Vì sao nhiều người trẻ lựa chọn "nhảy việc" mùa dịch

Google News

Trong thời điểm khó khăn, nhiều bạn trẻ coi dịch bệnh là cơ hội để định hướng bản thân, tìm kiếm cơ hội phát triển mới.

Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát ở Việt Nam, nhiều người đang làm việc ở các ngành nghề khác nhau bị ảnh hưởng nặng nề. Có người mất việc vì công ty cắt giảm nhân sự, buộc phải xin nghỉ vì mức lương thấp, cũng có người phải dừng kinh doanh vì không có khách hàng.
Tuy nhiên, với nhiều bạn trẻ, thời điểm này lại đem đến cơ hội thay đổi môi trường làm việc, lựa chọn hướng phát triển mới.
Trong câu chuyện với Zing, 4 bạn trẻ từng đưa ra quyết định "nhảy việc" khi dịch Covid-19 bùng phát chia sẻ trải nghiệm mạo hiểm nhưng hào hứng để đi tìm định hướng, cơ hội mới cho bản thân.
Kim Anh (sinh năm 1998, Hà Nội) - Thực tập sinh Tổ chức Liên Hợp Quốc (UN)
3 tháng trước, tôi nộp đơn xin nghỉ việc tại công ty sau hơn một năm gắn bó với vị trí content creative.
Dù vốn không thích sự thay đổi công việc, tôi dần thấy mệt mỏi vì những áp lực không đáng có và muốn thử sức với một lĩnh vực mới ở tuổi 23. Do đó, tôi bắt đầu đắn đo việc rời đi hay ở lại từ tháng 2/2021.
Vi sao nhieu nguoi tre lua chon
 Bị trì hoãn kế hoạch tìm việc mới do dịch bệnh, Kim Anh tận dụng thời gian này để tập trung cho bản thân và học lên thạc sĩ.
Ai ngờ, một tháng sau, dịch Covid-19 tái bùng phát. Tuy nhiên, tôi vẫn quyết tâm tạm biệt chỗ làm cũ vì không thể tiếp tục chịu đựng áp lực cho tới khi hết dịch.
Sau một tháng đắn đó, tôi quyết định rời bỏ chỗ làm cũ, nhưng không may trùng với thời điểm dịch Covid-19 tái bùng phát.
Thú thực, dịch Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ tới kế hoạch của tôi. Từ dự định nghỉ ngơi một tháng trước khi tìm việc mới, tôi phải ở nhà suốt 3 tháng vì giãn cách xã hội và lượng yêu cầu tuyển dụng ít ỏi mùa dịch.
Tận dụng thời gian này, tôi tập trung hơn vào bản thân, đăng ký học thạc sĩ trực tuyến và sửa soạn CV cho công cuộc tìm việc.
Đầu tháng 5 vừa qua, tôi được nhận làm thực tập sinh ở UN - công việc mình hằng mơ ước.
Dù khi bắt đầu công việc mới cũng trùng với lúc dịch bệnh hoành hành, tôi vẫn bình tĩnh nhờ có kinh nghiệm ứng phó.
Trải qua 2 đợt dịch và một lần nhảy việc, tôi cảm thấy không hề hối hận. Tôi không thuộc tuýp người có thể lựa chọn hay làm việc một cách tạm bợ, mong muốn điều gì thì sẽ thực hiện cho trót.
Nguyễn Tân (sinh năm 1996, Hà Nội) - Nhân viên Thiết kế đồ họa
Đầu tháng 5, tôi quyết định rời công ty cũ sau gần 2 tháng nghĩ suy về chuyện nghỉ việc. Tôi nhận ra vị trí nhân viên thiết kế đồ họa mình đang làm không có cơ hội phát triển thêm ở môi trường hiện tại.
Nghỉ ở nhà được vài hôm, tôi thử tìm kiếm việc làm mới. Trên thị trường tuyển dụng, không ít nơi cần đến nhân viên thiết kế đồ họa, nhưng tôi vẫn chưa tìm được vị trí đúng ý mình.
Vi sao nhieu nguoi tre lua chon
 Rút kinh nghiệm từ đợt dịch trước, Tân tích lũy một khoản tiền cho những trường hợp cấp bách và kiên nhẫn chờ đợi cơ hội việc làm phù hợp hơn.
Tôi cũng đến thử việc ở một công ty. Song, do cảm thấy không phù hợp lắm, tôi đã xin nghỉ và ngồi nhà cho đến nay.
Bạn bè có phần ngạc nhiên khi nghe tôi tuyên bố nghỉ việc, hơn nữa lại đúng lúc dịch Covid-19 bùng phát. Ấy vậy, tôi lại thấy thời điểm này rất hợp lý.
Tôi vừa có thể trau dồi thêm kỹ năng nghề nghiệp, vừa nghỉ ngơi mà không cảm thấy “tội lỗi” bởi nhiều người khác trong thành phố cũng đang ở nhà.
Ngoài ra, việc chủ động nghỉ làm ngay thời điểm Covid-19 một phần bởi tôi không phải lo về việc nuôi thân trong thời gian tới.
Sau làn sóng Covid-19 đầu tiên vào năm ngoái, tôi biết mình cần phải tích trữ, tiết kiệm nhiều hơn, phòng trừ những vấn đề bất ngờ xảy ra như đau ốm hay dịch bệnh.
