Vì sao chứng khoán toàn cầu “nhảy múa”?

Google News

Các thị trường chứng khoán toàn cầu gần đây đã xuất hiện tình trạng nóng lạnh thất thường, với dao động ngược chiều nhau.

Trong phiên ngày 7/2, chứng khoán châu Âu phục hồi nhẹ còn chứng khoán Mỹ đóng phiên giảm điểm trong bối cảnh các nhà đầu tư tạm thời “án binh, bất động”.
Theo đó, các chỉ số chứng khoán tại London, Paris và Frankfurt đều tăng hơn 1,5% (khôi phục gần 70% giá trị so với mức giảm trước đó), thì chỉ số S&P 500 đã sụt giảm 0,5%, các chỉ số Dow Jones và Nasdaq cũng đều giảm điểm, trong đó, Dow Jones ghi nhận mức đảo chiều trong ngày lớn nhất kể từ tháng 8/2015.
Từ đặc điểm…
Theo giới quan sát, mức độ biến động của thị trường chứng khoán lần này có đặc điểm là biên độ rộng, khoảng cách giữa đỉnh và đáy khá cao, chỉ số Dow Jones có phiên lên tới hơn 1.100 điểm, các chỉ số chính đã có phiên tăng mạnh nhất trong 15 tháng qua.
Thị trường cũng ghi nhận, cổ phiếu công nghệ, vật liệu đầu vào, hàng tiêu dùng là những nhóm dẫn đầu sự tăng điểm của chứng khoán Mỹ. Trong khi các cổ phiếu quốc phòng, điện nước, bất động sản trước đây thường tương đối ổn định thì nay lại là những nhóm cổ phiếu hiếm hoi trong S&P 500 chứng kiến sự giảm giá đáng kể.
Trong khi đó, các “đại gia” trong lĩnh vực công nghệ như Amazon, Apple, Facebook; các công ty, doanh nghiệp như Boeing, ExxonMobil, McDonald có cổ phiếu tăng giá mạnh, thì cổ phiếu của các hãng dầu mỏ lại sụt giảm.
 Thị trường chứng khoán Mỹ biến động mạnh. Ảnh: Đầu tư chứng khoán.
Một trong những đặc điểm đáng được lưu ý nhất đó là, trong khi các bảng giá chứng khoán toàn cầu tràn ngập “sắc đỏ”, thì nhiều chuyên gia dự báo đã nhấn mạnh rằng các yếu tố nền tảng của nền kinh tế thế giới vẫn đang rất vững chắc.
Chuyên gia Alicia Levine, trưởng bộ phận chiến lược đầu tư toàn cầu thuộc BNY Mellon Investment Management ở New York, đã phát biểu với Reuters rằng: “Cho dù thị trường biến động mạnh mấy ngày qua, nền tảng của nền kinh tế đang rất mạnh, không chỉ ở Mỹ mà trong toàn bộ nền kinh tế toàn cầu”.
Đến nguyên nhân…
Ngày 2/2, mức lợi suất 2,85% được coi là nhân tố châm ngòi cho làn sóng bán tháo của giới đầu tư tại Mỹ và nhanh chóng lan tỏa ra toàn thế giới, bởi Thượng viện Mỹ thông qua Dự luật chi tiêu ngân sách dài hạn liên quan đến lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm (2,85%).
Nguyên nhân thứ hai được giới chuyên gia cho là, “Thị trường đang ở mức điểm khá cao so với trung bình của lịch sử, nên có thể sẽ còn có thêm những phiên giảm nữa”.
Ông David Lebovitz, chiến lược gia thị trường toàn cầu của JPM Asset Management, phát biểu với hãng tin Bloomberg rằng: “Tuy nhiên, với tăng trưởng kinh tế vững vàng, lợi nhuận các doanh nghiệp tăng lên, và các ngân hàng trung ương chỉ bình thường hóa chính sách với tốc độ từ tốn, thì chỉ vài tháng nữa, chúng ta thậm chí sẽ chẳng còn nhớ cảm giác về những phiên giảm mạnh vừa qua”.
Một nguyên nhân khác được cho là do các nhà đầu tư lo ngại rằng sự tăng trưởng vững vàng của kinh tế Mỹ, trong đó có thị trường việc làm, sẽ dẫn tới việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất trong năm 2018.
Một nguyên nhân khác cũng đáng chú ý đó là việc các nhà đầu tư đang rút tiền ra khỏi những thị trường mới nổi một cách ồ ạt, với khối lượng lớn nhất kể từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.
