai cũng lắc đầu “chúng bay liều thật”. Nhưng tôi thì nghĩ, đó không phải là... liều.
Mời quý độc giả xem video cây ATM tự động phun tiền:
 

Theo Gia Đình Mới

>> xem thêm

Bình luận(0)