Nhờ đó, tôi dành dụm được một khoản tiết kiệm đủ để tôi duy trì 3-6 tháng nữa.
Trong thời gian này, tôi vẫn nhận một vài hợp đồng thiết kế freelance, cũng mày mò đầu tư vài mã chứng khoán. Nhờ đó, tôi có thể an tâm ngồi nhà, học thêm kiến thức về thiết kế đồ họa và tìm kiếm công việc mới thực sự ưng ý.
Thảo Vi (sinh năm 1998, Hà Nội) - Giám sát nhà hàng
Dù dịch Covid-19 mới kéo dài hơn một năm, tôi đã có kinh nghiệm 2 lần nhảy việc. Tháng 6 tới đây sẽ là lần thứ 3.
Từng đợt dịch bùng phát nối tiếp nhau khiến công việc kinh doanh tại nhà hàng bị gián đoạn. Khách hàng bị hạn chế tới dùng bữa trực tiếp, chỉ được mua mang về. Điều này làm tôi thấy “mất cảm hứng” và không còn tinh thần làm việc như trước.
Vi sao nhieu nguoi tre lua chon
Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, Thảo Vi từng 3 lần nhảy việc với mong muốn tìm môi trường làm việc, lương thưởng tốt hơn. 
Tình hình kinh doanh kém cũng khiến mức lương đi xuống theo. Thông thường, sinh viên ra trường như tôi có thể nhận được mức thu nhập khởi điểm từ 7,5-8 triệu đồng/tháng, sau nửa năm sẽ được xét tăng lương.
Ấy vậy, dịch Covid-19 đã làm thay đổi điều đó. Ngành dịch vụ ăn uống là một trong số những ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề nhất hiện nay. Vì vậy, mức lương hiện tại của tôi khá thấp và cũng chưa thấy cơ hội thăng tiến trong thời gian tới.
Trước tình hình này, tôi nghĩ rằng mình nên rời đi để tìm cơ hội tốt hơn. Đợt bùng phát dịch lần này lại càng tiếp thêm động lực thôi thúc tôi nộp đơn nghỉ việc, dù trong lòng có buồn một chút khi từ bỏ ngành dịch vụ nhà hàng - niềm yêu thích của tôi kể từ ngày còn là sinh viên năm 2.
Để chuẩn bị cho sự rời đi của mình, tôi dành tham khảo các vị trí tuyển dụng mới trên thị trường.
Nhờ chút may mắn và hơn 3 năm kinh nghiệm trong ngành dịch vụ nhà hàng, đặc biệt là kỹ năng chăm sóc khách hàng, tôi sớm tìm được việc làm mới với mức lương hấp dẫn hơn mà không tốn nhiều thời gian.
Bản thân là một người không thích thay đổi môi trường làm việc, hy vọng lần này tôi có thể gắn bó dài lâu với công ty mới.
Tiến Thịnh (sinh năm 1998, Hà Nội) - Chuyên viên Thương hiệu
Ngày 11/6, tôi nộp đơn xin nghỉ việc tại công ty cũ, chuyên mảng thương mại điện tử sau 2-3 tháng cân nhắc. Thời điểm đó, tôi cảm thấy bị "ì", mất hứng thú với công việc và muốn đi tìm lĩnh vực phù hợp hơn.
Tôi vốn đam mê ngành F&B từ lâu và may mắn được đề nghị vị trí chuyên viên thương hiệu (digital marketing, branding) cho một công ty trong lĩnh vực này.
Vi sao nhieu nguoi tre lua chon
Dù biết ngành F&B chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch, Tiến Thịnh vẫn chấp nhận mạo hiểm để theo đuổi đam mê. 
Không chỉ đem lại cơ hội theo đuổi ngành nghề yêu thích, công việc này còn có mức lương cao hơn, nhiều khả năng phát triển hơn so với vị trí cũ. Vì thế, tôi quyết định gật đầu đồng ý.
Tôi hiểu nhảy việc mùa dịch đã khó, chuyển sang một công ty về F&B lại càng mạo hiểm hơn do ngành này chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Dẫu vậy, sau khi chia sẻ với gia đình và bạn bè, tôi quyết tâm "dứt áo ra đi" vì muốn nắm bắt cơ hội này.
Thậm chí, tôi chấp nhận rằng bản thân có thể nhận mức lương thấp hơn trong 1-2 tháng đầu chỉ để được làm công việc mình thích do có một khoản tích lũy từ trước.
Do thời gian bàn giao công việc khá sát, tôi hiện làm song song ở cả 2 công ty cho tới khi kết thúc hợp đồng với chỗ làm cũ vào cuối tháng này. Lượng công việc nhiều hơn, dồn dập hơn, song tôi không hề hối hận với quyết định của mình.
Theo Trang Minh, Hồng Chang /Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)