Theo các chiến lược gia tại Viện Nghiên cứu tài chính quốc tế, dù chưa có con số cụ thể, nhưng theo các chuyên gia này thì Hàn Quốc, Indonesia và Thái Lan là các quốc gia châu Á đang chứng kiến dòng tiền chảy ra mạnh nhất, khiến thị trường trái phiếu cũng chịu ảnh hưởng.
Chỉ số USD, được coi là thước đo “sức khỏe” của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác cũng đã giảm từ 0,18% xuống còn 89,19. Nhà phân tích Ric Spooner thuộc CMC Markets tại Sydney nhận định điều chủ yếu khiến các nhà đầu tư thận trọng là cuộc họp cuối cùng của FED dưới sự chủ trì của Chủ tịch sắp mãn nhiệm Janet Yellen.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, cú đảo chiều này của chứng khoán Mỹ không hề diễn ra suôn sẻ. Lúc mở cửa, thị trường sụt 2%, khiến các chuyên gia lo ngại về khả năng có thêm một phiên “đỏ lửa” nữa, nên tâm lý bán tháo chốt lời đã xẩy ra.
Và dự báo…
Theo Peter Garnry, người đứng đầu bộ phận chiến lược chứng khoán của Saxo Bank cho biết, thị trường chứng khoán toàn cầu sẽ đảo chiều trong nửa sau của quý I/2018. Hiện tại, cảnh báo này của Garnry đang xảy ra và vị chuyên gia này nhận định, đà giảm này tại thị trường toàn cầu có thể tới khoảng 7 đến 10%.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, đây là đợt điều chỉnh mang tính tích cực. Sau khi thị trường đi hết chuỗi giảm, nhà đầu tư chứng khoán sẽ bắt đầu mua vào trong bối cảnh lạm phát khác và vì vậy sẽ có những tính toán, chiến lược thay đổi. Hiện tượng này cũng đã từng xẩy ra trên thị trường chứng khoán thế giới vào năm 2007.
Bên cạnh hiệu ứng Thông điệp liên bang của Tổng thống Mỹ Donald Trump về nhận định đối với đồng USD, thị trường cũng đang toan tính về khả năng Fed dưới sự điều hành của tân Chủ tịch Jerome Powell sẽ quyết liệt hơn trong lộ trình nâng lãi suất với 4 lần trong năm nay.
Theo nhà phân tích Jonathan Butler của công ty Mitsubishi, số liệu về thị trường việc làm Mỹ công bố vào ngày thứ Sáu có nhiều khả năng sẽ củng cố bức tranh sáng sửa hơn của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Điều này sẽ hỗ trợ việc tăng lãi suất và qua đó tạo áp lực lên giá vàng trong ngắn hạn.
Song ông Jonathan Butler nhận định đồng USD vẫn đang trong đà đi xuống về dài hạn. Giá vàng luôn nhạy cảm với những biến động của đồng USD, do một khi đồng bạc xanh yếu đi sẽ làm gia tăng sức hấp dẫn của các tài sản được định giá bằng đồng USD như vàng.
Trên thị trường kim loại khác, giá bạc giảm 0,3% xuống 17,11 USD/ounce, trong khi giá bạch kim cũng để mất 0,9% xuống 995 USD/ounce sau khi đã có lúc rơi xuống mức thấp nhất của một tuần là 987,49 USD/ounce trong cùng phiên. Điều đó cho thấy, chưa có hiện tượng “tháo chạy” hay “ẩn nấp” của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.
Như vậy, sau gần 10 năm khủng hoảng, năm 2017 kinh tế toàn cầu khởi sắc và năm 2018 sẽ có những bước đột phá về tăng trưởng, khiến thị trường “ảo” đã biến thiên quá mức, sôi động vào nửa cuối tháng 1, nhưng lại tụt dốc vào đầu tháng 2, và hiện đang dao động theo kiểu “nhảy múa”.
Tuy nhiên, theo giới phân tích mặc dù có sự sụt giảm trên thị trường chứng khóan toàn cầu với mức độ khác nhau nhưng nền tảng của “nền kinh tế thế giới vẫn rất mạnh”. Vì thế, năm 2018 các thị trường chứng khoán trên thế giới vẫn là “hàn thử biểu” phản ánh sức khỏe của nền kinh tế toàn cầu.
Theo Nguyễn Nhâm/VOV

>> xem thêm

Bình luận(0)