Thị trường chứng khoán trong nước mở cửa phiên giao dịch đầu tuần 14/2 khá tiêu cực khi VN-Index trong phiên ATO rơi nhanh gần 16 điểm.
Nhóm vốn hóa lớn, mà đặc biệt nhóm ngân hàng là tác nhân chủ đạo khiến chỉ số mất điểm lớn. Các mã rơi nhanh đáng kể là VCB, BID, CTG, VHM, HPG...
Ngược lại, cổ phiếu đầu ngành dầu khí là GAS tăng mạnh. Các mã dầu khí và xuất khẩu thủy sản đang có đà tăng rất tốt với sắc xanh chiếm phần lớn, tăng phổ biến 2-7%.
Tính đến 9h35, đà giảm của VN-Index dần hạ nhiệt khi chỉ còn sụt gần 13 điểm (0,84%) xuống khoảng 1.489 điểm. Tương tự, HNX-Index giảm 4,4 điểm (1,03%) còn 422,48 điểm.
Sắc đỏ chiếm áp đảo toàn thị trường 552 mã giảm giá trong khi chỉ có 186 mã tăng giá.
Sau đó, thị trường đã có một số nhịp hồi phục tốt nhưng tâm lý nhà đầu tư yếu vẫn khiến chỉ số chứng khoán không có nhiều cải thiện. VN-Index tạm dừng phiên sáng giảm hơn 12,5 điểm (0,84%) về 1.489,17 điểm.
|
Diễn biến VN-Index phiên sáng. Đồ thị: Trading View.
|
Trong khi đó các sàn tại Hà Nội hồi phục tốt hơn khi HNX-Index còn giảm 2,42 điểm (0,57%) về 424,47 điểm và UPCoM-Index giảm 0,71% xuống 111,74 điểm. Toàn thị trường chìm trong sắc đỏ khi có đến 629 mã giảm giá, ngược lại chỉ có 272 mã chứng khoán tăng giá.
Nhóm cổ phiếu trụ vẫn là lực cản lớn nhất, riêng rổ VN30 giảm 18,19 điểm (1,18%) trong buổi sáng với 23/30 mã giảm giá. Trong đó, ngân hàng diễn biến xấu nhất khi nhiều mã như VCB, BID, TCB, CTG, HDB, MBB, VPB đều nằm trong top các mã tác động tiêu cực nhất lên chỉ số.
Trong khi đó, cổ phiếu dầu khí đóng vai trò nâng đỡ và hãm đà rơi của thị trường. Riêng GAS tăng mạnh 4,1% và PLX tăng 3% là 2 mã có tác động tốt nhất lên chỉ số. Hàng loạt mã dầu khí khác đã được kéo lên mức giá trần và một số mã tăng 2-6%.
Tâm lý bán lan cổ phiếu khiến thanh khoản thị trường có sự nhích lên so với cuối tuần trước đó với tổng giá trị giao dịch tất cả các sàn là 17.180 tỷ đồng. Khối ngoại vẫn tiếp tục xu hướng bán ròng gần 70 tỷ đồng trên HoSE.
Tuần giao dịch này của thị trường trong nước bắt đầu chịu ảnh hưởng bởi một số sự kiện lớn trên thế giới như rủi ro từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất và căng thẳng địa chính trị leo thang.
Chứng khoán BIDV cũng cho rằng biến động tiêu cực của thế giới trước tình hình lạm phát gia tăng và hợp đồng tương lai tháng 2 đáo hạn tuần tới khiến cho diễn biến thị trường khó lường.
Chứng khoán Mirae Asset nhận định thị trường trong ngắn hạn sẽ có nhiều biến động với rủi ro gia tăng từ việc FED tăng lãi suất, căng thẳng Nga - Ukraine cũng như khả năng gián đoạn chuỗi cung ứng.